
Nghị quyết số 226/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng được Quốc hội thông qua ngày 27/6 quy định 6 nhóm chính sách với 41 chính sách trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính - ngân sách, quy hoạch, đất đai…Trong đó cơ chế, chính sách đặc thù quản lý đầu tư tập trung xử lý “điểm nghẽn” về thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư phát triển cảng biển, từ đó giúp thành phố có cơ hội khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về cảng biển, logistics…, tạo ra mô hình phát triển đột phá, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước.
Giảm thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư
Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 226 quy định: UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển Hải Phòng; chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển Hải Phòng trước ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án (quy định tại khoản này) được thực hiện theo trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư áp dụng đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Ngọc Tú, việc Trung ương phân cấp cho UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án có quy mô thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ có thể giúp rút ngắn thời gian thẩm định và phê duyệt từ 6 - 12 tháng xuống còn 3 - 4 tháng, giảm khoảng 50 - 70% thời gian so với quy trình thông thường khi phải trình cấp trung ương. Bởi, theo quy định hiện hành, đối với các dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên, hồ sơ phải trải qua nhiều bước thủ tục phức tạp, bao gồm: UBND thành phố tiếp nhận hồ sơ, tổng hợp và gửi báo cáo đề xuất lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính); Bộ xem xét, thẩm định, lấy ý kiến các bộ ngành liên quan; Thủ tướng Chính phủ xem xét, ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Quá trình này mất từ 6 tháng đến hơn 1 năm, tùy vào mức độ phức tạp của dự án và thời gian xử lý các phần việc tại các bộ, ngành.
Khi phân cấp về UBND thành phố, số bước thủ tục có thể giảm từ 3 bước xuống còn 1 - 2 bước. Cụ thể: UBND thành phố tiếp nhận hồ sơ; UBND thành phố xem xét, tổ chức họp thẩm định và ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, không cần trình lên cấp trung ương. Như vậy, số bước thủ tục giảm từ 3 bước xuống còn 2 bước, tiết kiệm ít nhất 3 - 8 tháng xử lý hồ sơ, đồng thời giảm tình trạng hồ sơ phải luân chuyển qua nhiều cơ quan trung ương gây chậm trễ. Điều này giúp môi trường đầu tư kinh doanh trở nên thông thoáng hơn, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về cảng biển
Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Cảng Hải Phòng được quy hoạch và xếp loại là cảng biển đặc biệt trong quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, có vai trò quan trọng, là cửa ngõ ra biển của cả khu vực miền Bắc. Giai đoạn 2021 - 2024, tổng sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng trên địa bàn thành phố Hải Phòng đạt 678,28 triệu tấn. Riêng năm 2024 sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng trên địa bàn thành phố đạt khoảng 170,08 triệu tấn, doanh thu đạt khoảng 6.700,5 tỷ đồng. Tuy có những bước tiến rõ rệt, cảng biển Hải Phòng chưa phát triển như kỳ vọng do hạ tầng chưa đồng bộ, giao thông kết nối…
Tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 16/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Cảng biển Hải Phòng đến năm 2030 được xác định có hàng hóa thông qua từ 175,4 triệu tấn đến 215,5 triệu tấn, trong đó hàng container từ 12,15 triệu đến 14,92 triệu TEU (chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế); hành khách từ 20,4 nghìn lượt khách đến 22,8 nghìn lượt khách… Đồng thời, quy mô các khu bến cảng thuộc Cảng biển Hải Phòng được quy hoạch đến năm 2030 có từ 61 - 73 bến cảng, tương ứng với 98 đến 111 cầu cảng, có tổng chiều dài từ 20 đến 23,4 km…
Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều dự án cần được tập trung với nguồn vốn lớn. Theo ước tính, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 78.028 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 11.950 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 66.078 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa)…
Do đó, cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đầu tư trong lĩnh vực cảng biển sẽ góp phần giúp thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa hạ tầng giao thông, phát triển hệ thống logistics, nâng cao năng lực vận tải của thành phố, tạo tiền đề để Hải Phòng nhanh chóng trở thành trung tâm cảng biển hiện đại, cửa ngõ quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, cùng với các cơ chế, chính sách đặc thù khác sẽ giúp thành phố có cơ hội khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế như cảng biển, logistics, công nghiệp, tạo ra mô hình phát triển đột phá, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước.
HÀ MINHNguồn: https://baohaiphongplus.vn/hai-phong-thu-hut-dau-tu-va-phat-trien-cang-bien-415902.html
Bình luận (0)