Thơ ông dẫn chúng ta về với những khoảng lặng của ký ức mà vẫn ngân vang đâu đó, ám ảnh đâu đó, còn mãi đâu đó, dù ở Thiên Cầm, ở Sa Pa, ở sông Gâm hay hồ Lục Thủy, dù xảy ra ở đầu thế kỷ XX hay mới xảy ra gần đây. Không gian (“ở đây”) và thời gian (“bây giờ”) dường như không thay đổi nhiều và thường bất biến trong thơ ông.

Hiếm có người nào chỉ nhìn “Mùa nước rút” mà đẹp như ông, trong trẻo như ông: “Con sông mạ vẫn chạy theo đường cũ/ hai vệt vàng uốn dải lòng xanh/ cô gái thăm đồng cầm sào đi giữa/ tưởng lướt thuyền trên tấm lụa thiên thanh”. Hiếm có người nào chỉ nhìn sự tĩnh lặng của đời sống mà đẹp như ông, nên thơ như ông: “Sợi khói nào lan trên mái lá/ tiếng cười ai loang nhẹ giữa vườn chè/ những bóng người vươn dài theo vách đá/ mặc ngàn năm mưa nắng dãi dề” (“Tĩnh lặng”). Đấy là sự “thấy” của ông. Còn sự “cảm” của ông thì sâu xa hơn nhiều qua “Hoài niệm”: “Vị ngọt ngào từ sữa lúa đâm bông/ từ đất ấm xộc lên.../ trên đường về vẫn còn vương vất.../ Say sưa nghe cây cỏ cựa mình...”. Tình yêu trong ông là một sự si mê, một sự nuối tiếc khôn cùng. Một sự lướt qua nhau trong cuộc đời, cũng khiến ông không khỏi dằn vặt mình: “Ta vẫn còn tự hỏi/ sao đã về quê người/ mà không hẹn trở lại/ nay đã thành xa xôi/ Giá người còn như trước/ ta cũng còn như xưa” (“Quê người”). Một cuộc hẹn hò, gặp gỡ, tâm sự với người mình yêu, cũng làm ông nhớ mãi: “Anh nhớ những hàng cây Bách Thảo/ ngả bóng vàng xuống mặt hồ êm/ mình đã nói biết bao nhiêu chuyện/ khi trở về trời đã ngả sang đêm” (“Hà Nội và em”). Một cuộc chia tay, cũng làm ông ngậm ngùi: “Người đi như hương gió/ trôi theo cùng mùa thu/ bỏ lại những bến đợi/ trong sương khói mịt mù” (“Người đẹp thời chiến khu”)...
Cảm thức thời gian và cảm thức mùa trong thơ Lê Mạnh Bỉnh, cũng lạ. Trong ông, mùa xuân là “mùa nôn nao” với “những ngập ngừng e ấp”, mùa hạ là mùa gọi ta vào với “những nồng nàn cháy bỏng”, “mùa thu là mùa hanh hao/ thấy xôn xao xa vắng”, mùa đông là “mùa nghe lá rụng/ bồi hồi như tiếng vọng” để rồi “trôi theo những mùa yêu”. Với ông, thời gian là khoảnh khắc của tâm trạng, của những ngọt bùi cay đắng mà đời người, ai cũng phải nếm trải, ai cũng phải trải lòng: “Người nhẩm đếm thời gian rơi từng giọt/ tiếng cầm canh thưa thớt lắng trầm/ còn những gì chưa thôi giá buốt/ còn những gì xao xuyến lặng thầm” (“Những con sóng lặng”).
Trong “Vòng đời”, “Một ngày như một đời” là một tứ thơ sâu sắc, không dễ mà viết được. Riêng câu "Một ngày như một đời" ngắn gọn, dồn nén, chất chứa. Chỉ năm chữ ấy thôi, nhưng mang chiều sâu triết lý và cảm xúc. Câu thơ gợi cảm thức ngày sống là đời sống, tức mỗi ngày trôi qua là một "phiên bản rút gọn" của cả một kiếp người. Một ngày trôi qua, và một đời như cũng vừa trôi đi. Trong cái nhìn Phật giáo hay thiền học, câu thơ cũng có thể hiểu như lời nhắc nhở: “Sống trọn vẹn một ngày là sống trọn một kiếp”. Bởi đời người là vô thường, nên mỗi khoảnh khắc đều có thể là cuối cùng. Sống cho một ngày trọn vẹn chính là sống có ý thức và tỉnh thức, không buông xuôi theo lãng phí, giận hờn hay mê muội. Tùy vào bối cảnh, câu thơ cũng có thể vang lên một tiếng thở dài. Với người từng trải, một ngày có thể kéo dài như một kiếp.
Thơ Lê Mạnh Bỉnh giàu cảm xúc, mang một vẻ đẹp tự nhiên và trong suốt. Ông không ỷ vào nghề và không lạm dụng kỹ thuật, không cầu kỳ trong việc lựa chữ, làm câu. Ông cứ hướng vào mình, vào đời mình mà viết. Ông lấy trải nghiệm cá nhân và sự chân thành là thế mạnh cho thơ mình và viết ra với sự say mê đến độ. Điều đáng nói thêm là đến nay, Lê Mạnh Bỉnh đã xuất bản 3 tập thơ gồm “Phận người”, “Mây bay” và “Vòng đời”, tất cả đều xuất bản qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn và năm nay, ông đã bước sang tuổi 86.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/mot-ngay-nhu-mot-doi-709750.html
Bình luận (0)