Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lý do nhiều hãng điện thoại 'lạ' gia nhập thị trường Việt Nam

2 năm gần đây chứng kiến làn sóng gia nhập thị trường của nhiều nhãn hiệu di động Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường trong nước bão hòa, không còn nhiều không gian cho hãng mới.

ZNewsZNews24/07/2025

Dòng điện thoại ZTE, một trong những hãng mời gia nhập thị trường Việt Nam. Ảnh: Masable.

Gần đây, nhiều thương hiệu di động “lạ”, ít phổ biến xuất hiện trên kệ hàng các đại lý bán lẻ và sàn TMĐT Việt Nam như Honor, Tecno, ZTE, Nubia hay Nothing. Đa phần chúng xuất phát từ Trung Quốc. Một số cũng từng xuất hiện trên thị trường trong quá khứ nhưng âm thầm rút đi khi kinh doanh không hiệu quả.

Việc nhiều hãng mới tham gia cho thấy thị trường smartphone trong nước có dấu hiệu khôi phục, sức mua tăng dần trở lại. Tuy nhiên, cơ hội để những đơn vị này tạo ra khác biệt không lớn khi thị phần đã được phân chia. Trước khi họ tham gia, mảng di động trong nước vốn có mức độ cạnh tranh cao.

Hãng mới nhập cuộc, người cũ trở lại

Thay vì những sự kiện rầm rộ, màn ra mắt hoành tráng, các thương hiệu di động Trung Quốc mới chọn cách nhập cuộc âm thầm. Những đơn vị này tìm nhà phân phối, đối tác trong nước và tập trung vào việc bán hàng. Bước đầu, họ kinh doanh chủ yếu trên các kênh trực tuyến, đại lý tầm trung để cắt giảm chi phí, giảm giá sản phẩm.

Trong số này, Honor, thương hiệu trước đây thuộc Huawei vốn là nhà sản xuất có danh tiếng từ trước. Họ từng kinh doanh tại Việt Nam đến trước khi Huawei bị Mỹ cấm vận. Đến 2023, khi công ty tách khỏi doanh nghiệp cũ, họ trở lại Việt Nam bằng việc bán một số sản phẩm tầm trung.

Trong số các hãng Trung Quốc vừa gia nhập thị trường, Honor thể hiện thái độ nghiêm túc nhất, đầu tư vào truyền thông và mạng lưới phân phối. Sau giai đoạn đầu chỉ bán tại FPT Shop và một số kênh nhỏ lẻ, hãng này vào chuỗi Thế Giới Di Động, bán cả điện thoại gập với giá trên 40 triệu đồng.

di dong Trung Quoc,  dien thoai Trung Quoc,  thi truong smartphone,  dong thai Trung Quoc,  mobile Viet Nam,  Honor anh 1

Danh mục của một nhà bán lẻ xuất hiện nhiều hãng di động mới. Ảnh: HHM.

Tecno thuộc Transion cũng là “tay chơi” đáng chú ý. Nhà sản xuất này nổi lên bằng việc bán điện thoại giá rẻ ở châu Phi, Ấn Độ hay một số nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia. Hãng này cũng từng bán một số dòng máy ở Việt Nam vào giai đoạn 2017-2018, nhưng không để lại nhiều dấu ấn, rồi cũng âm thầm rời đi.

Trên kệ hàng một số đại lý cũng bắt đầu xuất hiện trở lại điện thoại Meizu, ZTE hay Nothing. Thực tế ngay ở quê nhà Trung Quốc, những nhãn hiệu này cũng không chiếm lĩnh được thị phần hay có thành tích nổi bật.

Khó thắng chỉ bằng giá rẻ

Ngoài Honor phân phối đa dạng, có nhiều máy trung cấp, đắt tiền, các hãng Trung Quốc vừa gia nhập thị trường vẫn dùng chiến lược giá rẻ. Tecno, ZTE hay Meizu đều ra mắt những quân bài chiến lược ở phân khúc 2-5 triệu đồng. Nhà sản xuất tập trung vào yếu tố thông số như pin lớn, màn hình to hay RAM nhiều để thu hút người mua.

Sự tham gia của các hãng mới đem đến cho người dùng Việt Nam thêm nhiều lựa chọn khi tham khảo các dòng điện thoại. Việc cạnh tranh cũng giúp hạ giá sản phẩm, phổ cập nhiều công nghệ mới. Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Lạc Huy, đại diện nhà bán lẻ CellphoneS cho rằng đang tồn tại khoảng trống ở phân khúc bình dân khi các hãng lớn không chú trọng, có cơ hội để thâm nhập.

di dong Trung Quoc,  dien thoai Trung Quoc,  thi truong smartphone,  dong thai Trung Quoc,  mobile Viet Nam,  Honor anh 2

Thị phần di động Việt Nam quý I/2025. Ảnh: Counterpoint Research.

“Sự trở lại này phần nào cho thấy thị trường Việt Nam đã phục hồi sức mua sau giai đoạn suy giảm từ cuối 2022 đến giữa 2023. Họ đánh giá đây là thị trường tiềm năng, đang hồi phục nhanh, đặc biệt ở phân khúc tầm trung và phổ thông”, bà Hoàng Tâm, đại diện hệ thống Hoàng Hà Mobile nói.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy thị trường Việt Nam không thiếu hãng di động và lựa chọn điện thoại phổ thông.

Hiện tại, Samsung, Xiaomi, Oppo cạnh tranh khốc liệt ở mọi phân khúc. Vivo, Realme nỗ lực nhiều năm nhưng vẫn chưa chen chân được vào top 3, thị phần cũng không ổn định. Những năm gần đây Apple còn liên tục nới rộng vòng đời điện thoại, giảm giá iPhone khiến cuộc chiến phân khúc 10 triệu đồng căng thẳng hơn.

Nhóm hãng lớn có lợi thế thương hiệu uy tín, có tập người dùng trung thành, mạng lưới phân phối rộng rãi cùng chiến lược kinh doanh bài bản. Các chuyên gia cho rằng những nhà sản xuất mới khó tạo ra khác biệt nếu chỉ bán điện thoại giá rẻ.

Nguồn: https://znews.vn/ly-do-nhieu-hang-dien-thoai-la-gia-nhap-thi-truong-viet-nam-post1571032.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm