Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng cao vai trò phụ nữ trong giải quyết vấn đề xã hội

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án 938 "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ", các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng và vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội.

Báo Quảng NinhBáo Quảng Ninh02/07/2025

Hội LHPN tỉnh chủ trì phối hợp tổ chức Hội thi “Kiến thức mẹ, sức khỏe con” tại huyện Đầm Hà (tháng 5/2025).

Ngay từ đầu, Hội LHPN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND (5/2/2018), đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai Đề án phù hợp với thực tiễn địa phương. Nội dung Đề án được lồng ghép hiệu quả với các phong trào thi đua và cuộc vận động lớn, như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… cùng nhiều chuyên đề về an toàn thực phẩm, phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức hơn 252.700 lượt truyền thông, tập huấn kiến thức về phẩm chất đạo đức, pháp luật, kỹ năng làm cha mẹ, an toàn thực phẩm, phòng chống xâm hại. Bên cạnh đó, 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp được tập huấn bài bản với 111 lớp đào tạo, trang bị kỹ năng tham vấn, giám sát, phát hiện, hỗ trợ các tình huống liên quan đến bạo lực giới, buôn bán người, HIV/AIDS, an toàn thực phẩm. Hoạt động truyền thông được tổ chức đa dạng như sân khấu hóa, tọa đàm, diễn đàn, tư vấn pháp luật tại trường học, khu dân cư, khu công nghiệp,… thu hút đông đảo người dân tham gia.

Một điểm sáng trong thực hiện Đề án 938 tại Quảng Ninh chính là việc xây dựng và phát triển các mô hình hỗ trợ phụ nữ giải quyết vấn đề xã hội. Toàn tỉnh hiện có hơn 52.000 mô hình/CLB đang hoạt động hiệu quả, thu hút trên 580.000 thành viên tham gia. Trong đó có 319 mô hình phát triển kinh tế; gần 50.000 mô hình bảo vệ môi trường như “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Phân loại rác tại nhà”, “Biến rác thành tiền”; 2.384 mô hình văn hóa, gia đình hạnh phúc; 212 mô hình an ninh trật tự… Nhiều mô hình thiết thực như tổ phụ nữ thu gom rác thải, xây dựng gia đình hạnh phúc, vận động chồng con cai nghiện, phòng chống tệ nạn, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội tại cộng đồng.

Nhằm xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại, các cấp Hội đã tổ chức truyền thông phòng chống xâm hại tình dục, bạo lực gia đình cho 62.264 phụ nữ và trẻ em gái. Qua đó đã phát hiện, hỗ trợ xử lý 19 vụ xâm hại tình dục trẻ em và 60 vụ bạo lực gia đình; trong đó, 10 vụ nghiêm trọng được kết nối dịch vụ sinh kế, tư vấn pháp lý, hỗ trợ tạm lánh và tố giác tội phạm...

Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN huyện Ba Chẽ tổ chức Hội thi sân khấu hoá về "Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình" (tháng 5/2025).

Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh đã chủ trì nhiều cuộc giám sát chuyên đề quan trọng, về dịch vụ công thu gom rác thải sinh hoạt; lao động nữ tại doanh nghiệp FDI; phụ cấp và kinh phí cho cán bộ Hội cơ sở; chính sách hỗ trợ cho chi hội phụ nữ thôn, bản, khu phố… Những kiến nghị sau giám sát đã được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tiếp thu, điều chỉnh phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, Hội còn chủ động tham gia góp ý, phản biện xã hội với các dự thảo văn bản pháp luật như Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Giáo dục… góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.

Một kết quả đáng ghi nhận là tỷ lệ nữ được bầu vào các cơ quan dân cử ngày càng cao, với 37,5% đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV là nữ, HĐND tỉnh đạt 40,9%, HĐND huyện 34,05% và HĐND xã 36,36%. Điều này cho thấy phụ nữ ngày càng được tin tưởng và giữ vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo ở địa phương.

Giai đoạn đến năm 2027, Hội LHPN tỉnh xác định tiếp tục phát huy hiệu quả Đề án 938, tập trung vào các vấn đề như bạo lực gia đình, an toàn thực phẩm, giáo dục làm cha mẹ, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em. Mục tiêu cụ thể: Trang bị kiến thức cho 300.000 hội viên, cha mẹ có con dưới 16 tuổi; tập huấn kỹ năng phòng vệ cho 160.000 phụ nữ, trẻ em gái; bồi dưỡng nghiệp vụ cho 100% cán bộ Hội; hỗ trợ 2.000 phụ nữ có nguy cơ vi phạm pháp luật thay đổi hành vi tích cực. Hội cũng duy trì, nhân rộng mô hình hỗ trợ xã hội tại cơ sở; tăng cường phối hợp, giám sát, đề xuất chính sách; tổ chức truyền thông, tập huấn đa dạng hình thức, phù hợp từng nhóm đối tượng.

Tường Vi

Nguồn: https://baoquangninh.vn/nang-cao-vai-tro-phu-nu-trong-giai-quyet-van-de-xa-hoi-3364568.html


Chủ đề: phụ nữ

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm