Ngày 15-7, phản ánh đến Báo Người Lao Động, chị Hoàng Nga (ngụ phường Khánh Hội, TP HCM) cho biết vừa bị lừa 10 triệu đồng tiền đặt cọc phòng khách sạn ở tỉnh Thanh Hóa.
Cảnh giác, vẫn mất tiền
Theo lời chị Nga, vài ngày trước, chị tìm đặt khu nghỉ dưỡng 4-5 sao ở khu vực biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) để đưa gia đình đi chơi cuối tuần. Có kinh nghiệm và cẩn trọng, chị tham khảo hết một lượt các ứng dụng đặt phòng tham khảo giá, rồi tìm được The Victoria Beach Resort FLC Samson.
Thấy trang fanpage của resort này trên Facebook có nhiều lượt like, video trải nghiệm thực tế, hình ảnh, commet (bình luận) nên chị nhắn tin hỏi thông tin đặt phòng.
"Sau khi nhắn tin, trao đổi, kèm hình video phòng và chốt giá, đối tượng gửi biên lai chuyên nghiệp với đầy đủ các thông tin: họ tên, ngày giờ booking, số người, số tiền cọc, tiền còn lại. Thấy tin tưởng, tôi chuyển cọc 10 triệu đồng ghi nội dung thông tin người đặt phòng và ngày ở" – chị Nga kể.
Tiền cọc vừa chuyển đi, đối tượng nhắn ngay: "Lệnh chuyển tiền chưa ghi nội dung chuyển khoản đúng như biên lai đặt cọc" nên đề nghị chuyển khoản lại, sau đó công ty sẽ hoàn lại tiền vào chính tài khoản của chị. Thấy vô lý, chị Nga bắt đầu nghi ngờ và khi đối tượng yêu cầu chị điền thông tin theo link gửi và làm theo yêu cầu… Lúc này, chị Nga mới biết mình bị lừa, và may mắn không làm theo.
Du khách nghỉ dưỡng tại một resort ở phường Mũi Né (tỉnh Lâm Đồng)
Thủ đoạn lừa đảo của kẻ gian đối với chị Nga không mới, và thường xuyên được cảnh báo. Báo Người Lao Động cũng từng nhận được phản ánh tương tự từ một số bạn đọc, mất vài triệu đồng tới vài chục triệu đồng vì chiêu lừa mạo danh các khách sạn, resort, công ty du lịch trong cao điểm hè. Thậm chí, nhiều fanpage giả mạo còn có tích xanh khiến khách khó phân biệt.
Cẩn trọng với tour rẻ bất ngờ!
Lãnh đạo nhiều công ty du lịch cũng cho biết tình trạng lừa đảo trong ngành du lịch diễn ra rất tinh vi, đặc biệt khi khách hàng mua tour du lịch, vé máy bay hoặc đặt phòng khách sạn qua mạng xã hội hoặc các website không rõ nguồn gốc.
Đại diện Công ty Du lịch Việt dẫn chứng, nếu có đối tượng quảng cáo tour du lịch siêu rẻ như đi Nhật 9 triệu đồng, đi Hàn Quốc 6 triệu đồng hay tour châu Âu giá khoảng 29 triệu đồng là không có thật. Mục đích của kẻ gian là lấy tiền cọc của khách rồi lặn mất. Vì vậy khách không nên ham giá tour du lịch rẻ bất thường.
Một khách sạn ở TP HCM cảnh báo tình trạng bị mạo danh
Với các khách sạn, resort, tình trạng cũng tương tự khi kẻ gian lập fanpage rồi lấy ảnh thật, địa chỉ thật, nhưng số zalo liên hệ với khách là giả. Khách có thể bị mất tiền cọc hoặc khi tới khách sạn thì không có đặt phòng, mất tiền, tốn thời gian công sức di chuyển…
Ngày 15-7, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cũng cảnh báo xuất hiện tình trạng lừa đảo giả mạo doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, khách sạn, khu nghỉ dưỡng… quảng cáo thông tin về các chương trình du lịch. Nếu thấy tài khoản mới được tạo lập hoặc mới đổi tên cần cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
Nguồn: https://nld.com.vn/nhieu-nguoi-bi-lua-dat-phong-khach-san-resort-dip-he-196250715174735648.htm
Bình luận (0)