Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Món ngon An Giang

Ẩm thực không chỉ là danh sách các món ăn ngon, mà còn là bản sắc văn hóa sống động được thể hiện qua từng nguyên liệu, cách nấu, thưởng thức. Dù là món ngon từ biển hay món ăn dân dã giữa đồng bằng ngập nước, tất cả đều mang nét đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang.

Báo An GiangBáo An Giang03/07/2025

An Giang có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống, ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, còn có người Khmer, Chăm, Hoa... Nhiều dân tộc cùng sinh sống chan hòa, nên văn hóa ẩm thực tại An Giang rất đa dạng, đặc sắc, góp phần làm nên sức hút đối với du khách. Bên cạnh những món ngon truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc, khi du khách đến vùng Bảy Núi đều tìm, thưởng thức món gà đốt, khiến món ăn này trở thành đặc sản, để lại ấn tượng đặc biệt.

Gà đốt - món ngon vùng Bảy Núi

Gà đốt là món ăn có nguồn gốc từ Campuchia, sau quá trình du nhập vào vùng Bảy Núi đã trở nên vang danh. Để làm được món gà đốt trứ danh, các hàng quán đều tìm mua những nguyên liệu đảm bảo chất lượng như gà đồi, gà ta chắc thịt có trọng lượng không quá lớn. Ngoài các gia vị thông thường dùng ướp gà, như: Muối, tiêu, ớt, sả, cần có nguyên liệu đặc trưng vùng Bảy Núi là lá chúc. Theo chia sẻ của nhiều chủ quán gà đốt ở xã Ô Lâm, muốn gà đốt có hương vị riêng, không giống thịt gà khi chiên hay nướng, các quán ăn thường sử dụng thêm lá chúc đốt cùng với sả để tạo hương thơm thấm vào thịt gà. Trước khi đốt gà, sẽ lót một lớp lá sả và lá chúc bên dưới nồi, sau đó đặt gà lên trên. Bếp lửa đốt gà phải cháy thật to rồi điều chỉnh nhỏ dần để thịt gà chín đều. Gà khi đốt chín có lớp da giòn vàng ươm đẹp mắt, thịt mềm, mang mùi thơm đặc trưng.

Đến An Giang, tại các phường: Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, không khó bắt gặp các quán bún cá, với nồi nước dùng nghi ngút khói. Nếu bún cá Rạch Giá thiên về vị thanh nhẹ, có sự hòa quyện hương vị của cá lóc, tép phi thơm và rau sống, dễ ăn, hợp khẩu vị nhiều người, thì bún cá ở Long Xuyên, Châu Đốc lại mang khẩu vị đậm đà với sự phối hợp giữa các nguyên liệu: Cá lóc, heo quay, chả lụa, trứng vịt lộn, củ ngải bún, nghệ bột, mắm ruốc và các loại rau ăn kèm. Đặc biệt có đủ 3 loại nước chấm chủ yếu, gồm: Nước mắm me, nước mắm trong và muối ớt. Vì là món ăn tiện lợi, được nhiều người ưa chuộng, nên những quán bán bún ở An Giang, dù lớn hay nhỏ hoặc chỉ là một gánh hàng rong cũng đều có lượng khách nhất định. Có nhiều quán tuổi đời ngót nghét mấy mươi năm. Một món ăn khác rất phổ biến ở An Giang là cơm tấm Long Xuyên, với phần cơm nấu từ gạo tấm, ăn kèm bì, thịt nướng, chả trứng, dưa chua và nước mắm mặn ngọt. Tuy đơn giản, nhưng món ăn này lại mang sức hút đặc biệt nhờ dễ ăn và tiện lợi.

Bún cá Long Xuyên rất được lòng thực khách

Bạn Lê Nguyễn Tâm Anh (đến từ TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Chúng tôi có một nhóm bạn cùng sở thích du lịch đó đây, điều này giúp ích đối với công việc. Từng trải nghiệm, khám phá khá nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ngon, tuy nhiên món ăn ở An Giang khiến tôi ấn tượng hơn cả. Những món ngon, như: Cháo bò trái chúc, bún kèn, bún quậy… đều mang vị ngon rất riêng. Đặc biệt, mỗi lần đến với đặc khu Phú Quốc chúng tôi không thể bỏ qua món gỏi cá trích”. Có thể nói, gỏi cá trích là món ăn trứ danh nhiều du khách ưa thích. Cá trích tươi được sơ chế kỹ lưỡng, thái mỏng và trộn cùng các nguyên liệu như: Dừa nạo, hành tím, rau sống, chuối chát, cuốn cùng bánh tráng và chấm với nước mắm chua cay. Vị ngọt của cá tươi, vị chát của rau, vị béo bùi của đậu phộng và dừa, tạo nên một vị ngon hài hòa, đậm chất biển.

Ẩm thực biển tại An Giang còn phong phú với những món ngon chế biến từ hải sản, nhất là những món lẩu chua có các loại cá biển có thịt dai, ngọt, khi kết hợp  các loại rau tạo nên vị chua dịu, thanh ngọt khó quên. Tại Hà Tiên, mắm cà xỉu là món ăn được nhiều du khách nhận xét là rất đặc biệt và nên thử. Thịt cà xỉu béo, quyện cùng hỗn hợp nước ngâm có vị mặn ngọt vừa phải, vị ớt cay nhẹ, tỏi thơm, khi ăn kèm cơm trắng rất bắt vị. Món ăn này còn được ăn kèm thịt ba chỉ luộc, gói bánh tráng với rau sống.

Gỏi cá trích - món ăn thu hút du khách

Mùa nước nổi sắp về, ẩm thực An Giang lại càng phong phú, bởi những sản vật nương theo con nước cũng quay lại với thực khách, trong đó có những món ngon chế biến từ cá linh luôn gây “thương nhớ”. Bạn Đỗ Phương Nam (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Đến An Giang tham quan, nhất là vào dịp mùa nước nổi, tôi thích món canh chua cá linh, lẩu mắm cá linh non hoặc cá linh non chiên bột. Canh chua từ cá linh non, nấu với bông điên điển thanh ngọt, rất thích hợp ăn cùng cơm trắng. Lẩu mắm cá linh non ăn kèm bông điên điển, bông so đũa, bông súng… đều là sản vật ngon của mùa nước nổi. Sự hòa quyện đậm đà của các nguyên liệu tạo nên hương vị khó quên”.

MỸ LINH

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/mon-ngon-an-giang-a423677.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm