Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nền tảng vững chắc để văn hóa TP Cần Thơ phát triển

6 tháng đầu năm, ngành Văn hóa TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu, góp phần định hình đời sống văn hóa cơ sở rõ nét ở từng địa phương. Đó cũng là nền tảng vững chắc để sau hợp nhất, TP Cần Thơ mới sẽ khởi sắc các phong trào văn hóa, nâng cao nếp sống văn minh và đời sống tinh thần của nhân dân.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ02/07/2025

Lễ tri ân Anh hùng, Liệt sĩ nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) tại Khu di tích Trận chiến Pháo binh Vịnh Chèo năm 1974 (xã Vĩnh Thuận Đông, TP Cần Thơ). Khu di tích được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: DUY KHÔI

Cuối tháng 6 vừa qua, TP Cần Thơ (cũ) đã tiến hành tổng kết Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 17-3-2021 của UBND thành phố về việc Xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”, đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố đến năm 2030, giai đoạn 2021-2025. Hội nghị đã nêu bật những thành tích nổi bật trong xây dựng người Cần Thơ, tạo sức lan tỏa từ thành phố đến tận cơ sở. Tiêu biểu nhất là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tuyên truyền xây dựng người Cần Thơ với 5 tiêu chuẩn sâu rộng trong trường học bằng nhiều mô hình như “Tự hào người Cần Thơ”, tìm hiểu, tham quan di tích lịch sử, văn hóa, mô hình Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học…

Trước khi hợp nhất, TP Cần Thơ (cũ) đã hoàn thiện các quy định chi tiết khung tiêu chuẩn và cách thức đánh giá bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu vực văn hóa”, “Xã, phường thị trấn tiêu biểu”; kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2025… Đến nay, các quận, huyện của TP Cần Thơ (cũ) đã công nhận 11 phường, thị trấn đạt chuẩn Đô thị văn minh giai đoạn 2023-2025. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng được TP Cần Thơ (cũ) quan tâm, thống kê 6 tháng đầu năm, thành phố đón hơn 153.000 lượt khách, trong đó có trên 3.000 khách nước ngoài.

Tỉnh Sóc Trăng (cũ) trong 6 tháng đầu năm 2025 cũng thực hiện rất hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Địa phương triển khai đề xuất nhiệm vụ và kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ban hành kế hoạch xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể và triển khai quy chế quản lý, vận hành, khai thác phần mềm quản lý Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức trao nhận trang phục, thiết bị âm thanh, nhạc cụ cho các câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ và hỗ trợ nghệ nhân tham gia truyền dạy văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Dự án 6.

Tỉnh cũng phối hợp với UBND huyện Châu Thành (cũ) thông qua dự thảo Đề cương Đề án xây dựng con đường di sản văn hóa Khmer xã Phú Tân, huyện Châu Thành gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2025-2030. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Lễ hội Chrôi Rum Chếk (Lễ hội Phước Biển) của đồng bào Khmer thị xã Vĩnh Châu; Lễ hội Lễ hội Thắk Côn (Lễ hội Cúng dừa) của đồng bào Khmer xã An Hiệp, huyện Châu Thành… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng phối hợp UBND huyện Trần Đề tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho các nghệ nhân thực hành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật Rô băm và Lễ hội Nghinh Ông…

Còn với tỉnh Hậu Giang (cũ), thời gian qua, công tác văn hóa cũng được địa phương rất quan tâm. Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và ban hành Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo”. Đặc biệt, xã hội hóa đầu tư xây dựng Khu di tích Trận chiến Pháo binh Vịnh Chèo năm 1974 khoảng 5.000m2, tổng kinh phí 21 tỉ đồng.

Đến nay, tổng số di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng trong toàn tỉnh Hậu Giang trước khi sáp nhập là 17 di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích cấp quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, ngành Văn hóa tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn rất hiệu quả như 2 đợt thăm dò và khai quật Di chỉ văn hóa Óc Eo tại ấp 10, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy (cũ); hay truyền dạy Nghệ thuật “Hát Aday của người Khmer” xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Ngành văn hóa địa phương cũng tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị; lớp bồi dưỡng nghệ thuật Đờn ca tài tử; lớp phương pháp tổ chức câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật… nhằm nâng cao chất lượng nhân lực trong ngành.

*     *     *

TP Cần Thơ mới đã chính thức đi vào hoạt động, trên cơ sở tổng hòa nền tảng văn hóa vững chắc của 3 địa phương. Qua nỗ lực của 3 địa phương trước khi hợp nhất, nguồn lực và tài nguyên văn hóa được kế thừa, phát huy một cách đa dạng, dồi dào. Đây là nguồn lực văn hóa đủ mạnh, đủ tầm vóc để văn hóa Cần Thơ xứng tầm trung tâm, động lực của vùng ĐBSCL, góp phần hội nhập, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới. Từ đó, văn hóa Cần Thơ sẽ góp phần vào sự phát triển chung của thành phố, mà cốt lõi là nâng cao đời sống nhân dân.

PV

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nen-tang-vung-chac-de-van-hoa-tp-can-tho-phat-trien-a188076.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm