Việc xóa bỏ cấp chính quyền trung gian (cấp huyện), trao quyền trực tiếp cho HĐND xã và UBND xã không chỉ nhằm tinh giản tổ chức, mà còn để trao quyền giám sát, lập pháp và điều hành về gần dân hơn bao giờ hết. Trong khi trước đây, nhiều quyết định về dân sinh phải qua nhiều tầng lớp trung gian, nay sẽ được xử lý ngay tại địa bàn dân cư - với sự tham gia trực tiếp của đại diện dân cử cấp xã.
Điều này mở ra cơ hội lớn cho việc xây dựng một nền dân chủ thực chất hơn nữa tại cơ sở - nơi quyền lực nhà nước gắn với cuộc sống thường nhật của người dân. Dân chủ không còn là khẩu hiệu xa vời, mà trở thành hiện thực sống động - với những cuộc họp dân, hội đồng nhân dân gần gũi, chính quyền thân thiện và những người đứng đầu sẵn sàng lắng nghe và chịu trách nhiệm.
Để làm được điều đó, Quảng Ninh triển khai mô hình chính quyền 2 cấp mới đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng chính quyền địa phương liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, quản trị phát triển bền vững địa phương dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo xuyên suốt. Đây là yếu tố quan trọng góp phần tạo hành lang hành chính thông suốt, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời mở ra động lực mới để các địa phương phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Quán triệt tinh thần này, ngay trong ngày đầu tiên, dù có sự thay đổi về tổ chức bộ máy, công tác chỉ đạo, điều hành ở 54 xã, phường, đặc khu của tỉnh vẫn được thực hiện thông suốt. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhanh chóng ổn định tâm thế, làm quen với môi trường mới, bắt tay ngay vào công việc theo sự phân công cụ thể và thể hiện tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm, hướng dẫn người dân tận tình để quy trình xử lý thủ tục được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi.
Các Trung tâm Phục vụ hành chính công hoạt động thuận lợi, thông suốt. Đã bố trí bổ sung lực lượng đoàn viên thanh niên, nhân viên của FPT, nhân viên của Văn phòng đăng ký đất đai, nhân viên Bưu điện có mặt tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, xã, phường, đặc khu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ TTHC. Trong đó, FPT bố trí mỗi phường/xã 1 nhân viên kỹ thuật, Bưu điện bố trí từ 1 nhân viên.
Tính đến 17h00 ngày 1/7/2025, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, xã, phường, đặc khu tiếp nhận là 1.682 hồ sơ TTHC. Trong đó, hồ sơ trực tiếp: 1.565, hồ sơ trực tuyến: 117.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC mới của tỉnh Quảng Ninh kết nối, hoạt động thông suốt với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, có một số lỗi nhỏ phát sinh nhưng đã được khắc phục ngay.
Để đảm bảo việc tiếp nhận TTHC cho người dân diễn ra thông suốt, chính quyền cấp xã ở Quảng Ninh đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị; đồng thời, việc phân công, bố trí và tập huấn cho cán, bộ, công chức cũng đã được triển khai từ trước. Nhờ vậy, trong ngày đầu tiên làm việc, các hoạt động diễn ra khá thuận lợi. Các địa phương đã thể hiện sự chủ động, linh hoạt trong vận hành, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức lại chính quyền cơ sở.
Việc đi vào hoạt động hiệu quả của chính quyền địa phương 2 cấp ở Quảng Ninh là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình tích cực trong cải cách hành chính, từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và phục vụ người dân tốt hơn.
Với những nhiệm vụ mới của chính quyền cấp xã, Quảng Ninh yêu cầu các xã, phường, đặc khu phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy cơ sở trong bối cảnh địa bàn mở rộng, dân cư đa dạng, yêu cầu quản trị cao hơn. Trong đó, cấp ủy phải nắm chắc địa bàn, chủ động rà soát các vấn đề dư luận, tâm lý cán bộ và nhân dân sau sáp nhập. Từ đó đề ra các giải pháp thực chất, phù hợp, nhất là ở những nơi có sự khác biệt về điều kiện phát triển và tập quán sinh hoạt. Từng đồng chí bí thư, chủ tịch cấp xã phải thể hiện rõ vai trò trung tâm lãnh đạo, giữ gìn kỷ luật hành chính nhưng đồng thời phải là người “nối dài” sự gắn bó giữa Đảng, chính quyền với dân. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại định kỳ với các khu dân cư, nhất là ở vùng sáp nhập, để kịp thời điều hòa những vướng mắc phát sinh. Cán bộ cấp xã trong mô hình mới phải thay đổi tư duy, tác phong và kỹ năng, thích ứng nhanh với công nghệ, xử lý công việc hiệu quả trong bối cảnh dân số đông hơn, địa bàn mở rộng hơn và yêu cầu quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Qua đó, nỗ lực vươn tới mục tiêu trở thành hình mẫu trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hiện đại, gần dân, sát dân và vì dân.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/hieu-qua-trong-van-hanh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-3364909.html
Bình luận (0)