Dù đã rời quê hương Lạng Sơn vào xã Ea Drông định cư lập nghiệp hơn 30 năm, nhưng những người Tày, Nùng nơi đây vẫn lưu truyền, phát huy nét văn hóa truyền thống múa sư tử mèo - một vũ điệu đặc biệt mà không phải ở đâu, dân tộc nào cũng có.
Cứ vào mỗi dịp Lễ hội Hảng Pồ hay những dịp lễ, Tết, ngày trọng đại của địa phương, trên các con đường, khu vực công cộng lại nhộn nhịp những đoàn người múa sư tử mèo với tiếng chiêng, trống vang lên rộn rã. Với những vật dụng, đạo cụ mang nét đặc trưng riêng như: mặt báo đông, mặt nả lình (còn gọi là mặt khỉ), chiêng, chũm chọe, đinh ba chạc, gậy, đoản đao, kiếm..., điệu múa đã khuấy động cả cộng đồng dân cư, thu hút đông đảo sự quan tâm, theo dõi.
Ông Nông Văn Pòng (thôn 1A) - người được xem là “lão làng” trong việc múa và am hiểu chia sẻ: “Múa sư tử mèo là hình thức biểu diễn tổng hợp, trong đó múa là chủ đạo nhưng không tách rời khỏi nhạc và trò diễn. Tùy vào không gian, địa điểm, mục đích, yêu cầu, múa sư tử mèo có nhiều bài múa để phù hợp với từng hoạt động, bối cảnh như: múa chào thần thánh, bái tổ, cầu may, múa tại hội lồng tồng, nhào lộn qua vòng lửa… Đây chính là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc mà người Tày, Nùng vẫn lưu truyền qua bao thế hệ dù qua bao lâu hay đi bất cư nơi đâu”.
Đội múa sư tử mèo thôn 1A tham gia phần thi trong Lễ hội Hảng Pồ. |
Ngoài tinh thần thượng võ của đồng bào miền núi, những vũ điệu mạnh mẽ, khỏe khoắn của múa sư tử mèo còn thể hiện khát vọng của đồng bào Tày, Nùng về một cuộc sống tốt đẹp, sung túc hơn. Theo người dân quan niệm, sư tử là tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt; sư tử đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó. Vậy nên, rời quê hương Lạng Sơn vào Đắk Lắk lập nghiệp đã hàng chục năm, dù cuộc sống có khó khăn, gian khổ đến đâu, nhưng cứ đầu năm mới hay chuẩn bị Lễ hội Hảng Pồ, già trẻ, lớn bé lại tề tựu luyện tập rồi tổ chức thành từng đội đi khắp các con đường, vào từng nhà để múa với quan niệm sư tử đến sẽ xua đuổi tà ma, tiêu trừ dịch bệnh, đón một năm mới sung túc, thịnh vượng.
Với mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc, những năm qua, những người Tày, Nùng lớn tuổi ở xã Ea Drông không ai bảo ai đã lặng lẽ tự truyền dạy điệu múa sư tử mèo cho thế hệ trẻ. Đó là ông Hứa Văn Hồng (thôn 3) đã truyền dạy điệu múa không chỉ cho con cháu trong gia đình mà cả các chàng trai, cậu bé hàng xóm. Theo ông, việc truyền dạy trong cộng đồng dân cư sẽ góp phần bảo lưu, trao truyền điệu múa truyền thống của đồng bào Tày, Nùng; đến nay, số người đã được ông truyền dạy múa sư tử mèo khó có thể đếm hết.
Đội múa sưa tử mèo thôn 3 tham gia biểu diễn trong Lễ hội Hảng Pồ ở địa phương. |
Em Phan Công Hiếu là một trong số nhiều thanh niên trẻ ở Ea Drông biết múa sư tử mèo. Từ năm 12 tuổi, cứ mỗi khi được nghỉ học, em lại được bố và các bác, các ông trong đội múa sư tử mèo thôn 1A chỉ dạy. Với em, việc học múa sư tử mèo không chỉ giúp em có sức khỏe dẻo dai mà còn rèn luyện cho em sự tự tin cũng như góp phần lưu giữ nét văn hóa của dân tộc. Đến nay em đã học được 4 năm và múa thành thạo một số bài. Trong đó, hầu hết các bài múa sư tử mèo đều có những động tác múa võ vừa nhanh, vừa uyển chuyển, di chuyển theo nhịp trống, chiêng, chũm chọe. Một bài múa chỉ kéo dài vài phút, nhưng đòi hỏi người biểu diễn phải có kỹ thuật điêu luyện.
Ông Nông Văn Dũng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Xã hội xã Ea Drông cho biết: “Múa sư tử mèo đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2017. Hiện nay, trên địa bàn xã đã thành lập được 3 đội múa sư tử mèo ở 3 thôn (1A, 1B, 3), mỗi đội có khoảng 40 thành viên. Ngoài ra, ở các thôn khác dù chưa thành lập đội nhưng có rất nhiều người biết múa, hầu hết là họ tự truyền dạy cho nhau”.
Có thể nói, cùng với những bản sắc, văn hóa đặc trưng của các dân tộc anh em đang sinh sống và được lưu giữ, bảo tồn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, văn hóa múa sư tử mèo của đồng bào Tày, Nùng đã điểm tô thêm vườn hoa văn hóa đa sắc màu mà ông cha ta đã dày công bồi đắp, gìn giữ. Trân quý hơn nữa khi di sản này được cả cộng đồng chung tay gìn giữ và ngày càng lan tỏa, khẳng định sức sống trường tồn theo thời gian.
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202507/mua-su-tu-meo-net-van-hoa-doc-dao-cua-nguoi-tay-nung-o-dak-lak-09f10c9/
Bình luận (0)