Từ ngày 1-7-2025, theo nghị quyết của Quốc hội, hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận chính thức sáp nhập, hình thành tỉnh Khánh Hòa mới. Với diện tích hơn 8.500km2, dân số hơn 2,2 triệu người, hạ tầng giao thông được kết nối liền mạch; văn hóa, tiếng nói có sự gần gũi, tỉnh Khánh Hòa mới có nhiều tiềm năng, thế mạnh để nâng tầm phát triển. Tuy nhiên, để khai thác, phát huy được thời cơ mới, vận hội mới đó, cần phải có chiến lược, giải pháp đột phá.
* Ông Phạm Văn Chi - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa:
Cần đầu tư cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh liên kết vùng
Khi sáp nhập, không gian phát triển của tỉnh được rộng mở, tiềm năng để phát triển kinh tế rất lớn. Với đường bờ biển dài gần 500km, nhiều vịnh biển tuyệt đẹp, tỉnh Khánh Hòa mới có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, từ du lịch nghỉ dưỡng biển cho đến dịch vụ cảng biển, đóng tàu, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản… Bên cạnh đó, tỉnh còn có tiềm năng để phát triển công nghiệp (trong đó vùng phía nam đã được định hướng để trở thành trung tâm năng lượng), nông nghiệp (vùng trồng sầu riêng ở Khánh Sơn, xoài Cam Lâm, nho và cừu ở Ninh Thuận…) rất lớn. Tuy nhiên, để khai phá, phát huy tiềm năng rất to lớn đó, tỉnh Khánh Hòa mới cần phải đầu tư phát triển hạ tầng ở khu vực phía nam tỉnh (Ninh Thuận cũ) và khu vực miền núi. Đầu tư hạ tầng đô thị ở khu vực phía nam, đồng thời cần phải đầu tư các tuyến đường từ trung tâm về nông thôn, lên miền núi để đẩy mạnh giao thương. Trong việc phát triển kinh tế, tỉnh cần sớm nghiên cứu quy hoạch của hai tỉnh trước đây để điều chỉnh, định hình lại không gian phát triển kinh tế, ghi rõ khu vực nào, xã, phường nào ưu tiên phát triển lĩnh vực gì. Đồng thời, tỉnh cần sớm ban hành giá đất, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư dự án phát triển kinh tế; tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn sẽ triển khai trong thời gian tới như các dự án của Vingroup, Sun Group… Tỉnh cũng cần quan tâm đến việc thu hút, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh phải khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, trên cơ sở đó đào tạo những ngành nghề phù hợp, chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời nâng cao đời sống của người dân.
Tất cả những công việc trên đều liên quan đến công tác cán bộ, bởi một giải pháp nào dù hay đến đâu cũng cần người thực thi. Việc sáp nhập 2 tỉnh là cơ hội để chọn lọc được đội ngũ cán bộ trẻ, tâm huyết. Tuy nhiên, việc vận hành mô hình chính quyền hai cấp có nhiều điều mới mẻ. Theo tôi, tỉnh cần sớm có kế hoạch đào tạo lại đội ngũ cán bộ xã, phường để đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương; sớm đạt được mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
THÀNH NGUYỄN (Ghi)
* Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học:
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ gắn với phát triển kinh tế
Tỉnh Khánh Hòa mới có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, từ du lịch, công nghiệp, nông nghiệp… đều có thời cơ để nâng tầm phát triển. Tuy nhiên, để khai thác được tiềm năng, lợi thế này thành hiện thực không hề đơn giản.
Để tối ưu hóa các tiềm năng, thế mạnh này, tỉnh cần phải có sự định hình không gian phát triển kinh tế gắn với lĩnh vực cụ thể, có thứ tự ưu tiên, không thể dàn hàng ngang và quan trọng nhất phải chọn lựa được những “cú đấm thép” để tạo nên sức bật phát triển kinh tế. Tôi rất tán thành việc lãnh đạo tỉnh chọn công nghiệp là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển của Khánh Hòa trong thời gian tới, đồng thời cũng cần phải quan tâm hơn nữa đến việc khai thác lợi thế về kinh tế biển, nhất là kinh tế biển sâu. Muốn khai thác kinh tế biển sâu cần phải có tiềm lực kinh tế và khoa học công nghệ. Muốn vậy, phải thu hút nguồn lực đầu tư, tạo môi trường thông thoáng để doanh nghiệp hoạt động, có cơ chế để thu hút các chuyên gia về đây làm việc, phát huy được năng lực của họ, cũng như đội ngũ cán bộ làm khoa học trên địa bàn tỉnh. Vì nhiều lý do, lâu nay chúng ta chưa phát huy được “nguồn lực” cán bộ khoa học trên địa bàn tỉnh. Trong đó có việc các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học thường bị dàn trải, thiếu sự liền mạch giữa nghiên cứu và ứng dụng…
Chính vì vậy, tôi mong rằng, cùng với việc sáp nhập Khánh Hòa và Ninh Thuận thành tỉnh Khánh Hòa mới, tinh gọn tổ chức bộ máy cần phải thay đổi tư duy quản lý, tạo môi trường thông thoáng cho việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó có việc tạo sự thông thoáng cho việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ gắn với việc phát triển kinh tế địa phương; khuyến khích các viện, trường trên địa bàn tỉnh kết hợp với các doanh nghiệp nghiên cứu khoa học - công nghệ có tính ứng dụng cao, mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương, trong đó các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là nhà đầu tư và triển khai ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học…
X.T (Ghi)
* Ông Nguyễn Minh Trứ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận:
Cần sớm xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Việc sáp nhập Ninh Thuận và Khánh Hòa mở ra không gian phát triển rộng lớn, tạo động lực liên kết vùng, hội tụ thế mạnh biển, năng lượng sạch, công nghiệp công nghệ cao và du lịch biển tầm vóc quốc tế. Hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế đó giúp tỉnh Khánh Hòa mới có nhiều cơ hội để phát triển vươn mình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, tôi rất tin tưởng vào năng lực, trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền tỉnh Khánh Hòa mới sẽ hiện thực hóa mục tiêu đó bằng những chương trình, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề trên từng lĩnh vực thuộc thế mạnh, vượt trội của tỉnh với tầm nhìn mới, quy hoạch mới, quyết sách mới, đột phá, bước đi vững chắc và sáng tạo mới vừa kế tục thành tựu và kết quả của hai tỉnh trước đây.
Tôi xin góp ý thêm một số nội dung, đó là: Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa khóa XVIII, sau khi tổ chức bộ máy mới đi vào vận hành cần tập trung chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tiến hành Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đồng thời cần triển khai ngay việc xây dựng một số nghị quyết mang tính chất căn cơ, trên các lĩnh vực đột phá của tỉnh như: Khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế biển, năng lượng, du lịch, môi trường, văn hóa đa sắc màu và đột phá mới về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển của kỷ nguyên mới. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đột phá về phát triển hạ tầng đô thị cho khu vực phía nam. Tôi tin rằng, tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập sẽ nắm bắt những cơ hội, vận hội lớn của đất nước; tiềm năng, lợi thế nổi trội của địa phương để mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đưa tỉnh Khánh Hòa vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng là thành phố hiện đại, đáng sống - nơi “nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc”.
DIỄM MY (Ghi)
* Tiến sĩ Phan Công Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố (Bộ Nông nghiệp và Môi trường):
Sẽ có nhiều cơ hội để phát triển nông, lâm, thủy sản
Tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập sẽ mở ra không gian phát triển rộng lớn với tiềm năng, lợi thế là tỉnh có đường bờ biển dài nhất của cả nước và nhiều cảng biển hiện đại, sân bay quốc tế, hạ tầng đồng bộ. Trong thời gian đến, tỉnh Khánh Hòa có không gian phát triển kinh tế - xã hội được chú trọng để mở rộng với các thế mạnh nhằm thu hút đầu tư và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, điển hình như: Du lịch biển, cảng biển và logistics; công nghiệp, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao; đặc biệt sẽ có nhiều cơ hội để phát triển nông, lâm, thủy sản. Khánh Hòa là địa phương được biết đến với việc cung cấp ra thị trường lớn nhất về tôm giống (tôm post), nuôi biển công nghệ cao (ngành thủy sản), các đối tượng đặc thù như cừu (ngành chăn nuôi); nho - táo - măng tây (ngành trồng trọt). Nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Khánh Hòa sẽ có nhiều cơ hội để phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nuôi biển công nghệ cao và phát triển trồng trọt, chăn nuôi (nhất là các địa phương phía tây và phía nam của Khánh Hòa) theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số thích ứng biến đổi khí hậu vào sản xuất gắn kết với chuỗi giá trị và kết hợp khai thác du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm. Đặc biệt, sự kết hợp giữa thế mạnh biển và rừng, hệ sinh thái phong phú kết hợp với các đối tượng cây trồng, vật nuôi đặc thù có lợi thế canh tranh sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách.
HỒNG NGUYỆT (Ghi)
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202507/ky-vong-nhung-dot-pha-tu-tinh-khanh-hoa-moi-d18504a/
Bình luận (0)