Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Linh thiêng cao nguyên Mơ Nông

Cao nguyên Mơ Nông! Mới nghe cái tên thôi cũng đã cảm thấy thơ mộng quyến rũ và muốn khám phá. Đây là “lãnh địa” hoang sơ và bí ẩn của người Mơ Nông từ lâu đời.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng25/07/2025

Cao nguyên Mơ Nông! Mới nghe cái tên thôi cũng đã cảm thấy thơ mộng quyến rũ và muốn khám phá. Đây là “lãnh địa” hoang sơ và bí ẩn của người Mơ Nông từ lâu đời.

Ngày nay, vùng đất khai khẩn trên hành trình Nam tiến của dân tộc với Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông đang mở ra viễn cảnh tươi đẹp khi hòa nhập trở thành một phần của tỉnh Lâm Đồng lớn nhất nước.

Miền đất mới lạ

Mỗi lần đặt chân lên chốn tiên cảnh thanh sạch này tôi như được sống lại trong những truyền thuyết kỳ diệu cùng những dũng sĩ phi thường của núi rừng…

Cao nguyên Mơ Nông là địa bàn cư trú lâu đời của tộc người Mơ Nông, một phần là người Stiêng, về sau thêm người Ê Đê và Mạ. Với tổng diện tích khoảng 15 nghìn km2, cao nguyên có độ cao trung bình so mực nước biển từ 800 - 1.000 m. Trải dài và xoải thấp dần từ đông sang tây, chiều dài cao nguyên khoảng 500 km tính từ dãy núi Lang Biang của Lâm Đồng sang đến đồng bằng Kratie, Stung Treng ở Đông Bắc Campuchia. Còn từ Bắc xuống Nam, tính từ sông Sêrêpốk ở Buôn Đôn (Đắk Lắk) xuống tới Bù Đăng thì cao nguyên có bề rộng 300 km. Địa hình bị chia cắt mạnh, xen kẽ núi cao với lượn sóng và đồng bằng, vùng thấp trũng. Các nhà địa chất ví địa thế cao nguyên Mơ Nông là “mái nhà của cực Nam Đông Dương”.

Nhà nghiên cứu Y Thịnh Bon Jôc Ju là một trong những trí thức lớn hiếm hoi của người Mơ Nông. Từ thuở thiếu niên ông đã làm liên lạc cho cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, được đưa ra bắc học hành và trở về phục vụ quê hương sau ngày đất nước hòa bình thống nhất. Sau khi rời chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (cũ) về hưu, ông dành thời gian đi khắp cao nguyên Mơ Nông để tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu về dân tộc mình. Cuốn sách “Năo Rih Sjêng BuNoong” (Lịch sử Văn hóa Mơ Nông, NXB Dân trí) công phu, tâm huyết của ông xuất bản năm 2023 và tái bản năm 2024 được xem như cuốn cẩm nang về dân tộc Mơ Nông.

Việc nhà văn Đặng Bá Canh và nhà báo Cảnh Phương giới thiệu tôi gặp được “già làng” Y Thịnh Bon Jôc Ju là một may mắn. Đưa chúng tôi đi thăm một số địa chỉ văn hóa, nhà nghiên cứu Y Thịnh cho biết cách đây khoảng 140 triệu năm, cao nguyên Mơ Nông vẫn còn nằm dưới đáy biển, minh chứng là các dấu tích còn tồn tại của đá trầm tích, hóa thạch cúc đá và nhiều loại hóa thạch khác. Sau đó, do vận động kiến tạo của lớp vỏ trái đất, xuất hiện các núi lửa, vùng này được nâng lên cao trở thành đất liền. Dung nham từ các đợt phun trào của núi lửa đã bao phủ đến một nửa diện tích, hình thành nên vùng đất đỏ bazan rộng lớn trù phú, màu mỡ cho cao nguyên. Hoạt động của núi lửa tạo nên một hệ thống hang động độc đáo, đồ sộ bậc nhất Đông Nam Á, đồng thời trong các hang động này đã tìm thấy nhiều dấu tích cư trú của người tiền sử có niên đại hàng chục nghìn năm.

Nhà nghiên cứu Y Thịnh còn cho chúng tôi biết, trước đây vì địa hình chia cắt hiểm trở nên cao nguyên Mơ Nông giao lưu với bên ngoài chỉ có một con đường mòn hướng tây - đông từ Kratie của Campuchia đến vùng biên giới Đắk Lắk. Con đường bộ hành này mùa khô có thể đi xe. Còn nội địa nước ta thì cao nguyên có một con đường mòn bắc - nam, men theo đường phân thủy giữa sông Đồng Nai và sông Bé để đi xuống vùng châu thổ Đông Nam Bộ.

Tiềm năng vùng núi thiêng

Trong truyền thuyết “Đắk Lêng - Đắk Dơng” (Đại hồng thủy), người Mơ Nông kể rằng hàng nghìn năm trước mặt trời đang chiếu những tia nắng đẹp bỗng nhiên mây ùn ùn kéo tới, trời sụp xuống làm mặt đất đen ngòm, 67 ngày sau bắt đầu sấm sét đùng đùng mưa trút xuống. Mưa to nện xuống đất 179 ngày đêm. Nước dâng cao với những tiếng nổ rung chuyển đất trời. Núi sập. Muông thú rên la hét vang. Người nguyên thủy (Bunun) từ các hang đá chui ra chạy lên đỉnh núi cao nhất van xin: “Prah Đăk, irơi - irơi - irơi - irơi!” (Thần nước ơi, thôi mà - thôi mà - thôi mà - thôi mà!). Đang dâng lên gần đỉnh núi thì nước lũ dừng lại. Từ đó tên núi được gọi Nâm Ndir. Những người còn sống sót nhìn ra chung quanh chỉ thấy toàn nước đen. Những con cá to bằng quả đồi bơi đớp xác người và trâu rừng. Nhìn xa hơn thì thấy một số ngọn núi nữa:

“Núi Nâm Nung bằng cánh đại bàng

Núi Nâm Sjâng bằng bàn tay

Núi Nâm Uc, Nâm Klo bằng nửa

con ốc”…

Theo nhà nghiên cứu Y Thịnh, đây là cách lý giải của người xưa cho sự xuất hiện những ngọn núi mang tính biểu tượng cho cao nguyên Mơ Nông. Trong đó, Nâm Nung là ngọn núi tiêu biểu nhất, được xem là nóc nhà của cao nguyên, với đỉnh núi cao hơn 1.500 m. Cao nguyên Mơ Nông có địa phận chính là tỉnh Đắk Nông (cũ), cộng thêm một phần đất của Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước và các tỉnh vùng Đông Bắc Campuchia. Vì vậy, “bầu nước” Đắk Nông cũng chính là cao nguyên Mơ Nông và là vật bất ly thân của dân tộc Mơ Nông. Tỉnh Đắk Nông cùng với hai tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận đã nhập thành một tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích lớn nhất trong số 34 tỉnh, thành phố trong cả nước, đang mở ra cơ hội phát triển mới đầy triển vọng cho cao nguyên Mơ Nông giàu tiềm năng.

Ngày nay ngoài Quốc lộ 14 chạy qua thì còn có nhiều con đường nối cao nguyên Mơ Nông với các vùng khác, đó là chưa tính cảng hàng không Buôn Ma Thuột cũng có chức năng phục vụ cho cả Tây Nguyên.

Nguồn: https://baolamdong.vn/linh-thieng-cao-nguyen-mo-nong-383667.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm