
Bom phá boongke GBU-57 của Mỹ có khoan sâu được 90 mét?
Vào rạng sáng ngày 22/6, khi xung đột Iran-Israel đang ở đỉnh điểm của sự căng thẳng, quân đội Mỹ đã phát động chiến dịch với mật danh “Búa đêm (Midnight Hammer)”, huy động 7 chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit, thả 14 quả bom xuyên GBU-57, xuống cơ sở hạt nhân Fordow và Natanz của Iran.
Dưới góc độ kỹ thuật, nhiều câu hỏi được đặt ra đó là liệu bom xuyên GBU-57 có phá hủy được nhà máy ngầm của Iran, nằm sâu dưới ngọn núi đá granite tới 90 mét?
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đại tướng Dan Caine, đã tuyên bố một cách công khai rằng, chiến dịch Midnight Hammer, đã đạt được “chiến thắng áp đảo”.
Trong chiến dịch, bảy máy bay ném bom tàng hình B-2 đã cất cánh từ căn cứ trên lãnh thổ Mỹ, băng qua Đại Tây Dương và bay hàng nghìn km. 125 máy bay chiến đấu, đã phối hợp để thực hiện các động tác nghi binh, để những chiếc B-2 hoàn thành nhiệm vụ.
Kế hoạch đã được tính toán kỹ lưỡng, nhóm máy bay ném bom B-2 đã thả tổng cộng 14 quả bom phá boongke (bom xuyên) khổng lồ GBU-57 xuống các cơ sở hạt nhân Fordow và Natanz, mỗi quả nặng 13,6 tấn, với lượng thuốc nổ tương đương 2,54 tấn TNT. Thông tin này nghe có vẻ khá sốc.

Nhưng thực tế đã sớm cho quân đội Mỹ “tỉnh giấc mơ”, khi một quan chức cấp cao của Mỹ đã tiết lộ rằng, cấu trúc chính của cơ sở hạt nhân Fordow vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có một số khu vực bị hư hại.
Còn đại biểu quốc hội Iran Menan Raisi thậm chí còn thẳng thừng nói rằng, phía Mỹ đang "phóng đại", khi chỉ có phần trên mặt đất của cơ sở hạt nhân bị hư hại nhẹ và có thể được sửa chữa hoàn toàn. Điều này rất khác với hiệu ứng tấn công "phẫu thuật chính xác", mà quân đội Mỹ đã quảng bá trước đây.
Nhà máy hạt nhân Fordow: Pháo đài vững chắc
Nhà máy hạt nhân Fordow không phải là mục tiêu bình thường, khi được các kỹ sư Iran xây dựng sâu trong núi đá và được bảo vệ cực kỳ tốt. Nhà máy được phủ một lớp bê tông dày 8 mét và lớp thép dày 2 mét, và có bốn lớp công sự bê tông cốt thép ở ngoại vi để gia cố và bảo vệ.
Kelsey Davenport, một chuyên gia từ Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Mỹ, từ lâu đã cảnh báo rằng bom phá boongke thông thường không thể gây ra thiệt hại đáng kể cho một công trình như vậy.
Ngoài ra, quân đội Iran đã triển khai một tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300, 1 tiểu đoàn tên lửa Buk-M2 và 1 trung đoàn pháo phòng không, cùng với thiết bị gây nhiễu điện tử bảo vệ Fordow; tạo thành một mạng lưới bảo vệ ba chiều với căn cứ, khiến các máy bay chiến đấu, khó có thể bay vào để thả bom.

Nhà bình luận quân sự Mỹ Williamson cũng chỉ ra rằng, "B-2 không thể thả bom một cách bình tĩnh, mà không bị can thiệp". Trước đó, cuộc không kích của Israel vào ngày 13/6 đã chứng minh rằng, các cuộc tấn công thông thường có ít tác động đến Fordow và khó có thể làm lung lay hàng phòng thủ vững chắc của nó.
Bom GBU-57 Bunker Buster: Huyền thoại đã bị hủy hoại
GBU-57 đã được quân đội Mỹ chào hàng là "bom phá boongke" và được cho là loại bom có thể xuyên thủng lớp đất dày 60 mét. Nhưng trước cơ sở hạt nhân Fordow, khả năng thực sự của nó đã bị phơi bày.
Quả núi mà căn cứ Fordow trú ẩn, được cấu tạo từ đá granit cứng, hoàn toàn khác với các lớp đất thông thường. Sau khi thử nghiệm thực tế, độ sâu xuyên thủng của bom GBU-57 trong lớp đá này đã giảm mạnh xuống còn dưới 30 mét. Khu vực lõi của cơ sở hạt nhân Fordow nằm ở độ sâu 90 mét, điều đó có nghĩa là cần ít nhất ba quả bom rơi vào cùng một vị trí liên tiếp, để tiếp cận khu vực lõi.
Để đạt được mục tiêu thâm nhập, quân đội Mỹ đã áp dụng chiến lược ném bom bão hòa, sử dụng ba máy bay ném bom B-2 để tấn công lần lượt, hy vọng bù đắp cho sự thiếu chính xác thông qua số lượng.

Từ hình ảnh vệ tinh, có hai khu vực va chạm xung quanh Fordow, với ba hố bom ở mỗi khu vực. Điều này cho thấy Không quân Mỹ đã cố gắng thâm nhập vào “trái tim nhà máy”, thông qua ném bom liên tục, nhưng kết quả cuối cùng chỉ là thiệt hại một phần cho mặt đất, và các cơ sở ngầm vẫn còn nguyên vẹn.
Chiến thuật "thâm nhập liên tiếp" mà quân đội Mỹ sử dụng, có thể đã không thành công, đặc biệt là khi những quả bom xuyên phát nổ sớm trong các khối đá. Và công nghệ vũ khí tiên tiến của Mỹ, ngay lập tức biến thành một màn “trình diễn pháo hoa” tốn kém.
Nguyên nhân thất bại của bom xuyên GBU-57:
Sự khác biệt về điều kiện địa chất: Quân đội Mỹ rõ ràng đã đánh giá thấp sự phức tạp về địa chất của ngọn núi ở Fordow, nơi có cơ sở hạt nhân của Iran. Độ cứng của đá granit cao hơn nhiều so với đất đá thông thường, điều này khiến khả năng đâm xuyên của bom phá boongke GBU-57 giảm rất nhiều.
Khi đối mặt với các khối đá cứng như vậy, năng lượng của đâm xuyên của bom bị triệt tiêu nhanh chóng trong quá trình va chạm tốc độ cao với lớp đá granit, nên không thể đạt được độ sâu thâm nhập như tính toán.
Sức mạnh của các cấu trúc bảo vệ: Các cấu trúc bảo vệ gia cố nhiều lớp của cơ sở hạt nhân Fordow, đóng vai trò quan trọng. Các lớp bê tông cốt thép và thép tấm được xếp chồng lên nhau, tạo thành vật cản khó vượt qua.
Ngay cả khi bom GBU-57 có thể xuyên qua các khối đá đến một độ sâu nhất định, các cấu trúc bảo vệ này vẫn làm suy yếu thêm tác động và hiệu ứng nổ của nó, giúp bảo vệ phần thân chính của cơ sở hạt nhân.

Vấn đề độ chính xác của ném bom: Xét theo sự phân bố của các hố bom, độ chính xác ném bom của Không quân Mỹ rõ ràng là không đủ. Kế hoạch ban đầu là sử dụng phương pháp "xuyên thủng tiếp sức", tức là những quả bom GBU-57 tiếp theo, tiếp tục xuyên qua các lỗ của quả bom trước đó. Nhưng trên thực tế là nhiều hố bom xuất hiện tại mỗi điểm ném bom, cho thấy các quả bom tiếp theo không rơi chính xác vào các lỗ của quả bom đầu tiên.
Điều này có thể là do điều kiện chiến trường, định vị mục tiêu không chính xác và các hệ thống phòng không ảnh hưởng đến độ chính xác khi ném bom của máy bay.
Những tác động sau khi Mỹ sử dụng bom GBU-57
Điều chỉnh chiến lược quân sự: Sự thất bại của bom phá boongke GBU-57, chắc chắn sẽ khiến quân đội Mỹ phải đánh giá lại khả năng tấn công các mục tiêu ngầm. Trong tương lai, quân đội Mỹ có thể sẽ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển vũ khí phá boongke mới, để tìm ra công nghệ xuyên phá hiệu quả hơn.
Đồng thời, khi xây dựng các kế hoạch tác chiến, họ cũng sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn về tình hình thực tế của mục tiêu, thay vì chỉ dựa vào tính toán lý thuyết của vũ khí.

Những thay đổi trong tình hình quốc tế: Đối với Iran, cơ sở hạt nhân Fordow đã chịu được vụ đánh bom xuyên hạng nặng của quân đội Mỹ, điều này đã làm tăng đáng kể sự tự tin của họ vào các cuộc đàm phán quốc tế; cũng như cho thấy khả năng bảo vệ cơ sở hạt nhân của Iran đã được thử thách và họ sẽ tự tin hơn trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hạt nhân của mình, trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ và các nước phương Tây khác.
Đối với Mỹ, sự thất bại của hoạt động này có thể khiến họ phải đối mặt với nhiều nghi ngờ và áp lực hơn trong cộng đồng quốc tế, và khả năng răn đe quân sự của họ cũng sẽ bị suy yếu ở một mức độ nhất định.
Hướng phát triển công nghệ: Việc bom GBU-57 của Mỹ không thể xuyên được qua lớp đá dày, đã chỉ ra một hướng phát triển mới cho công nghệ quốc phòng toàn cầu.
Một mặt, các quốc gia sẽ chú trọng hơn vào nghiên cứu công nghệ bảo vệ cơ sở ngầm, và cách xây dựng hệ thống bảo vệ vững chắc hơn trong điều kiện địa chất phức tạp sẽ trở thành chìa khóa;
Mặt khác, nghiên cứu và phát triển vũ khí xuyên đất sẽ phát triển theo hướng cải thiện khả năng xuyên sâu, thích ứng với các môi trường địa chất khác nhau và cải thiện độ chính xác của đòn tấn công.
Tóm lại, sự thất bại của bom phá boongke GBU-57 của Mỹ, trong vụ tấn công cơ sở hạt nhân Fordow của Iran, không chỉ là thất bại của một hoạt động quân sự, mà còn là sự kiện mang tính bước ngoặt, có tác động sâu sắc đến sự phát triển của công nghệ quân sự toàn cầu và bối cảnh chiến lược quốc tế. Nó cho chúng ta thấy rằng, ngay cả công nghệ quân sự tiên tiến, có vẻ như cũng có thể gặp phải những trở ngại khi đối mặt với môi trường thực tế phức tạp.
Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/huyen-thoai-ve-bom-xuyen-gbu-57-cua-my-co-bi-huy-hoai-post1554257.html
Bình luận (0)