Lò gốm cổ Đại Hưng (hay Lò lu Đại Hưng) nằm ở thành phố Thủ Dầu Một cũ (phường Thủ Dầu Một). Cái tên "Lò lu" xuất phát từ lò gốm chuyên sản xuất các loại lu, khạp, hũ dùng cho sản xuất nông ngư nghiệp và đời sống từ xa xưa. Làng gốm này có tuổi đời hơn 150 năm.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Dương cũ, nay thuộc TP Hồ Chí Minh mới, không chỉ nổi bật với sự phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh chóng mà còn gây ấn tượng bởi sự hài hòa giữa nhịp sống hiện đại và vẻ đẹp thiên nhiên xanh mát. Thời tiết ôn hòa, phù hợp cho các chuyến du lịch quanh năm. Đặc biệt, từ tháng 1 đến tháng 4 là thời điểm lý tưởng với khí hậu khô ráo, nắng đẹp, trong khi từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa trái cây trĩu quả, mang đến cơ hội thưởng thức sản vật địa phương tươi ngon.
Từ trên cao, du khách có thể thấy những mái nhà trong lò gốm Đại Hưng nằm san sát nhau. Lò Đại Hưng hiện vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công, với sản phẩm nghề đặc trưng truyền thống. Đây cũng là cơ sở sản xuất gốm thủ công lớn nhất Bình Dương với diện tích gần 11.000 m2.
Đáng chú ý, tỉnh Bình Dương cũ sở hữu hệ sinh thái du lịch phong phú với nhiều loại hình du lịch văn hóa đa dạng. Du khách yêu thích không gian văn hóa, tâm linh có thể ghé thăm Chùa Hội Khánh, nổi tiếng với tượng Phật nhập Niết bàn dài nhất châu Á, hoặc Chùa Châu Thới, nằm trên núi Châu Thới và được ví như "nóc nhà tâm linh" của vùng đất này.
Chùa Châu Thới là một quần thể có nhiều hạng mục công trình kiến trúc đặc sắc về Phật giáo. Trong chùa hiện đang lưu giữ 55 hiện vật cổ có giá trị, tiêu biểu như 2 bộ tượng cổ Thập bát La Hán và Thập điện Diêm Vương bằng đất nung, tượng Bồ tát Quán thế âm bằng gỗ mít hàng trăm năm tuổi, tượng Bà Chúa Xứ bằng đá xanh, 3 pho tượng Phật bằng đá có niên đại khoảng cuối thế kỷ 18.
Ngoài ra, du khách còn có thể khám phá Đình Tân An và Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử và tôn giáo của mảnh đất này. Đối với những ai yêu thích không gian văn hóa làng nghề như làng gốm, làng sơn mài sẽ là điểm đến lý tưởng, nơi du khách có thể tìm hiểu nét tinh hoa thủ công đã góp phần làm nên tên tuổi của vùng đất này suốt nhiều thập niên.
Đến với Bình Dương, du khách nên dành thời gian để khám phá chợ Thủ Dầu Một.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch Phát triển Tài nguyên Du lịch, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, trong hành trình xây dựng TP Hồ Chí Minh mới, tỉnh Bình Dương cũ không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là "lá phổi xanh" với tiềm năng du lịch chưa được khai thác hết. Sự kết hợp giữa các điểm đến sinh thái, văn hóa và giải trí đang mở ra hướng đi mới, đưa Bình Dương trở thành điểm dừng chân không thể thiếu trên bản đồ du lịch của vùng đô thị đa trung tâm TP Hồ Chí Minh mới.
Chợ Thủ Dầu Một là một khu chợ truyền thống lâu đời, nổi tiếng với kiến trúc tháp đồng hồ mang đậm dấu ấn Pháp, tương tự như chợ Bến Thành. Chợ không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là một địa điểm tham quan, khám phá lịch sử và văn hóa của Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Tỉnh Bình Dương cũ được chứng nhận là một trong những tỉnh có nhiều dấu tích chiến tranh, trong đó có nhà tù Phú Lợi. Nơi đây đã ghi nhận toàn bộ tội ác của Mỹ - Diệm gây ra với chiến tranh cách mạng, người dân yêu nước khi bị giam cầm. Đây được xem là những tội ác mà quân Mỹ đã gây ra cho quân và dân ta nhưng vẫn không qua được tinh thần kiên cường bất khuất của người dân Việt Nam đứng lên đấu tranh giành lại độc lập tự do.
Nghĩa trang liệt sĩ Dầu Tiếng có 8 hạng mục, tổng diện tích trên 18.400m2, tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng. Công trình được xây dựng nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của quê hương Bình Dương đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương.
Đến với Hồ Dầu Tiếng, du khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như tham quan, cắm trại, ngắm bình minh, hoàng hôn, chèo thuyền, câu cá và khám phá các đảo nhỏ trên hồ...
Đình Tân An từ lâu đã thu hút đông đảo khách du lịch Bình Dương ghé đến tham quan bởi lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo cùng những giá trị lịch sử, văn hóa mà nó chứa đựng.
Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, một trong những địa điểm săn ảnh đẹp và nổi tiếng tại tỉnh Bình Dương nhờ lối kiến trúc châu Âu cổ điển, khiến du khách cảm thấy như đang lạc vào trời Tây. Không chỉ là điểm check-in nổi tiếng, nhà thờ Phú Cường được mệnh danh là “nhà thờ tiểu Paris giữa lòng Bình Dương”, còn là một địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách ghé thăm.
Đến với Bình Dương, du khách còn có thể check-in cùng những cánh rừng cao su thay lá. Bắt đầu từ tháng 12, rừng cao su Bình Dương bước vào mùa thay lá, kéo dài đến hết tháng 3, với những sắc màu rực rỡ tạo nên khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Bình Dương và Bình Phước cũ là hai tỉnh có diện tích trồng cao su lớn nhất cả nước, góp phần tạo nên vẻ đẹp đặc trưng cho vùng đất này.
Đến đây, du khách còn có cơ hội check in tại làng hoa Tân Ba (thành phố Tân Uyên cũ, nay là xã Tân Uyên). Nơi đây có trăm loài hoa trải thi nhau đua sắc mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Măng cụt Lái Thiêu là loại trái cây ngọt lành đặc sản của Bình Dương, cũng là nguồn sống của nhiều người dân nơi đây. Vì vậy, nếu có dịp du lịch Bình Dương, du khách nên ghé thăm những vườn măng cụt trăm năm tuổi và mua loại trái cây nổi tiếng này về làm quà cho người thân, bạn bè.
Từ ngày 1/7, tỉnh Bình Dương cũ chính thức sáp nhập vào TP Hồ Chí Minh cũ và Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo thành TP Hồ Chí Minh mới. Sau khi sáp nhập, Bình Dương cũ còn 36 xã, phường, nhiều trong số đó mang tên gọi gắn liền với các địa danh quen thuộc như phường Bình Dương, phường Thủ Dầu Một, phường Lái Thiêu, phường Tân Uyên, xã Bàu Bàng... Mặc dù là tỉnh Bình Dương cũ hay TP Hồ Chí Minh mới, điểm đến này vẫn luôn gây ấn tượng với sự kết hợp hài hòa giữa nhịp sống hiện đại và vẻ đẹp thiên nhiên xanh mát.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/kham-pha-cac-diem-den-giau-van-hoa-lich-su-tai-tp-ho-chi-minh-moi-a423567.html
Bình luận (0)