Học sinh thích thú tham gia trò chơi tại chương trình |
Không còn "cưỡi ngựa xem hoa"
Dịp kỷ niệm 81 năm ngày mất của vua Hàm Nghi vừa qua, hơn 100 học sinh Trường THCS Hàm Nghi đã tham gia chương trình “Hạo khí Cần Vương” tại Bảo tàng CVCĐ Huế. Các em được tham quan không gian trưng bày, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của vị vua yêu nước, đồng thời hào hứng tham gia các trò chơi như “Truyền chiếu dụ”, “Ai là nhà sử học thông thái”… Đây thực sự là sân chơi sử học bổ ích, giúp học sinh “học mà chơi, chơi mà học” trong không gian di sản.
Em Lê Văn Minh, học sinh Trường THCS Hàm Nghi, bày tỏ: “Em rất thích tham gia các buổi trải nghiệm tại Bảo tàng. Vừa được chơi, vừa học được nhiều điều thú vị”.
Phó Giám đốc Bảo tàng CVCĐ Huế Trương Quý Mẫn cho biết, các chương trình giáo dục di sản không còn là những chuyến tham quan “cưỡi ngựa xem hoa” mà đã trở thành “phòng học mở”, nơi học sinh có thể nghe, nhìn, chạm, trải nghiệm và thậm chí “nhập vai” để tìm hiểu về Triều Nguyễn.
Chương trình giáo dục di sản hình thành từ sau cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” năm 2008, và không ngừng hoàn thiện để phù hợp hơn với tâm lý lứa tuổi cũng như nội dung sách giáo khoa. “Từ một chương trình chung, nay Bảo tàng xây dựng mỗi cấp học đều có nội dung riêng, tích hợp các môn học, như: lịch sử, văn học, giáo dục công dân, mỹ thuật…”, ông Mẫn nói
Năm học 2023 - 2024, Bảo tàng và di tích Cung An Định đã tổ chức 51 chương trình, đón hơn 5.100 học sinh và giáo viên. Năm học 2024 - 2025, con số này là 46 chương trình và hơn 4.300 lượt người tham gia, chủ yếu là học sinh. Các chương trình không chỉ tạo cơ hội tiếp xúc trực tiếp với di sản mà còn giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm, nâng cao thể lực và phát triển tư duy thông qua các trò chơi như “Icon Di sản”, “Rung chuông vàng”, “Viết phiếu thu hoạch”, “Kẹp bóng tìm bảo vật”…
Chuẩn hóa để phát huy giá trị
Nhận thức rõ vai trò của giáo dục di sản, Bảo tàng CVCĐ Huế đã xây dựng Bộ tài liệu “Chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh phổ thông tại Bảo tàng” với sự tham vấn từ chuyên gia ở Hội đồng Di sản quốc gia, được đội ngũ cán bộ đơn vị hoàn thiện và tích hợp sâu với nội dung sách giáo khoa hiện hành.
Bộ tài liệu này phân hóa rõ ràng theo cấp học: Trò chơi cho học sinh đầu cấp 1 khác với cuối cấp 1; THCS và THPT lại được thiết kế theo hướng nâng cao khả năng phân tích và hiểu sâu. Những trò chơi cung đình mang tính đặc trưng như xăm hường, bài vụ, thả thơ… vẫn giữ vai trò “đặc sản” trải nghiệm, nhưng đã được bổ sung thêm nhiều nội dung mới như “Hạo khí Cần Vương” - một chương trình lớn giúp học sinh tìm hiểu về phong trào Cần Vương, vua Hàm Nghi và những anh hùng kháng Pháp.
Bà Trương Bảo Anh, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu đối ngoại truyền thông của Bảo tàng CVCĐ chia sẻ: “Chúng tôi phải đổi mới liên tục để tránh nhàm chán, vì nhiều học sinh đã quen thuộc với các di tích như Đại Nội. Giáo dục di sản không thể chỉ là “kể chuyện về hiện vật mà phải tạo trải nghiệm khiến học sinh muốn quay lại lần nữa”.
Hướng tới một "không gian giáo dục di sản mở"
Để đạt được hiệu quả như mục tiêu đã đề ra, Bảo tàng không ngừng đổi mới phương pháp, đồng thời tập huấn nâng cao chuyên môn cho đội ngũ nhân sự. Bảo tàng đã chuẩn hóa các chương trình dựa trên khảo sát thực tế, đồng thời tập huấn đội ngũ nhân sự và tham gia các khóa đào tạo từ Cục Di sản văn hóa, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác. Tuy vậy, đến nay chương trình giáo dục di sản vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn như thiếu kinh phí đầu tư cho đạo cụ phục vụ trải nghiệm. Trong khi đó, nhu cầu và kỳ vọng từ phía học sinh, giáo viên ngày càng cao. Sự phối hợp giữa Bảo tàng và các trường học vẫn chưa đồng đều. Một số trường chưa thực sự mặn mà với hoạt động trải nghiệm tại di tích, hoặc tổ chức đến địa điểm cũ qua các năm khiến học sinh mất hứng thú.
Với tinh thần "không gì là không thể", ông Trương Quý Mẫn cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng chương trình. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để học sinh tiếp cận di sản qua lăng kính hiện đại.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng bộ tài liệu giáo dục di sản dành cho học sinh phổ thông tại di tích Cung An Định - một địa điểm ít được khai thác đúng tầm, nhưng lại chứa đựng giá trị kiến trúc - mỹ thuật đặc biệt của giai đoạn cuối Triều Nguyễn”, ông Mẫn cho hay.
Trong bối cảnh thành phố được mệnh danh là “miền di sản”, việc đưa di sản đến gần hơn với thế hệ trẻ không chỉ là cách để giáo dục lòng yêu nước, mà còn là bước đi bền vững để gìn giữ bản sắc văn hóa trong bối cảnh hiện đại hóa.
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/hoc-ma-choi-choi-ma-hoc-voi-di-san-155809.html
Bình luận (0)