Loài rắn cạp nia với vẻ ngoài sặc sỡ
Cạp nia (tên khoa học Bungarus) là tên gọi của một chi rắn thuộc họ rắn hổ. Đây là một trong những loài rắn độc dễ nhận dạng, khi sở hữu thân hình với các vạch đen, trắng xen kẽ, kéo dài dọc cơ thể.
Rắn cạp nia và cạp nong (đều thuộc chi cạp nia) rất dễ nhận dạng nhờ những khoanh màu sắc xen kẽ trên cơ thể (Ảnh: Thế giới động vật).
Tuy nhiên, có một loài rắn độc thuộc chi cạp nia nhưng cơ thể không hề sở hữu 2 màu trắng và đen đơn điệu, mà lại có một cơ thể với màu sắc sặc sỡ và đẹp mắt . Loài rắn được đề cập ở đây là cạp nia đầu đỏ.
Cạp nia đầu đỏ, còn có tên gọi cạp nong đầu đỏ (do cạp nong và cạp nia đều thuộc chi rắn cạp nia), tên khoa học Bungarus flaviceps. Đây là loài rắn đặc hữu của khu vực Đông Nam Á, được tìm thấy tại miền Nam Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Singapore và Việt Nam.
Rắn cạp nia đầu đỏ nổi bật nhờ chiếc đầu và phần đuôi màu đỏ, cơ thể màu đen (Ảnh: HKSID).
Tại Việt Nam, cạp nia đầu đỏ chỉ mới được tìm thấy tại khu vực Núi Dinh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), nay thuộc TP.HCM. Do có phạm vi phân bố nhỏ, rắn cạp nia đầu đỏ khá hiếm gặp và ít được biết đến tại Việt Nam.
Cạp nia đầu đỏ là loài rắn kích thước lớn, với chiều dài trung bình khi trưởng thành đạt 1,5m và có thể dài đến 2,1m. Loài rắn này nổi bật với đầu và đuôi màu đỏ tươi, phần thân màu đen cùng 2 vạch sáng màu kéo dài dọc cơ thể.
Rắn có phần đầu và thân không phân biệt nhau, phần thân hình tam giác với sống lưng nhô cao.
Một cá thể rắn cạp nia Kinabalu, một phân loài của rắn cạp nia đầu đỏ, với cơ thể sặc sỡ sắc màu. Loài rắn này chỉ được tìm thấy tại bang Sabah, phía bắc đảo Borneo, Indonesia (Ảnh: Explore Herpetology).
Môi trường sống và thức ăn của rắn cạp nia đầu đỏ
Rắn cạp nia đầu đỏ sống ở những vị trí gần nguồn nước trong các khu rừng mưa thuộc vùng núi và đồi, thường ở độ cao trên 400m so với mực nước biển. Do số lượng ít và môi trường sống của chúng, rắn cạp nia đầu đỏ hiếm khi được tìm thấy ở gần nơi con người sinh sống.
Rắn cạp nia đầu đỏ thường sống cách xa khu vực con người sinh sống nên ít khi gây ra vụ cắn người (Ảnh: liuye).
Đây là loài rắn hoạt động và săn mồi về đêm. Vào ban ngày, rắn cạp nia đầu đỏ thường chậm chạp, lờ đờ và thường tìm cách ẩn mình khi bị quấy rầy. Vào ban đêm, chúng trở nên linh hoạt và nhanh nhẹn.
Thức ăn của rắn cạp nia đầu đỏ là thằn lằn, ếch, động vật gặm nhấm và ăn cả một số loài rắn khác.
Rắn cạp nia đầu đỏ độc đến mức nào?
Rắn cạp nia đầu đỏ là loài thuộc họ rắn hổ, sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người.
Nọc độc của rắn cạp nia đầu đỏ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng cho người bị cắn như sụp mi mắt, nôn mửa, đau đầu, liệt cơ, khó thở… nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong do bị suy hô hấp.
Rắn cạp nia đầu đỏ thuộc họ rắn hổ, sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người (Ảnh: iNaturalist).
Tuy nhiên, do số lượng rắn cạp nia đầu đỏ không nhiều và chúng thường sống ở các khu vực cách xa khu dân cư nên không có nhiều trường hợp con người bị loài rắn này cắn.
Dù vậy, nếu bắt gặp rắn cạp nia đầu đỏ, mọi người cần phải tránh xa, không kích động loài rắn nguy hiểm này. Đặc biệt, cạp nia đầu đỏ có khả năng xoay ngược đầu để tấn công, do vậy tuyệt đối không được nắm vào phần sau đầu của rắn để tránh nguy cơ bị rắn cắn trúng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/loai-ran-dep-sac-so-nhung-mang-doc-chet-nguoi-co-phan-bo-tai-viet-nam-20250705052128573.htm
Bình luận (0)