Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lãi suất cho vay chạm đáy kỷ lục

Lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua và theo các chuyên gia, dư địa để giảm sâu thêm là rất hạn chế. Trong bối cảnh đó, nhu cầu vay vốn đang gia...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng04/07/2025

Lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua và theo các chuyên gia, dư địa để giảm sâu thêm là rất hạn chế. Trong bối cảnh đó, nhu cầu vay vốn đang gia tăng rõ rệt, đặc biệt là ở các phân khúc hưởng lợi từ đầu tư công và nhóm người trẻ mua nhà khi các gói vay đang có mức lãi suất khá ưu đãi.

Lãi vay “hạ nhiệt”, người trẻ cân nhắc vay mua nhà

Nhiều chuyên gia dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục được giữ ở mức ổn định trong nửa cuối năm 2025 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Theo văn bản mới được Ngân hàng Nhà nước ban hành, người dưới 35 tuổi vay mua nhà ở xã hội sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn 2 điểm phần trăm mỗi năm so với mức cho vay trung và dài hạn bình quân của bốn ngân hàng lớn: Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank. Ưu đãi này áp dụng trong 5 năm đầu từ thời điểm giải ngân.

Từ nay đến ngày 31/12, mức lãi suất cho vay mua nhà xã hội đối với người trẻ là 5,9%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước đây. Trong 10 năm tiếp theo, lãi suất sẽ thấp hơn 1 điểm phần trăm mỗi năm so với mặt bằng trung và dài hạn của nhóm “Big 4” ngân hàng.

Không chỉ riêng các khoản vay mua nhà xã hội, mặt bằng lãi suất với nhà thương mại cũng đang được đánh giá là thấp kỷ lục trong vòng hai thập kỷ.

Chị Hoàng Diễm (39 tuổi, nhân viên văn phòng) đang cân nhắc vay thêm 1 tỷ đồng để mua căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 60m² tại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội), có giá khoảng 5,3 tỷ đồng. Hiện chị đã có sẵn hơn 4 tỷ đồng tích lũy.

“Tôi đã khảo sát ở 4 ngân hàng thì thấy lãi suất vay năm đầu dao động 5-6%/năm. Từ năm thứ hai, lãi suất thả nổi có thể lên đến 9-10%/năm. Với khoản vay 1 tỷ, thời hạn 20 năm, mỗi tháng trả cả gốc và lãi khoảng hơn 10 triệu đồng, nằm trong khả năng chi trả nên tôi đang cân nhắc”, chị Diễm chia sẻ. Theo chị, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm đáng kể so với đầu năm, nhất là khi các ngân hàng không còn huy động vốn với lãi suất cao như trước.

Trong khi đó, chị Vũ Bích Thảo (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn tỏ ra dè dặt khi nghĩ đến chuyện vay tiền mua nhà, dù chị thừa nhận lãi suất đã giảm đáng kể. “Tôi tìm hiểu vài ngân hàng thì thấy điều kiện vay cũng không quá khó. Nhưng điều khiến tôi băn khoăn là lãi suất thả nổi sau thời gian ưu đãi”, chị nói.

Theo chị Thảo, nếu lãi suất cho vay tăng trở lại lên 11-12%/năm như một số dự báo, khoản vay 1 tỷ sẽ khiến số tiền trả hàng tháng lên tới hơn 17 triệu đồng đã trở thành gánh nặng với tài chính gia đình. “Tôi vẫn đang cân nhắc vì biết rằng mặt bằng lãi suất hiện tại là thấp nhất 20 năm qua, có thể sẽ không xuống thấp hơn nữa trong tương lai gần”, chị cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Trần Duy Khang, lãi suất cho vay mua nhà hiện đang ở vùng thấp nhất trong lịch sử, thậm chí thấp hơn cả thời điểm dịch COVID-19. “Hiện mặt bằng lãi suất dao động khoảng 5-7%/năm, giảm từ 3-4 điểm phần trăm so với đầu năm 2020 tức giảm khoảng 30-50% tùy theo từng ngân hàng”, ông Khang nhận định.

Ông đánh giá chính sách ưu đãi dành cho người dưới 35 tuổi là giải pháp tích cực, khuyến khích sở hữu nhà ở đầu tiên. Tuy nhiên, thực tế là không phải ai cũng có thể tiếp cận được, bởi giá nhà vẫn ở mức quá cao so với thu nhập bình quân của người trẻ. “Chỉ những người có thu nhập ổn định và mức tài chính khá mới đủ khả năng tiếp cận vốn vay an toàn”, ông Khang nói thêm.

Một số chuyên gia khác cũng đưa ra khuyến nghị: người mua nhà cần tính toán kỹ dòng tiền và khả năng trả nợ trong toàn bộ chu kỳ vay, không nên chỉ nhìn vào mức lãi suất ưu đãi trong năm đầu tiên. Lãi suất thả nổi, dù đang thấp, vẫn có thể tăng trở lại nếu nhu cầu tín dụng tăng mạnh hoặc chính sách tiền tệ điều chỉnh theo hướng thắt chặt.

