Câu cảm thán quen thuộc của những người lao động đi xin việc thường chia sẻ lên mạng xã hội là: “Ở Việt Nam, 30 tuổi đã được gọi là lao động già sao?”. Họ bày tỏ sự nản lòng, vì xin việc hiện nay rất khó, nhà tuyển dụng e ngại và không ưu ái bằng những người mới ra trường. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, quý I/2025, gần 43% người lao động tìm việc độ tuổi 30 - 39, hơn 37% thuộc nhóm 20 - 29 tuổi. Thông tin trên được trích từ dữ liệu Bản tin thị trường lao động do Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động (Bộ Nội vụ) tổng hợp từ 18.000 lao động đi tìm việc trên các website, 25.000 doanh nghiệp tuyển dụng với gần 200.000 lượt bản tin đăng tuyển.
Không ít người tìm kiếm việc làm mới trong thế “bị động”, tức tạm dừng công việc quen thuộc do tinh giản, cắt giảm lao động, công ty hoặc đơn vị sắp xếp lại mô hình hoạt động. Họ bắt đầu với con số 0, tâm lý hoang mang, có phần mặc cảm và mơ hồ tìm kiếm hướng đi mới. Chị My Trang (phường Long Xuyên) từng làm trong một ngân hàng cho biết, chưa bao giờ ngành ngân hàng cắt giảm nhân sự mạnh mẽ như hiện nay. Năm ngoái, chị Trang là một trong số trường hợp bị cắt giảm, dù đang làm trưởng một bộ phận - vị trí nhiều năm phấn đấu mới đạt được. Sau 2 lần liên tiếp thử việc ở ngân hàng khác, chị Trang nhận ra không còn phù hợp với lối mòn từng trải, đến lúc cần rẽ sang hướng đi khác. “35 tuổi, tôi xin vào một doanh nghiệp tư nhân, bắt đầu lại tất cả, tuy mức lương thấp hơn trước đây, công việc hoàn toàn mới mẻ, phải học hỏi rất nhiều. Thay vì dằn vặt bản thân, tôi đã tìm lại nguồn động lực đi làm mỗi ngày, cố gắng trau dồi kỹ năng mới và chắc chắn còn phải nỗ lực rất nhiều. Tôi nhận được lời động viên, những chia sẻ góp ý chân tình và nhận ra lứa U40 sau nhiều năm làm đi làm lại một nhiệm vụ quen thuộc cũng là một “điểm yếu” trong môi trường làm việc” - chị Trang chia sẻ.
Người lao động lớn tuổi tham gia ngày hội việc làm tìm kiếm công việc phù hợp
Chị Vương Thị Thắm (xã Vĩnh Trạch) sau thời gian ở nhà làm “mẹ bỉm sữa” dành toàn thời gian cho việc chăm sóc con đã cảm nhận rõ áp lực tài chính, khi chỉ trông cậy vào một người đi làm. Chị “rải” đơn ở nhiều nơi mong tìm được công việc phù hợp và thừa nhận trong 5 năm ở nhà thì mức độ lạc hậu, thua kém mọi người có thể nhiều hơn con số của thời gian. “Tôi đã 38 tuổi, thật sự khó so bì với các bạn trẻ năng động, giỏi công nghệ và hiểu rõ tình hình xã hội hiện nay. Dù tự tin trước đây từng làm công việc văn phòng khá tốt, trình độ tiếng Anh và tin học không đến nỗi, nhưng so mặt bằng chung không thể là lựa chọn sáng giá cho nhà tuyển dụng được” - chị Thắm trải lòng.
Đầu năm 2025, chị Thắm thử việc tại chi nhánh tập đoàn tài chính S, học sử dụng Tiktok, livestream tư vấn cho khách hàng. Áp lực của những cái mới, chỉ tiêu, số hợp đồng thành công... như một vòng xoay không có lối ra. Cuối cùng, chị đành trở về làm “mẹ bỉm sữa”, tiếp tục tháng ngày gửi hồ sơ, hy vọng sớm có công việc mới. Chị cho biết, công việc hiện nay rất nhiều, nhưng đa số không phù hợp, vì chị khó tăng ca làm ngoài giờ hành chính, mức lương không như mong đợi, nhiều nơi còn gặp cả lừa đảo ngay từ vòng phỏng vấn.
Nghịch lý hiện nay là có rất nhiều doanh nghiệp, công ty tuyển dụng, thậm chí liên tục đăng tin tuyển lao động từ năm ngoái đến năm nay, nhưng nguồn cung vẫn không đủ cầu. Thực tế, dù có chỉ tiêu, đa số các doanh nghiệp chỉ tuyển người lao động từ 18 - 35 tuổi, có tay nghề, ít tuyển dụng công nhân trên 40 tuổi. Các lĩnh vực như may mặc, chế biến thực phẩm, thủy sản... cần cường độ làm việc cao và tốn nhiều sức. Trong khi các công việc văn phòng còn lại thì yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, nhu cầu tuyển số lượng ít. Nhiều người lao động lâm vào cảnh “tuổi hưu chưa đến, tuổi nghề đã hết”, khó cạnh tranh với lao động trẻ.
Anh Nguyễn Hoàng Nam, thành viên quản trị trang tuyển dụng việc làm trên Facebook cho biết, trao đổi với người ứng tuyển và bên tuyển dụng, nhận thấy các đơn vị, doanh nghiệp sẽ ngại nhận người lao động lớn tuổi vì quan niệm khó đào tạo hơn so các bạn còn trẻ. Mặt khác, người lao động lớn tuổi thường là những người quen làm một công việc trong thời gian dài, khó hoặc chậm thích nghi với cái mới, nhất là các công nghệ. Các vấn đề khác, như: Sức khỏe, hoàn cảnh cá nhân gia đình… cũng ảnh hưởng đến năng suất làm việc ở đối tượng lao động này.
Trong khi đó, người tìm việc thường chú ý vào mức lương, nơi làm, không muốn xa nhà, từ chối tăng ca, ngại áp lực, ngại đi công tác, chủ yếu nhắm vào việc văn phòng… Thực tế, tìm công việc hiện nay không khó, có chăng người tìm việc “chê” mức lương không cao, kén chọn, mong muốn quá nhiều, trong khi bản thân chưa đáp ứng được yêu cầu.
Những người lao động đã tìm được việc làm có lời khuyên: Nếu chưa được làm công việc như mong đợi, trước mắt hãy làm bất cứ việc gì kiếm ra tiền, chấp nhận thu nhập thấp để học hỏi kinh nghiệm, quan sát thị trường, nắm rõ xã hội đang vận hành như thế nào, nhằm tiếp tục trau dồi phát triển bản thân và thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.
MỸ HẠNH
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/nguoi-lao-dong-lon-tuoi-kho-khan-tim-viec-a423674.html
Bình luận (0)