
Tôi biết Hồ Tấn Vũ từ năm 2005–2006, khi anh vừa từ bỏ chân nhân viên thị trường của một doanh nghiệp sản xuất bút bi để theo đuổi nghề báo. Khi ấy, anh đang chập chững viết những bài đầu tiên cho Báo Pháp Luật TPHCM, và sau đó, những bài phóng sự đậm chất đời được chuyên chở bằng thứ văn chương mềm mại câu chữ đã dẫn anh về Báo Tuổi Trẻ, cho đến hôm nay.

Còn Lê Phi, tôi gặp lần đầu khi Phi còn là sinh viên về thực tập tại Báo Sài Gòn Giải Phóng – nơi tôi làm phóng viên thường trú. Sau này, Phi đầu quân về Báo Pháp Luật TPHCM, trở thành đồng nghiệp, cùng làm, cùng lăn lộn, cùng chơi một cách hết mình.
Một điểm chung nữa, cả Vũ và Phi, cùng tôi và 16 anh em phóng viên nữa, đều có mặt trên chuyến hải trình từ cảng Tiên Sa đi Hoàng Sa nhân sự kiện tàu Hải Dương 981. Những phóng viên có mặt đầu tiên trong sự kiện này.

Cả Vũ và Phi đều vắng một thời gian dài. Và sau đó, cả 2 xuất hiện trở lại với một tập tiểu thuyết và tập truyện ngắn. Hồ Tấn Vũ với tiểu thuyết Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng. Lê Phi với tập truyện ngắn Đi ngược. Một người chọn không gian trung du - miền núi xứ Quảng; người kia gắn bó với miền quê Chùa Khê, xứ Nghệ. Dẫu khác cách viết, cách tiếp cận, cách xây dựng nhân vật, khác địa hình văn học, nhưng điểm chung dễ nhận ra: cả hai đều bước từ hiện thực đời sống báo chí để đi vào địa hạt văn chương – nơi cái "thật" không chỉ được kể lại, mà còn được cảm, được sống, và được suy tưởng, chuyên chở bằng ngôn ngữ hư cấu.
Là nhà báo nên cả Hồ Tấn Vũ và Lê Phi đều đi nhiều, gặp nhiều, có vốn sống phong phú, từng viết về những câu chuyện rất giống với chất liệu trong tiểu thuyết và truyện ngắn của họ. Nhưng điểm đặc biệt nằm ở chỗ: họ không chuyển thể báo chí thành văn học một cách cơ học. Cái thật mà họ mang đến văn chương đã được gạn lọc, hư cấu và đẩy lên cấp độ biểu tượng.
Cả hai tác giả đều là “người của miền Trung” – không chỉ về địa lý, mà còn về tinh thần. Trong Hồ Tấn Vũ có sự nối dài của giọng văn xứ Quảng – trầm mặc, suy tư, giàu ký ức và nhất là thân phận con người trong sương mù ký ức.
Trong Lê Phi, dễ nhận ra mạch ngầm văn học xứ Nghệ với truyền thống phản tỉnh, ý thức về bản ngã và khát vọng đổi thay. Phi không bi lụy mà luôn để nhân vật có lựa chọn, dù là lựa chọn đi ngược. Ngôn ngữ của Phi giản dị, thô ráp, nhưng luôn có một chỗ mềm – đó là niềm tin lặng lẽ vào con người.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ho-tan-vu-le-phi-tu-vung-suong-phu-den-chuyen-di-nguoc-post802612.html
Bình luận (0)