Lãi suất cho vay chạm đáy kỷ lục
Nhu cầu vay vốn đang gia tăng rõ rệt, đặc biệt là ở các phân khúc hưởng lợi từ đầu tư công và nhóm người trẻ mua nhà khi các gói vay đang có mức lãi suất khá ưu đãi.

Cơ hội tiếp cận vốn và những cảnh báo chính sách

Giữ vai trò "đòn bẩy" cho phục hồi kinh tế, lãi suất cho vay hiện nay đang ở mức thấp kỷ lục – thậm chí còn thấp hơn cả giai đoạn hỗ trợ trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, phía sau bức tranh tưởng chừng thuận lợi ấy là nhiều rủi ro tiềm ẩn về tỷ giá, dòng vốn và sự cân đối của chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2025.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc thực hiện các nghị quyết chất vấn của Quốc hội, đến giữa tháng 4/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay mới của khối ngân hàng thương mại đạt khoảng 6,34%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024. Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây thậm chí thấp hơn cả mức đáy 7,9% từng ghi nhận vào quý I/2022 trong giai đoạn hậu COVID-19 (số liệu từ Finpro).

Việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp đang tạo ra lực đẩy quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ, thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và mở rộng sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại TP.HCM, nơi chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng quốc gia, tín dụng đang có những dấu hiệu tăng trưởng rõ nét. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh khu vực II cho biết, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đã đạt trên 4,165 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, vốn vay cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 35%, cho thấy các chính sách ưu tiên đang đi đúng hướng.

Đặc biệt, tín dụng giải ngân cho xuất khẩu cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Tổng dư nợ cho vay xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt 146.500 tỷ đồng, tăng tới 42% so với cuối năm trước và 52% so với cùng kỳ năm 2024. Lý giải cho đà tăng này, ông Lệnh cho rằng: “Các doanh nghiệp xuất khẩu có đặc điểm vốn quay vòng nhanh, thời gian thu hồi ngắn và dòng tiền ổn định, giúp dòng tín dụng luân chuyển hiệu quả, hạn chế rủi ro nợ xấu.”

TP.HCM cũng đã triển khai nhiều gói tín dụng chuyên biệt cho lĩnh vực xuất khẩu. Tiêu biểu là gói 100.000 tỷ đồng hỗ trợ chuỗi cung ứng nông – lâm – thủy sản, đến nay đã giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng, với dư nợ đạt trên 4.000 tỷ đồng cho hơn 3.000 khách hàng, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dù bức tranh tín dụng đang khá sáng sủa, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh cần theo dõi chặt chẽ những hệ lụy vĩ mô nếu mặt bằng lãi suất thấp kéo dài. PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cảnh báo: “Nếu NHNN tiếp tục bơm thanh khoản dồi dào, lãi suất sẽ giữ ở mức thấp. Nhưng điều này sẽ tạo áp lực lớn lên tỷ giá, nhất là trong bối cảnh đồng VND đã mất giá so với USD trong nhiều tháng qua dù đồng bạc xanh đang có dấu hiệu suy yếu”.

Ông Huân cũng cho rằng, nguy cơ “suy yếu kép” hoàn toàn có thể xảy ra khi một bên là sức ép tỷ giá, một bên là lạm phát tiềm ẩn nếu dòng vốn rẻ không chảy đúng vào sản xuất mà chảy vào đầu cơ, tài sản rủi ro. Khi đó, việc giữ lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng có thể khiến chính sách tiền tệ mất cân bằng, và cuối cùng phải quay lại “thắt” mạnh hơn trong năm 2026.

Với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn vay lớn, lãi suất thả nổi vẫn là nỗi lo ngầm. Mức lãi suất ưu đãi năm đầu chỉ mang tính “dẫn dụ”, sau đó tùy thuộc thị trường, có thể vọt lên 9–11%/năm, thậm chí cao hơn nếu cầu tín dụng tăng đột biến. Việc dự báo và quản trị dòng tiền trong trung và dài hạn sẽ là bài toán sống còn đối với doanh nghiệp vay vốn thời điểm này.

Tương lai của lãi suất phụ thuộc vào hai yếu tố then chốt: định hướng chính sách tiền tệ của NHNN trong nửa cuối năm, và biến động địa chính trị – kinh tế toàn cầu. Trong ngắn hạn, xu hướng lãi suất vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, các tín hiệu từ thị trường trái phiếu, tỷ giá và áp lực tăng vốn huy động từ các ngân hàng cho thấy lãi suất có thể đảo chiều nếu dòng tiền nóng quay trở lại.

Giới chuyên gia khuyến nghị người dân và doanh nghiệp cần tỉnh táo khi vay vốn, đặc biệt là với các khoản vay dài hạn. Không nên quá kỳ vọng vào lãi suất thấp kéo dài, mà cần tính toán phương án phòng ngừa rủi ro lãi suất trong tương lai.

Về phía cơ quan quản lý, việc giữ ổn định chính sách tiền tệ – tài khóa, duy trì thanh khoản hệ thống, kiểm soát dòng vốn và ngăn chặn đầu cơ là những yếu tố sống còn để tận dụng cơ hội mà mặt bằng lãi suất thấp hiện tại đang mang lại.

Nguồn: https://baolamdong.vn/lai-suat-cho-vay-cham-day-ky-luc-381043.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm