Vườn dược liệu của gia đình anh Tẩn Sài Sông ở bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu) được ươm, trồng dưới tán rừng, hứa hẹn mang lại thu nhập cao
Tận dụng lợi thế để cải thiện sinh kế
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh hiện có trên 9.300ha cây dược liệu trồng dưới tán rừng, gồm: thảo quả, sa nhân, sâm Lai Châu, hà thủ ô, tam thất. Các vùng trồng tập trung tại xã có điều kiện sinh thái phù hợp như: Bình Lư, Khun Há, Sin Suối Hồ, Sì Lở Lầu, Dào San, Hua Bum, Pa Ủ… Tận dụng điều kiện tự nhiên và thảm thực vật đa dạng, nhiều hộ chuyển đổi sản xuất từ trồng ngô, lúa nương sang trồng dược liệu. Điển hình như gia đình chị Phàn Tả Mẩy ở bản Sín Chải (xã Sì Lở Lầu), cách đây 6 năm, gia đình chị bắt đầu trồng cây dược liệu (sâm Lai Châu và thất diệp nhất chi hoa) với diện tích 400m2 và mở rộng lên 2ha. Hiện, toàn bộ diện tích cây dược liệu phát triển tốt, trong đó đã thu về 400 triệu đồng; trong vườn còn trên 2.000 cây sâm Lai Châu và thất diệp nhất chi hoa từ 1 - 2 năm tuổi. Dự kiến, 5 năm nữa diện tích này sẽ cho thu trên 1 tỷ đồng.
Nhiều hộ khác trên địa bàn xã Sì Lở Lầu cũng có thành công nhất định từ trồng cây dược liệu. Đó là gia đình anh Tẩn Sài Sông ở bản Lả Nhì Thàng. Năm 2015, anh trồng thử nghiệm sâm Lai Châu trên diện tích 100m2. Nhận thấy cây thích nghi tốt và có giá trị kinh tế cao, anh Sông quyết định đầu tư mở rộng quy mô vườn. Đến nay, diện tích vườn dược liệu là 5.000m2, với hơn 10.000 cây dược liệu các loại, bao gồm cả thất diệp nhất chi hoa.
Câu chuyện của chị Mẩy, anh Sông không chỉ phản ánh tiềm năng của cây dược liệu dưới tán rừng, còn minh chứng cho tầm nhìn và quyết tâm của người dân địa phương trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi đất nương, đồi sản xuất kém hiệu quả thành vườn dược liệu tạo sinh kế bền vững.
Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân canh tác tự phát, nhỏ lẻ. Việc thiếu liên kết trong sản xuất, sơ chế và tiêu thụ khiến tiềm năng của dược liệu chưa được khai thác hiệu quả. Theo đồng chí Nguyễn Trọng Lịch - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện nay tỉnh đã triển khai các chương trình hướng dẫn kỹ thuật theo tiêu chuẩn GACP (gồm thực hành tốt trồng cây thuốc và thực hành tốt thu hái cây thuốc hoang dã) Việt Nam, GACP - WHO (tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới WHO); hỗ trợ trồng dược liệu tập trung. Song, sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn yếu. Một phần do thiếu cơ chế hỗ trợ đầu tư đặc thù, một phần vì sản xuất dược liệu manh mún, phân tán.
Giữ rừng gắn với trách nhiệm
Không chỉ giúp nâng cao thu nhập, mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng còn được xem là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tình trạng phá rừng, đốt nương sản xuất - tập quán tồn tại lâu đời ở nhiều địa phương. Khi người dân coi rừng là sinh kế, tài sản, thì việc giữ rừng sẽ trở thành trách nhiệm, không còn là “nhiệm vụ” do Nhà nước giao. Hiện nay, mức thu nhập từ các chương trình bảo vệ rừng chỉ đạt khoảng 1 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, nhiều cây dược liệu có thể mang lại thu nhập gấp từ 5-10 lần, tạo động lực rõ ràng hơn để bà con gắn bó với rừng mang tính chủ động và lâu dài.
Chị Phàn Tả Mẩy chia sẻ thêm: “Trước kia, dân bản thường vào rừng lấy củi, phá rừng làm nương. Từ khi chuyển sang trồng cây dược liệu, không chỉ có thu nhập, rừng được bảo vệ tốt hơn”.
Tuy nhiên, đầu ra cho dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn đang là điểm nghẽn lớn. Phần lớn sản phẩm bán ở dạng thô hoặc sơ chế đơn giản nên giá trị thấp. Việc thiếu các nhà máy chế biến tại chỗ và tiêu chuẩn đồng bộ (GACP-WHO, GMP-WHO) khiến dược liệu trên địa bàn tỉnh khó nâng tầm chất lượng và mở rộng thị trường. Mặc dù thời gian qua tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ như: hướng dẫn kỹ thuật, xúc tiến thương mại… nhưng suất đầu tư ban đầu cao và sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ, nhiều hộ dân chưa đủ điều kiện tiếp cận, nhất là với những cây có giá trị cao như: sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, lan kim tuyến.
Để tháo gỡ khó khăn đó, Nghị quyết 17-NQ/TU, ngày 19/5/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2035 đã xác định rõ định hướng phát triển xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Trước mắt, tỉnh tập trung vào sâm Lai Châu, sau đó mở rộng sang các loài dược liệu tiềm năng khác. Mục tiêu là hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, có sự tham gia của doanh nghiệp trong chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm.
Với lợi thế sinh thái phong phú, sự nỗ lực của người dân và định hướng chiến lược từ tỉnh đang hướng tới trở thành trung tâm phát triển dược liệu dưới tán rừng của vùng Tây Bắc. Để hành trình bền vững, vẫn cần sớm hoàn thiện cơ chế đặc thù, triển khai chính sách ưu đãi doanh nghiệp và đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ. Đó chính là chìa khóa vừa mang lại sinh kế ổn định, vừa gìn giữ màu xanh cho rừng.
Nguồn: https://baolaichau.vn/kinh-te/huong-di-ben-vung-cho-kinh-te-rung-1242041
Bình luận (0)