Lễ đón tiếng sấm đầu năm, hay còn gọi là Tết Chăm Phtrong, là một nghi lễ truyền thống quan trọng và độc đáo của dân tộc Ơ Đu, một trong 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam.
Ngày 27/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 2192/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận “Lễ đón tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ Đu ở xã Nga My, tỉnh Nghệ An” là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và Tín ngưỡng.
Lễ đón tiếng sấm đầu năm tồn tại khoảng 100 năm qua, là một lễ hội lớn, quan trọng, có nhiều lễ thức mang đậm sắc thái văn hóa độc đáo, đặc trưng riêng có của dân tộc Ơ Đu.
Lễ hội này gắn liền với tục thờ Thần Sấm, vị thần tối cao trong tâm thức của người Ơ Đu, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, đánh dấu thời điểm bắt đầu năm mới theo quan niệm của người Ơ Đu, khi tiếng sấm đầu tiên vang lên (thường vào khoảng tháng Hai đến tháng Tư Dương lịch).
Đối với người Ơ Đu, khi nào có tiếng sấm thì khi đó là thời điểm bước sang năm mới. Lúc này, người Ơ Đu sẽ tổ chức lễ đón tiếng sấm để cầu mong bản làng bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người dồi dào sức khỏe.
Đây cũng là dịp để người Ơ Đu gửi gắm ước nguyện tới tổ tiên và Thần Sấm đồng thời rửa trôi những điều không may của năm cũ để đón năm mới với hy vọng may mắn và thịnh vượng. Lễ hội cũng thể hiện sự gắn kết cộng đồng, khi con cháu xa quê thường cố gắng trở về để cùng tham gia.

Sau khi nghe tiếng sấm đầu tiên trong năm, sáng hôm sau, thầy mo (người chủ lễ) đi quanh bản, đánh chiêng để thông báo và kêu gọi mọi người chuẩn bị đón Tết.
Dân bản nhanh chóng mang các vật dụng sinh hoạt như nồi, chảo, dao, gùi ra suối Nậm Ngân để rửa sạch, với ý nghĩa gột rửa những điều đen đủi, phiền muộn của năm cũ. Phụ nữ thường rửa thêm trứng gà để cầu mong sự sinh sôi, phát triển.
Cúng bản là nghi thức đầu tiên, nhằm xin phép thổ địa, thổ công cho phép dân bản tổ chức lễ. Mâm cúng gồm gà luộc, xôi nếp, rượu trắng. Thầy mo là chủ lễ đọc những lời khấn cầu thông báo và xin phép thổ địa, thổ công cho phép dân bản tổ chức đón Tết.

Sau lễ cúng bản, dân bản tiến hành cúng Thần Sấm, tổ tiên và làm vía cho dân làng. Hai mâm cúng được chuẩn bị với các món ăn truyền thống từ núi rừng như: đầu lợn luộc, cá suối nướng, cơm lam màu tím, rượu đựng trong ống nứa, rêu đá, nải chuối và nhiều món ăn truyền thống. Thầy mo cầu khấn để xin thần linh và tổ tiên ban phước cho bản làng yên bình, mùa màng tốt tươi và mọi người khỏe mạnh.
Sau phần lễ, dân bản và du khách tham gia các hoạt động vui chơi, múa hát. Người Ơ Đu biểu diễn các điệu múa truyền thống, gõ ống tre vào đất tạo âm thanh tượng trưng cho tiếng sấm hoặc dùng gậy nhọn chọc đất, biểu thị hoạt động chọc lỗ tra hạt, cầu mong vụ mùa năng suất. Các trò chơi dân gian như đi cà kheo, bắn nỏ... cũng góp phần làm lễ hội thêm rộn ràng.

Lễ đón tiếng sấm là một trong những nghi lễ lâu đời nhất của người Ơ Đu, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đây là nét văn hóa đặc trưng, phản ánh đời sống nông nghiệp và sự hòa hợp với thiên nhiên của người Ơ Đu. Lễ hội không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, niềm tin vào thiên nhiên và tổ tiên.
Dân tộc Ơ Đu là một trong 5 dân tộc ít người nhất trong cộng đồng 54 dân tộc trên cả nước. Mặc dù nhiều phong tục của người Ơ Đu đã mai một do biến động lịch sử và di cư, lễ hội này vẫn được bảo tồn và phục dựng, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa.
Với sự độc đáo trong nghi lễ và phong tục, Lễ đón tiếng sấm đầu năm đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Sự công nhận này nhấn mạnh vai trò của lễ hội trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Ơ Đu, đồng thời mở ra tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giảm nghèo và quảng bá văn hóa địa phương.
Lễ đón tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ Đu cũng là một minh chứng sống động cho sự phong phú của văn hóa dân tộc Việt Nam, là cầu nối để thế giới hiểu thêm về văn hóa của một trong những cộng đồng dân tộc ít người nhất Việt Nam./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/le-don-tieng-sam-dau-nam-cua-dan-toc-o-du-o-nghe-an-doc-la-nhu-the-nao-post1048200.vnp
Bình luận (0)