Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Mạch ngầm” giữ hệ thống quỹ tín dụng hoạt động an toàn

Không còn đơn thuần là “người anh cả” trong điều hòa vốn chính sách cho hệ thống, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) chi nhánh Ninh Bình đang chuyển mình trở thành đối tác chiến lược trong hành trình hiện đại hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân24/07/2025

Giao dịch khách hàng tại Co-opBank chi nhánh Ninh Bình.
Giao dịch khách hàng tại Co-opBank chi nhánh Ninh Bình.

Vai trò này không chỉ được thể hiện bằng công tác điều hòa vốn mà còn là sự hỗ trợ về công nghệ, quản trị và định hướng chiến lược, những yếu tố then chốt để hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân thích ứng trong bối cảnh mới.

Điều hòa nguồn vốn

Theo số liệu mới nhất từ Co-opBank chi nhánh Ninh Bình, dư nợ cho vay hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân hiện chỉ chiếm 1% tổng dư nợ của chi nhánh trong 6 tháng đầu năm 2025, tương đương 16,4 tỷ đồng, giảm 5,5 tỷ đồng so đầu năm. Trong khi đó, tổng nguồn vốn các Quỹ tín dụng nhân dân gửi về chi nhánh lại lên tới 1.406,5 tỷ đồng, chiếm tới 84% tổng nguồn của chi nhánh.

Những con số này cho thấy, vai trò tài trợ vốn của Co-opBank không còn là tiêu chí duy nhất để đánh giá giá trị hỗ trợ đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân. Thay vào đó, là những giá trị thặng dư đang nổi lên như vai trò dẫn dắt chuyển đổi số, năng lực quản trị, tổ chức sản phẩm tài chính hợp vốn và định hướng chiến lược.

Một thí dụ tiêu biểu là Quỹ tín dụng Khánh Phú (phường Đông Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) trải qua quá trình hình thành và phát triển đến nay luôn gắn liền với nguồn hỗ trợ điều hòa vốn từ Co-opBank, trước đây là Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương. Từng có thời điểm, nguồn vốn hỗ trợ của Co-opBank chiếm hơn 20% tổng nguồn vốn của Quỹ. Nhưng đến thời điểm này, Quỹ không những bảo đảm đủ vốn cho vay thành viên phát triển kinh tế mà còn dư 50 tỷ đồng gửi tại Co-opBank, chi nhánh Ninh Bình.

Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Khánh Phú Lê Hữu Hạnh chia sẻ: Dù đã chủ động được nguồn vốn nhưng Quỹ luôn đánh giá cao vai trò không thể thiếu của Co-opBank trong điều hòa vốn cho hệ thống, không chỉ thể hiện ở việc cho vay mà còn ở nhận tiền gửi, giúp các Quỹ tiết giảm chi phí vốn từ đó có điều kiện áp dụng các mức lãi suất tốt nhất cho thành viên.

lan07480-qtdnd-ninh-giang.jpg
Giao dịch tại Quỹ tín dụng Ninh Giang, tỉnh Ninh Bình.

Trong khi đó, với Quỹ tín dụng Ninh Giang (phường Tây Ninh Giang, tỉnh Ninh Bình), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoàng Văn Quyền cũng cho hay: Đến nay, tổng vốn huy động của Quỹ khoảng 55 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 50 tỷ đồng. Quỹ còn dư và gửi tại Co-opBank chi nhánh Ninh Bình gần 5 tỷ đồng.

Dù đến thời điểm hiện tại, Quỹ đang không phải đi vay Co-opBank để cấp vốn cho thành viên, nhưng những hỗ trợ từ Co-opBank vẫn vô cùng cần thiết đối với hoạt động của Quỹ, nhất là trong chuyển đổi số. Quỹ đã đăng ký mở tài khoản ngân hàng qua hệ thống CF-EBANK của Co-opBank và phát hành thẻ ATM cho khách hàng. Tại Quỹ có trang bị máy POS phục vụ khách hàng thực hiện việc chuyển tiền, rút tiền nhanh chóng, thuận tiện.

Tạo nền tảng phát triển bền vững

Bên cạnh việc là điểm tựa vốn, đồng hành cùng các quỹ số hóa hoạt động, Co-opBank còn hỗ trợ hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân thông qua việc giúp họ thay đổi tư duy điều hành, chuẩn hóa nghiệp vụ, củng cố quản trị và từng bước thích ứng với Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Giám đốc Co-opBank, chi nhánh Ninh Bình Nguyễn Văn Hiếu cho biết, sự thay đổi dần về tư duy có thể bắt đầu từ những việc rất đơn giản, cụ thể ở đây là câu chuyện giao dịch tiền mặt. Trước đây, các quỹ khi thừa tiền sẽ tự mang đến Co-opBank gửi, thiếu tiền thì đến vay, khiến chi nhánh nhiều khi bị động, hoặc tồn quá nhiều tiền mặt, phải giao dịch với Ngân hàng Nhà nước nhiều lần trong ngày. Đến nay, thông qua việc tạo thói quen cho các Quỹ chủ động báo trước nhu cầu gửi, rút tiền, chi nhánh đã có thể chủ động trong cân đối nguồn vốn, bảo đảm khi Quỹ đến là có tiền ngay, không phải đợi chi nhánh đi rút tiền từ Ngân hàng Nhà nước.

