Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Như anh em một nhà

Như một nhân duyên tốt lành, như một lẽ tự nhiên, có những làng quê hình thành từ những người vốn có quê hương bản quán khác nhau, không hề quen biết nhau. Rồi như thể trời xui đất khiến, họ thành xóm giềng của nhau, tình thân như ruột thịt. Đó là câu chuyện ở làng Đại Thủy, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (nay thuộc xã Tân Lập), tỉnh Quảng Trị.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị13/07/2025

Như anh em một nhà

Tân Phú hôm nay -Ảnh: P.X.D

Những người tiên phong

Tôi từng lên vùng cao Hướng Hóa để tìm hiểu về một ngôi làng của hai quê mới ra đời vào năm 1986, tính đến nay chưa được 40 năm-một ngôi làng mới, sinh sau đẻ muộn có thể kể vào bậc nhất tỉnh Quảng Trị. Vậy là câu chuyện bên ấm nước chè xanh cứ đậm dần theo lời kể của những người trong cuộc.

Ông Võ Xuân Hằng, trưởng làng Đại Thủy cũng là người cao niên vào tuổi 70 nhưng vẻ ngoài còn rắn chắc, tinh anh. Ngồi trước nơi thờ tự của làng, trầm ngâm một chút, ông nhớ về quá khứ chưa xa.

Ông kể: “Tôi là người quê Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cũ, từng đi bộ đội chiến đấu ở đây, từng biết đất Khe Sanh-Hướng Hóa. Sau khi ra quân về quê, thấy làng mình đất chật người đông, tôi nhớ đến vùng đất đỏ Hướng Hóa nên bàn chuyện di dân với một số anh em tâm huyết. Vì chuyện quyết định đi lập nghiệp khỏi làng là một chuyện lớn, thậm chí rất hệ trọng. Sau khi bàn bạc, nhất trí, 5 anh em chúng tôi từ Lệ Thủy vào đây”.

Ông Hằng kể tiếp: “Vào đây, bốn bề đồi núi, khe suối chằng chịt, địa hình dễ bị chia cắt, nhất là vào mùa mưa. Đêm nằm trong lán, nhà tạm nghe tiếng côn trùng nhớ nhà, nhớ quê da diết...Nhưng chúng tôi động viên nhau bám trụ, dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng không được bỏ cuộc nửa chừng”.

Dường như thấy bóng dáng của mình trong đó, ông Nguyễn Cửu Cẩn góp chuyện: “Chúng tôi quê ở xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong cũ. Sau khi anh em Lệ Thủy lên đây ít lâu thì chúng tôi cũng theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước đi kinh tế mới vùng cao Hướng Hóa. Lúc đầu cũng khá đông nhưng rồi gian nan quá, một số người không trụ nổi phải quay về quê cũ hoặc đi vào Nam. Vậy là bà con hai quê chung lưng đấu cật, tối lửa tắt đèn có nhau, vui buồn cùng chia sẻ”.

Ông Hằng cười: “Tên gọi của làng được ghép từ hai miền quê khác nhau, “Đại” ý nói đến Triệu Đại, “Thủy” là nhắc nhở về Lệ Thủy, nên tên làng mới là Đại Thủy. Bà con cùng cảnh xa quê đi kinh tế mới, lập làng mới, sống với nhau như bát nước đầy”.

Quê mới bây giờ

Đi trong Đại Thủy hôm nay sẽ thấy một làng quê với nhiều khởi sắc. Những con đường bê tông nối làng trên xóm dưới, trường học khang trang, nhà cửa kiên cố. Tất cả đều gợi lên một cảm giác thanh bình, no ấm. Ông Võ Văn Dũng lúc ấy là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đại Thủy cho biết: “Nhìn chung, đời sống bà con đã ổn định, no ấm, nhiều hộ làm ăn khá giả, hầu như không có hộ nghèo, bà con dù quê quán khác nhau nhưng sống chan hòa, tình cảm”.

Về Đại Thủy hôm nay sẽ thấy một làng quê no ấm, yên bình ở vùng cao Hướng Hóa. Ít ai ngờ rằng nơi đây mấy chục năm trước là một vùng quê heo hút, vắng bóng người.

Hơn thế, những con người vốn ở hai quê, chưa hề quen biết nhau đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, tạo dựng nên một ngôi làng non trẻ nhưng đầy quyết tâm và sức sống, mở ra những vận hội cho những thế hệ mai sau.

Có câu tục ngữ rằng: “Người ta là hoa của đất” quả đúng và sát hợp với làng quê Đại Thủy, với những con người bình dị và chân chất, tự tay mình viết nên trang sử vùng quê mới. Chính họ chứ không phải ai khác đã làm nên lịch sử một ngôi làng với tư cách khai sinh.

Vẫn biết cuộc đời còn nhiều thử thách nhưng tin rằng với những tấm lòng son như thế thì chắc rằng không có khó khăn nào có thể khuất phục được họ. Và tương lai đã nằm gọn trong tay những người có chí khí, dù chưa phải dời non lấp bể thì cũng đã đủ sức làm chủ vận mệnh của mình bởi họ là những người luôn tận tâm, tận lực và tận hiến. Đại Thủy hôm nay đã hòa chung trong thôn Tân Phú, nhưng dù tên gọi có đổi thay thì tình người vẫn trước sau như một.

Bác Hồ từng nhiều lần nhắc nhở bí quyết thắng lợi của cách mạng : “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đó không chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền mà còn là mệnh lệnh của cuộc sống, là lời hiệu triệu của non sông, của khí thiêng xã tắc, của tiếng gọi sâu thẳm từ lương tâm.

Mọi việc từ nhỏ đến lớn phải lấy sự hợp quần, cùng chung nguyện vọng, chí hướng mới thành công mỹ mãn, kể cả đại sự quốc gia như tách tỉnh, nhập tỉnh, cần muôn lòng như một bằng tất cả sự thành tâm. Đại Thủy no ấm, Đại Thủy kết đoàn đã và đang viết thêm một chương mới đẹp tươi trong nghĩa tình son sắt Quảng Trị-Quảng Bình khi hai miền quê đứng trước cơ hội lịch sử được về chung dưới một mái nhà.

Phạm Xuân Dũng

Nguồn: https://baoquangtri.vn/nhu-anh-em-mot-nha-195714.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm