Nhà văn Nguyễn Thị Cúc vừa cho ra mắt tập truyện ký Ngược lối cuộc hành trình, do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành. Tác giả là một nữ luật sư tốt nghiệp khoa luật Trường Đh Tổng hợp Kishinev, nước Cộng hòa Moldova từ thời Liên Xô cũ.
Ngược lối cuộc hành trình dày 320 trang, gồm 39 truyện ký được chia làm 2 phần: Hàng trang cuộc đời với 21 câu chuyện; Hoài niệm với 18 câu chuyện. Các câu chuyện kể dưới hình thức của thể loại truyện ký hiện lên với những trang viết chân thật nhất về cuộc đời và sự nghiệp của những nhân vật được tác giả đề cập đến trong sách.
Sách Ngược lối cuộc hành trình (NXB Thông tin và Truyền thông)
ẢNH: HÀ TÙNG SƠN
Những anh hùng giữa đời thường
Nước mắt ngày gặp mặt là câu chuyện tác giả kể về người anh hùng LLVTND, nhà tình báo nổi tiếng thời chống Mỹ có biệt danh Tư Cang (tên thật là Nguyễn Văn Tàu). Ông là người phụ trách cụm tình báo H63 đã góp phần to lớn làm nên cuộc thống nhất non sông vào ngày 30.4.1975. Ông còn là Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động, đơn vị tấn công cầu Rạch Chiếc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Một con người có chiến tích lẫy lừng như thế nhưng người anh hùng Tư Cang lại rất đỗi bình thường và giản dị. Ông tiếp xúc một cách trân trọng và chan hòa với mọi lớp người. Ông kể về cuộc đời hoạt động tình báo bí mật trong lòng địch ngay giữa thành phố Sài Gòn như một câu chuyện mà ai cũng có thể làm được.
Những trang viết về Tư Cang của Nguyễn Thị Cúc gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc khi biết ông lên đường tham gia kháng chiến khi là một chàng thanh niên mới 18 tuổi, lúc người vợ trẻ đang mang thai đứa con gái đầu lòng. Ngày đất nước thống nhất, ông trở về căn nhà của mình ở thành phố Sài Gòn chỉ cách nơi ở bí mật của ông vài km thì cháu ngoại đã 3 tuổi chạy ra đón ông trong niềm vui sum họp.
Cuộc đời của Tư Cang là hình mẫu của một người chiến sĩ giàu lòng yêu nước. Viết về Tư Cang, tác giả Nguyễn Thị Cúc muốn gửi gắm đến độc giả tấm gương về một người anh hùng lẫm liệt trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nhưng lại rất bình dị, chân phương giữa cuộc sống đời thường. Nói con người ta càng vĩ đại lại càng giản dị là như thế.
Những trang viết về lòng yêu nước, yêu cuộc sống một cách mãnh liệt trong Ngược lối cuộc hành trình của Nguyễn Thị Cúc còn có những câu chuyện kể về các nhân vật có thật ở ngoài đời như thầy Lê Đức Kiêm, ông Quảng… và về những vùng đất, địa danh lịch sử như thành cổ Quảng Trị, Truông Bồn, hồ Kẻ Gỗ… với tất cả lòng ngưỡng mộ của một công dân về một đất nước Việt Nam từng đi qua chiến tranh nên càng yêu quý hơn cuộc sống hòa bình hôm nay.
Ký ức là một thứ hành trang của cuộc đời
Điều khiến độc giả bị cuốn vào Ngược lối cuộc hành trình của Nguyễn Thị Cúc lại là những trang viết về chính cuộc đời đã đi qua của chị. Tác giả đã mở hết cõi lòng mình để kể với bạn đọc về cuộc đời gian truân từ bé nhỏ nhưng đã kiên cường, bất khuất để vươn lên của một người phụ nữ xinh đẹp và tài năng nhưng đa tình và đa đoan.
Thông thường, những câu chuyện tình yêu vui ít buồn nhiều, đôi lúc là cả sự bất hạnh trong tình trường được mọi người giấu kín chôn chặt trong lòng chỉ có trời biết và đất biết, nhưng với Nguyễn Thị Cúc thì không thế. Chị viết như một sự bộc bạch nỗi lòng của một người đàn bà trí thức rất hiểu biết về sách vở và cuộc sống từ mối tình đầu cho đến cả những mối tình tạm gọi là đương thời của mình. Là một người phụ nữ đẹp, chị được nhiều người yêu và chị cũng yêu nhiều người. Nhưng có một điểm rất chung trong tất cả những câu chuyện tình yêu mà Nguyễn Thị Cúc đã kể trong Ngược lối cuộc hành trình đều là những mối tình dang dở, kể cả mối tình với người đàn ông mà chị đã kết hôn, sống với nhau cả chục năm, đã có với nhau 2 đứa con thì cuối cùng cũng thành dang dở vì một cuộc ly hôn trong nước mắt.
Sau mỗi cuộc tình dang dở đó, Nguyễn Thị Cúc lại sống trong không gian cô đơn mà chị gọi là Miền không anh với những câu thơ chị đã viết tặng một người đàn ông mà chị yêu nhưng người đó lại không yêu chị, một mối tình đơn phương. Đó là những câu thơ tình khiến độc giả nhói lòng:
"Em đi về phía không anh
Yêu thương để lại, đắng cay song hành
Ngẫm buồn và nhớ thương anh
Chiều tàn rồi có độc hành như em"
(Miền không anh)
Cứ thế, bạn đọc bị cuốn hút vào những câu chuyện tình trường của tác giả cuốn sách như xem một bộ phim nhiều tập quay chậm với những màn kết thúc không có hậu nhưng lại là những mối tình rất đẹp. Đó là một năng lực ít người có ở ngòi bút tự sự của Nguyễn Thị Cúc. Với Ngược lối cuộc hành trình, những truyện ký mang tên Tình và nghĩa, Tháng Ba hoa gạo, Mối tình đầu, Hoa hồng vàng, Hoa hồng nhung, Lọan nhịp… tất cả đều đã và đang là hành trang cuộc đời của nữ tác giả.
Lẩy ra những ký ức buồn ít vui nhiều, nước mắt nhiều hơn nụ cười để giới thiệu với độc giả như thế, Ngược lối cuộc hành trình của Nguyễn Thị Cúc là một tập truyện ký đem đến cho bạn đọc những bài học, những chiêm nghiệm quý giá về tình yêu và cuộc sống.
Tác giả Nguyễn Thị Cúc trong buổi ra mắt sách Ngược lối cuộc hành trình
ẢNH: HÀ TÙNG SƠN
Nhìn lại để bước tới
Gấp lại trang sách cuối cùng của Nguyễn Thị Cúc ở Ngược lối cuộc hành trình, bạn đọc thấy cuộc đời con người dù truân chuyên đến đâu thì vẫn rất đẹp và rất đáng sống. Với mỗi câu chuyện của tác giả, quy luật cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra hiện lên rất rõ nét.
Bằng một lối viết với những câu chữ dung dị, không khoa trương, không kỹ xảo, Nguyễn Thị Cúc đã có một cuộc dấn thân chữ nghĩa qua Ngược lối cuộc hành trình để tạo nên một tập truyện ký mang đậm tính tự sự, hấp dẫn bạn đọc từ đầu đến cuối. Bởi với nghệ thuật hiện đại, nhất là với nghệ thuật văn chương, sự chân thật và đời thường luôn mang đến những thành công bất ngờ.
Điều thành công đáng kể nhất của Ngược lối cuộc hành trình là những trang sách của Nguyễn Thị Cúc đã mang đến cho người đọc niềm lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống ngay cả khi tưởng như bế tắc và tối tăm nhất.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nguoc-loi-cuoc-hanh-trinh-va-nhung-trang-doi-nhin-lai-18525071921184425.htm
Bình luận (0)