Khu di tích quốc gia đặc biệt khảo cổ Vĩnh Hưng (trước đây thuộc xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) hiện nằm trên địa bàn xã Châu Thới, tỉnh Cà Mau.
Nơi đây có tháp cổ nghìn năm tuổi (thường gọi tháp cổ Vĩnh Hưng) được phát hiện năm 1911. Tháp cổ này là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo duy nhất còn sót lại ở Tây Nam Bộ.

Khu di tích khảo cổ Vĩnh Hưng, nơi có tháp cổ nghìn năm tuổi thuộc nền văn hóa Óc Eo duy nhất còn sót lại ở Tây Nam Bộ (Ảnh: Nhật Linh Đan).
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tháp cổ Vĩnh Hưng nằm trong mặt bằng rộng hàng chục mét vuông, thấp xuống gần 1m so với nền sân di tích hiện hữu.
Ngày 17/7, qua quan sát của phóng viên, một phần khu vực tháp nước mênh mông, cỏ dại mọc um tùm.

Khu vực xung quanh tháp cổ nước ngập, cỏ dại mọc um tùm (Ảnh: Nhật Linh Đan).
Ông Lê Anh Duy, nhân viên quản lý tại khu di tích, cho biết thời điểm mưa lớn khoảng chừng 2 giờ, nước ngập lên cả bậc tam cấp đầu tiên của chân tháp.
Theo anh Duy, nhân viên di tích có dùng hệ thống máy bơm nước ra ngoài nhưng cũng không xử lý kịp thời.

Di tích mênh mông nước mỗi khi có mưa lớn (Ảnh: Nhật Linh Đan).
“Ở đây rất mong các cấp ngành tỉnh sớm xem xét khắc phục tình trạng ngập nước này”, ông Duy kiến nghị.
Khu di tích khảo cổ Vĩnh Hưng là một trong những điểm du lịch có tiếng ở tỉnh Bạc Liêu cũ (nay là tỉnh Cà Mau).
Năm 1992, di tích khảo cổ Vĩnh Hưng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia. Ngày 18/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 694/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích khảo cổ Vĩnh Hưng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/khu-thap-co-nghin-tuoi-o-di-tich-quoc-gia-dac-biet-cu-mua-lon-la-ngap-20250718164755381.htm
Bình luận (0)