Hiện toàn tỉnh Ninh Bình có 38 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động với quy mô không đồng đều, có Quỹ dư nợ 50 tỷ đồng nhưng cũng có Quỹ dư nợ lên tới 180 tỷ đồng. Một số đơn vị có vốn huy động lớn nhưng không thể tăng trưởng dư nợ do giới hạn về sản phẩm và quy định tín dụng. Trước thực tế đó, Co-opBank đã chủ động tư vấn và triển khai sản phẩm cho vay hợp vốn – cho phép nhiều Quỹ tín dụng nhân dân liên kết để cho vay vượt hạn mức mà vẫn bảo đảm tuân thủ pháp luật.

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định “siết” dần giới hạn cấp tín dụng. Theo đó, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và nhóm liên quan sẽ giảm dần: Trước ngày 1/1/2026 còn 14% và 23% vốn tự có; đến ngày 1/1/2029 sẽ giảm còn 10% và 15%. Điều đó có nghĩa, nếu không tăng vốn điều lệ, các Quỹ tín dụng nhân dân sẽ không thể phục vụ khách hàng lớn. Do đó, với nhiều Quỹ tín dụng nhân dân không thể tăng vốn điều lệ trong ngắn hạn, hợp vốn là giải pháp khả thi để “giữ chân” khách hàng có nhu cầu vay lớn.

lan07367-giam-doc-coopbank-ninh-binh-nguyen-van-hieu.jpg
Giám đốc Co-opBank, chi nhánh Ninh Bình, Nguyễn Văn Hiếu.

Theo Giám đốc Co-opBank chi nhánh Ninh Bình Nguyễn Văn Hiếu, Co-opBank đã đến tư vấn trực tiếp cho từng cụm Quỹ tín dụng nhân dân, khẳng định sản phẩm hợp vốn không phải để Co-opBank “giành khách” của quỹ, mà là hỗ trợ trong lúc khó khăn, nhiều tổ chức tín dụng phải cạnh tranh vô cùng gay gắt. Sau 6 tháng triển khai, dù dư nợ hợp vốn mới đạt 17 tỷ đồng với 5 Quỹ tín dụng nhân dân tham gia, song mô hình đã chứng minh hiệu quả trong giữ chân khách hàng và mở rộng dư nợ an toàn.

Không chỉ hỗ trợ về sản phẩm, Co-opBank còn tư vấn chiến lược cho các Quỹ tín dụng nhân dân trong quản trị nguồn vốn, tránh bị “hút” theo vòng xoáy chạy đua lãi suất của các ngân hàng thương mại, đồng thời khuyến khích cho vay linh hoạt theo nhu cầu thực tế (thay vì chỉ cho vay 12 tháng như trước thì cho vay 3, 6, 9 tháng,…), cơ cấu lại kỳ hạn huy động phù hợp. Chính nhờ đó, dư nợ cho vay toàn hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã phục hồi, đạt mức tăng trưởng 10,34% trong 6 tháng đầu năm, tương đương 13.432 tỷ đồng.

Đặc biệt, Co-opBank chi nhánh Ninh Bình cũng định hướng các Quỹ tăng cường tuyên truyền qua báo chí, đài phát thanh địa phương, khuyến khích trích lập quỹ đầu tư cho công nghệ và hạ tầng thay vì chỉ tập trung chia lợi tức. Đồng thời, chủ trương “trẻ hóa đội ngũ vận hành công nghệ” cũng được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm chuẩn bị thế hệ kế cận có khả năng bắt kịp xu hướng.

“Chúng tôi không xem mình là nơi nhận tiền gửi hay cho vay đơn thuần. Vai trò lớn hơn của Co-opBank là đồng hành chiến lược với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trong nâng cao năng lực, thích ứng chuyển đổi số và gia tăng nội lực quản trị”, Giám đốc chi nhánh Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.

Tư duy đó thể hiện rõ trong cách Chi nhánh phân công cán bộ theo khu vực, theo dõi sát tình hình từng Quỹ tín dụng nhân dân, phối hợp chặt chẽ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực trong công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ. Từ câu chuyện tưởng nhỏ như báo trước kế hoạch rút, gửi tiền mặt đến tổ chức hội thảo chuyên đề, tập huấn nghiệp vụ, hay phối hợp cùng Dự án STEP nâng cao năng lực cán bộ,… tất cả đều nằm trong một chiến lược tổng thể phát triển bền vững.

Dưới áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các ngân hàng thương mại, thậm chí ở cả vùng sâu vùng xa, nếu không được tiếp sức đúng lúc và đúng cách, nhiều Quỹ tín dụng nhân dân sẽ rất dễ bị tụt lại phía sau. Bằng sự chủ động và hiểu biết thực tiễn, Co-opBank, chi nhánh Ninh Bình đang nỗ lực tạo dựng một hệ sinh thái hỗ trợ đồng hành chứ không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ tài chính.

Với vai trò dẫn dắt không chỉ về vốn mà còn về công nghệ, con người và chiến lược, Co-opBank, chi nhánh Ninh Bình đang tái định hình vai trò của Ngân hàng Hợp tác trong bối cảnh mới: từ một “người anh cả” giữ vai trò điều hòa vốn truyền thống trở thành người bạn đồng hành tin cậy của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trong đổi mới, thích ứng và phát triển.

Nguồn: https://nhandan.vn/mach-ngam-giu-he-thong-quy-tin-dung-hoat-dong-an-toan-post896103.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm