Những học sinh như thế từng được thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy, cha mẹ, người thân kỳ vọng sẽ có điểm số cao. Trước kỳ thi các em thậm chí còn là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Trên trang facebook của một giáo viên mà tôi quen biết viết đầy hào sảng rằng: “Cô ngồi đây và chờ những con số thích thú của các em”. Đó là dòng tâm trạng trước khi công bố điểm thi. Và chỉ vài tiếng sau, là một status đầy cảm thán: “Sập nguồn!”. Tương tự, một phụ huynh mà tôi biết đã tắt điện thoại 3 ngày liên tiếp sau khi con có điểm thi.
Các em đã cố gắng hết sức mình rồi. Những học trò có điểm số không như ý sẽ càng thêm buồn khi tiếp cận dòng trạng thái ấy và tâm trạng ấy.
Tôi biết một học sinh giỏi, từng đoạt giải quốc gia mấy lần. Cháu đậu vào ngành học mơ ước bậc nhất của rất nhiều học sinh. Nhưng cháu cứ hụt hơi dần vì lý do ngoại cảnh, đến mức đứng trước nguy cơ bị buộc thôi học. Thật may, bố mẹ cháu là người nhìn rộng. Có buồn nhưng không cay nghiệt. Sau khi trao đổi với con và tham khảo nhiều kênh khác nhau, anh chị đề nghị con chuyển sang học hệ tại chức, cháu đã tốt nghiệp sau đó ít năm. Tấm bằng của cháu không danh giá như nhiều bạn, nhưng không hề thấp kém, cháu không tự ti. Cháu xác định được cuộc đua phía trước là “trường đời”. Những điều chưa được học ở trường, cháu đã quyết tâm ở “trường đời”. Và như người ta nói, số phận không bao giờ quay lưng với những người nỗ lực. Cháu hiện là trưởng nhóm ở một doanh nghiệp mạnh, có mức thu nhập mơ ước.
Kỳ thi nào rồi cũng sẽ qua, điểm số chỉ còn là kỷ niệm nếu chúng ta biết cách vượt qua nỗi buồn. Điều đó phụ thuộc nhiều vào người lớn khi biết định hướng, đồng hành cùng con trẻ vượt qua được những thời điểm khó khăn. Điểm số của kỳ thi quyết định ngành học, nhưng ngành học chưa chắc đã quyết định tương lai, vì tương lai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự nỗ lực bản thân của từng cá nhân.
Hạnh Nhiên
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/hoc-cach-buoc-qua-noi-buon-255316.htm
Bình luận (0)