Khi nông dân làm chủ công nghệ
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hảo Anh chuyên trồng, chế biến giống gạo Séng Cù là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại tỉnh Lào Cai. Từ diện tích 20,5ha ban đầu đến nay, HTX đã sở hữu hàng trăm héc-ta với tổng doanh thu đạt hơn 9 tỷ đồng (năm 2024).
Chỉ riêng giống gạo Séng Cù, HTX đã liên kết với 63 hộ nông dân, canh tác 387ha áp dụng khoa học kỹ thuật từ việc chọn, bảo vệ giống đến việc thuê kỹ sư theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật làm đất, nước và bón phân đúng định lượng và thời vụ cho nên sản lượng, chất lượng gạo Séng Cù được nâng cao. Đồng thời, HTX đã đầu tư 4,5 tỷ đồng mua máy móc gặt hái, bảo quản và chế biến, đóng gói bao bì sản phẩm.
Giám đốc HTX nông nghiệp Hảo Anh, bà Phạm Thị Hảo cho biết, sau khi xây dựng thành công thương hiệu gạo Séng Cù, HTX luôn duy trì công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm, hướng dẫn bà con vùng trồng nguyên liệu áp dụng kỹ thuật sản xuất an toàn, dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình. Định kỳ lấy mẫu sản phẩm phân tích, bảo đảm đủ điều kiện sử dụng mới đưa sản phẩm ra thị trường.
Lựa chọn phát triển đặc sản địa phương, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng là lựa chọn của HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Kim Bình, tỉnh Tuyên Quang.
Theo Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, bà Đặng Thị Sính, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất từ 43.000 sản phẩm được bán ra thị trường năm 2021 đến nay đã có hơn 100.000 sản phẩm của HTX được bán ra thị trường. Từ thương hiệu trà túi lọc và các loại nông sản (chuối sấy, ngô sấy, đậu đen sấy), đến nay, nhiều sản phẩm của HTX đã được xuất khẩu sang Thái Lan và Vương quốc Anh.
Để ổn định sản xuất, HTX luôn tìm những hướng sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho thành viên và bà con địa phương. Bước đầu đã hình thành liên kết vùng trồng đậu đen xanh lòng với 55 hộ dân tộc H’Mông tại thôn Khuôn Làn, xã Tri Phú với tổng diện tích là 59ha/năm, cho thu nhập bình quân 180 triệu đồng/ha/năm (cao hơn các cây trồng khác từ 10-15 triệu đồng/ha).
Chị Phạm Thị Hồng, xã viên HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát chia sẻ, nhờ tham gia liên kết, chủ động áp dụng kỹ thuật sản xuất rải vụ và chọn lọc các loại giống mới phù hợp cho nên thu nhập của mỗi xã viên đạt khoảng 100-150 triệu đồng/năm.
Để sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc HTX không ngừng nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc, thiết bị, theo hướng từng bước chuyển từ thủ công sang máy móc điều khiển tự động, giúp người dân yên tâm sản xuất và có thu nhập ổn định.
Tạo bứt phá cho kinh tế nông thôn
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động đẩy mạnh mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, coi đây là đòn bẩy trong phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chính là tiền đề để các HTX tích tụ ruộng đất, tổ chức liên kết, hình thành các khu sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu lớn, tạo ra sản phẩm theo đúng quy trình chất lượng với khối lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường, khắc phục những nhược điểm của mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún.
Tuy nhiên, để đạt được thành công lâu dài, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các địa phương cần tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cải thiện hạ tầng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Khi đó, nông nghiệp có thể trở thành nền tảng kinh tế vững chắc cho sự phát triển bền vững của nông thôn Việt Nam.
Sự đồng hành của chính quyền, chung tay của doanh nghiệp đang mở ra những cơ hội mới cho các HTX nông nghiệp trong vai trò thúc đẩy kinh tế nông thôn.
Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Hảo Anh, bà Phạm Thị Hảo: Để sản phẩm của HTX vươn ra thị trường trong nước, quốc tế thì việc ứng dụng công nghệ luôn được ưu tiên trong chiến lược phát triển. Trong đó, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý khách hàng, quản lý bán hàng, nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát, tem truy xuất nguồn gốc mã QR gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu... Đến nay, HTX đã góp phần giảm nghèo cho 63 hộ gia đình có liên kết sản xuất với đơn vị, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tại HTX từ ngày 1/1/2024.
Tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiết giảm nhân lực, chi phí sản xuất, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cũng là trái ngọt mà HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, tỉnh Tuyên Quang đang thụ hưởng. Nhờ đi đúng hướng nên đời sống kinh tế của các thành viên, các hộ dân liên kết sản xuất khởi sắc.
Theo Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, Đặng Thị Sính để ổn định kinh tế cho thành viên, HTX chủ trương ứng dụng công nghệ chế biến sâu, tạo thế mạnh riêng cho sản phẩm trên thị trường. Đây cũng sẽ là kế hoạch dài hơi của HTX.
Tìm hướng đi riêng trong phát huy thế mạnh của địa phương thông qua sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật đang là hướng đi mới, hiệu quả được nhiều địa phương trên cả nước thực hiện trong đó có các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là lợi thế để giảm khoảng cách chênh lệch về kinh tế giữa các vùng miền, từng bước hoàn thành mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo bền vững và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/hieu-qua-tu-san-xuat-nong-nghiep-cong-nghe-cao-3365112.html
Bình luận (0)