Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kiên trì hành trình tri ân

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ thiêng liêng, mang ý nghĩa lịch sử và nhân văn sâu sắc, dù con đường thực hiện còn nhiều khó khăn. Với vai trò là người trực tiếp tham mưu và thực hiện công tác chính sách, Đại tá Nguyễn Văn Chính, Trưởng Phòng Chính sách, Quân khu II có những chia sẻ, đánh giá về sự chủ động, quyết tâm của tỉnh Tuyên Quang trong hành trình đưa hài cốt liệt sĩ trở về với đất mẹ.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang26/07/2025

Đại tá Nguyễn Văn Chính
Đại tá Nguyễn Văn Chính.

Phóng viên: Là người luôn theo sát, đồng hành với các địa phương trong thực hiện chính sách và hoạt động tri ân, ông đánh giá như thế nào về những kết quả cũng như cách làm của tỉnh Tuyên Quang trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thời gian qua?

Đại tá Nguyễn Văn Chính: Từ năm 2018 đến nay, Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang đã quy tập được 177 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 12 trường hợp xác định được danh tính và 1 mộ tập thể. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, đã tiếp nhận 23 nguồn tin, tổ chức quy tập được thêm 20 hài cốt, chủ yếu tại các xã biên giới như Lao Chải, Thanh Thủy, Tùng Vài, Nghĩa Thuận, những địa bàn từng là trọng điểm giao tranh giai đoạn 1979 - 1989.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được tỉnh Tuyên Quang triển khai rất bài bản, chủ động, linh hoạt trong từng thời điểm, với từng địa bàn; có kế hoạch rõ ràng và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, chính quyền, nhân dân địa phương, cựu chiến binh. Hai dự án trọng điểm hiện nay là Dự án 1.720 ha tại Lao Chải, Thanh Thủy đã khảo sát 1.520 ha, dự kiến hoàn thành trong quý III/2025 và Dự án 1.500 ha tại Tùng Vài, Nghĩa Thuận đã khảo sát được 235 ha, phấn đấu hoàn thành trong năm 2026. Công tác xác minh danh tính liệt sĩ được thực hiện qua hai phương pháp là trên di vật, bia mộ, sơ đồ, thông tin địa phương, đồng đội, nhân dân và giám định ADN bảo đảm khoa học và thận trọng.

Phóng viên: Từ thực tiễn triển khai tại cơ sở, theo ông, những khó khăn, thách thức nào đang ảnh hưởng nhiều nhất đến hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hiện nay?

Đại tá Nguyễn Văn Chính: Thứ nhất, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã kết thúc gần 40 năm, thông tin mộ liệt sĩ thường rời rạc, độ chính xác không cao. Phần lớn các đơn vị phải dựa vào ký ức của các cựu chiến binh, tài liệu lưu trữ và bản đồ tác chiến cũ. Trong khi nhiều cựu chiến binh tuổi đã cao, trí nhớ giảm sút, một số đơn vị cũ không còn, khiến việc xác định nguồn thông tin càng khó khăn.

Thứ hai, địa hình rừng núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, địa chất phức tạp, thường xuyên sạt lở khiến vị trí ban đầu của các hài cốt liệt sĩ có thể bị dịch chuyển và nhiều khu vực còn tiềm ẩn vật liệu nổ, đặc biệt là ở Thanh Thủy, Lao Chải gây nguy hiểm cho lực lượng tìm kiếm, trong khi số lượng hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm còn nhiều.

Thứ ba, lực lượng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tuy tinh nhuệ nhưng còn mỏng, phải triển khai công tác trên phạm vi rộng, chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại gặp hạn chế do địa hình khó tiếp cận.

Thứ tư, giám định ADN là một trong những giải pháp then chốt để xác định danh tính liệt sĩ. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi thời gian, chi phí lớn và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, thân nhân và chính quyền địa phương.

Khó khăn là vậy, nhưng với bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm cao, các lực lượng vẫn kiên trì bám đất, bám rừng, phối hợp tốt với lực lượng rà phá bom mìn, nhân chứng, người dân để từng bước khoanh vùng, khảo sát, quy tập một cách bài bản, khoa học và an toàn.

Lễ an táng hài cốt các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (tháng 10/2024).
Lễ an táng hài cốt các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (tháng 10/2024).

Phóng viên: Để nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, theo ông, đâu là những giải pháp cần được ưu tiên trong thời gian tới?

Đại tá Nguyễn Văn Chính: Trên cơ sở chỉ đạo của các cấp, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao, chủ động phương án phù hợp với thực tiễn. Các lực lượng làm nhiệm vụ nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phát huy năng lực, kinh nghiệm, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng với đó, cần tiếp tục đầu tư đồng bộ về thiết bị giám định ADN, bản đồ số, cơ sở dữ liệu liệt sĩ trên nền tảng số để tra cứu thông tin thuận tiện hơn. Tăng cường ngân sách cho khảo sát, quy tập; bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nguồn thông tin từ nhân dân, cựu chiến binh, hỗ trợ bảo mật thông tin và kịp thời động viên, khen thưởng người cung cấp thông tin chính xác. Đây là những nguồn tin rất quan trọng, có thể tạo ra bước đột phá trong hành trình tìm lại danh tính và đưa các anh trở về.

Phóng viên: Để chạy đua cùng thời gian, khắc phục khó khăn và nâng cao hiệu quả, ông có kiến nghị, đề xuất gì về chính sách hỗ trợ cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và người cung cấp thông tin?

Đại tá Nguyễn Văn Chính: Hiện nay, nhiều chính sách đã và đang được triển khai hiệu quả, như: Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công; Nghị định 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi; Thông tư 298/2017/TT-BQP của Bộ Quốc phòng hướng dẫn chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; Thông tư 80/2022/TT-BQP của Bộ Quốc phòng hướng dẫn tổ chức tìm kiếm, quy tập và bàn giao hài cốt liệt sĩ.

Sau khi tổ chức sơ kết, đánh giá thực tiễn việc thực hiện các Nghị định, Thông tư trên, hiện Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến để hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định mới phù hợp hơn với thực tiễn.

Về phía Quân khu II, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao, bảo đảm lực lượng tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được huấn luyện kỹ lưỡng, trang bị đầy đủ, quyết tâm cao nhất để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng này.

Trong thinh lặng của núi rừng, mỗi cuộc hành quân đi tìm dấu vết của người đã khuất là một bản hùng ca của lòng biết ơn. Đưa các anh trở về với đất mẹ là trách nhiệm, nghĩa tình, là bổn phận thiêng liêng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Thực hiện: Biện Luân
 

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/202507/kien-tri-hanh-trinh-tri-an-5f53a00/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm