Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 dài 27,43km, gồm 2 dự án thành phần, có tổng mức đầu tư 7.496 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, dự án thành phần 1 dài khoảng 16km, tổng vốn là 3.640 tỷ đồng do UBND tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 6/2023, kế hoạch hoàn thành năm 2026. Dự án thành phần 2 dài hơn 11 km, tổng vốn 3.856 tỷ đồng do UBND tỉnh Tiền Giang (cũ) làm chủ đầu tư, khởi công ngày 12/8/2024, kế hoạch hoàn thành năm 2027.

Đối với dự án thành phần 1, ông Trần Trí Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đến nay, giá trị hợp đồng đạt 65,2% và dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025. Nhà thầu thi công đã huy động hơn 300 kỹ sư và công nhân, hơn 140 đầu thiết bị để tổ chức thi công.
Tỉnh Đồng Tháp đã cung cấp đủ 2,3 triệu m3 cát cho dự án, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho điều chuyển tổng cộng 500 tỷ đồng cho dự án thành phần 1 để đẩy nhanh tiến độ và thông xe kỹ thuật vào ngày 19/12 tới. Còn dự án thành phần 2 cần điều chuyển khoảng 1.500 tỷ đồng để phấn đấu hoàn thành trong tháng 4/2026. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp giải thích số tiền này không phải là đội vốn mà do tiến độ đi nhanh nên điều chuyển vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 sang cho 2021-2025.
Còn Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1dài 188,2km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Dự án quyết tâm đưa dự án cơ bản thông xe vào ngày 19/12 năm nay, sớm hơn gần 6 tháng so với kế hoạch và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ vào năm 2027. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, UBND tỉnh An Giang làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 1, dài 57km, tổng mức đầu tư 13.526 tỷ đồng.
UBND TP Cần Thơ làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 2 (qua TP Cần Thơ cũ) dài 37,4km, tổng mức đầu tư 9.725 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 (qua tỉnh Hậu Giang cũ), dài 36,7km, tổng mức đầu tư 9.601 tỷ đồng và dự án thành phần 4 (qua tỉnh Sóc Trăng cũ), dài khoảng 58,4km, tổng mức đầu tư 11.961 tỷ đồng.
Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ giá trị giải ngân từ khi khởi công đến nay đạt 13.078 tỷ đồng. Trong năm nay, 3 dự án thành phần được bố trí hơn 7.285 tỷ đồng và hiện đã giải ngân 22% so với kế hoạch và phấn đấu cuối năm đạt 100% kế hoạch vốn.
Đối với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), dự án có chiều dài 110,85km cao tốc và 25,85km tuyến nối và được chia làm 2 dự án thành phần (DATP) gồm đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và đoạn Hậu Giang – Cà Mau.
Dự án có tổng mức đầu tư 27.523 tỷ đồng, gồm 4 gói thầu xây lắp, khởi công ngày 1/1/2023, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2025. Hiện nay, dự án đã hoàn thành toàn bộ công tác đắp cát gia tải chờ lún, một số đoạn đã dỡ tải để thi công mặt đường bê tông nhựa. Các nhà thầu đang tập trung nguồn lực để tổ chức thi công tăng ca – kíp để bù lại tiến độ chậm, đến nay sản lượng thi công đạt 69%/74% kế hoạch.
Riêng dự án cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang và Bến Tre (nay là Đồng Tháp và Vĩnh Long) dự kiến hoàn thành và khánh thành, đưa vào sử dụng vào ngày 19/8 tới. Đến nay, tiến độ tổng thể dự án đạt trên 97% và đang trong giai đoạn tăng tốc để sớm “về đích”.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thông tin: “Tổng giá trị sản lượng của các hợp đồng đang thi công là 3.193,5 tỷ đồng, đạt 97,24%, vượt tiến độ chung hơn 1,43% so với kế hoạch. Phần cầu chính đang vượt tiến độ hơn 6,6% và cầu đã hợp long nhịp chính, hoàn thành lắp đặt khe co giãn, hoàn thành gờ lan can, dải phân cách”. Còn dự án cầu Đại Ngãi 2, tuyến và các công trình trên tuyến, giá trị hợp đồng hơn 1.543 tỷ đồng, giá trị thi công đến nay là 1.137/1.543 tỷ đồng, đạt 73,7%.
Theo Bộ Xây dựng, tại khu vực phía Nam đang triển khai 21 dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, 13 dự án sẽ hoàn thành trong năm 2025 với tổng chiều dài 354km (gồm 336km thuộc kế hoạch hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc), gồm: tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Cao Lãnh - An Hữu, cầu Rạch Miễu 2…
Bộ Xây dựng thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu tăng cường nhân lực, vật lực, thiết bị, tổ chức thi công “3 ca 4 kíp” và điều chuyển khối lượng của các nhà thầu chậm nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành các dự án. Các địa phương là cơ quan chủ quản đã tăng cường công tác kiểm tra, quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu huy động nhân lực, máy móc thiết bị, tăng ca kíp thi công để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Nguồn: https://cand.com.vn/Giao-thong/khan-truong-ve-dich-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-i775677/
Bình luận (0)