Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gỡ khó cho hàng xuất ngoại

- Lạng Sơn là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm nông, lâm sản. Để khai thác tối đa các lợi thế, những năm qua, các sở ngành, đơn vị liên quan đã triển khai đa dạng các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng địa phương chủ lực. Tuy nhiên với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là sản phẩm thô… nên kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng địa phương chưa thực sự ổn định, thiếu tính bền vững.

Báo Lạng SơnBáo Lạng Sơn08/07/2025

Công nhân Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đại Đồng đóng gói sản phẩm thạch đen khô chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc

Công nhân Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đại Đồng đóng gói sản phẩm thạch đen khô chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 nhấn mạnh, từ năm 2020 đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu hàng địa phương tăng bình quân 8-9%. Để hoàn thành đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ giải pháp thúc đẩy XK hàng địa phương. 

Theo đánh giá của Sở Công Thương, từ năm 2020 đến hết năm 2024, bình quân mỗi năm, kim ngạch XK hàng địa phương đều tăng từ 8 đến 9%. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch XK hàng địa phương đạt 74 triệu USD, đạt 40,4% so với kế hoạch năm 2025, chỉ tương đương so với cùng kỳ năm 2024. 

Ông Trần Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Thái Bình cho biết: Hiện nay công ty có trên 20 ha chè. Ngoài ra, công ty còn liên kết sản xuất khoảng 170 ha chè với người dân. Những năm qua, đơn vị chủ yếu XK chè sang thị trường một số nước như: Đài Loan, Nga… Từ đầu năm 2025 đến nay, hạn hán kéo dài đã làm nhiều diện tích chè bị chết, dẫn đến sản lượng chè giảm mạnh. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng chè thu hoạch của công ty đạt khoảng 200 tấn chè tươi, giảm 70% so với cùng kỳ. Điều này cũng gây ảnh hưởng lớn đến các đơn hàng XK của công ty.

Không chỉ riêng sản phẩm chè, sản lượng XK sản phẩm gỗ các loại cũng giảm mạnh. Ông Hoàng Minh Phúc, Chủ tịch UBND xã Tuấn Sơn (xã có số lượng lớn cơ sở chế biến gỗ) cho biết: Toàn xã hiện có trên 5.000 ha gỗ rừng trồng; sản lượng khai thác đạt trên 14.000 m3 gỗ/năm. Những năm qua, trên địa bàn xã phát triển mạnh chế biến gỗ, toàn xã hiện có 35 cơ sở, doanh nghiệp. Khoảng 2 tháng trở lại đây, thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ gỗ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do hầu hết các cơ sở sản xuất ván bóc có quy mô nhỏ, hoạt động theo thời vụ; thị trường tiêu thụ bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp thu mua XK sang Trung Quốc nên khi doanh nghiệp phía Trung Quốc giảm sản lượng nhập khẩu đã tác động trực tiếp, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các cơ sở chế biến.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân khiến kim ngạch XK hàng địa phương 6 tháng đầu năm 2025 chững lại là do các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng địa phương chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa; còn thiếu sự đầu tư về quy mô, dây chuyền, thiết bị sản xuất; các sản phẩm hàng địa phương chủ yếu vẫn XK ở dạng thô, chưa đầu tư chế biến sâu… Trong khi đó, thị trường các nước ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, cùng đó là sự cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2025 đến nay, các nước, nhất là Trung Quốc có sự thay đổi liên tục về cơ chế, chính sách quản lý thương mại biên giới đã tác động không nhỏ đến XK. Ngoài ra, thời tiết hạn hán kéo dài thời điểm đầu năm cũng làm giảm năng suất, sản lượng sản phẩm nông, lâm sản chủ lực của tỉnh.

Để thúc đẩy XK hàng địa phương, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt mục tiêu năm 2025, các sở, ngành, nòng cốt là Sở Công Thương đã phối hợp triển khai các giải pháp. Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Kim ngạch XK hàng địa phương là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm, kim ngạch XK các mặt hàng địa phương không ghi nhận sự tăng trưởng. Trước thực trạng đó, sở đã đánh giá, phân tích nguyên nhân để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Theo đó, hiện sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc thương mại; tăng cường quảng bá, giới thiệu và kết nối thị trường tiêu thụ. Đồng thời, sở tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm; chủ động tìm hiểu về cơ chế, chính sách của các thị trường tiềm năng, đặc biệt trọng bối cảnh các nước trên thế giới có nhiều biến động, thay đổi về chính sách thuế quan, nhập khẩu…

Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của các sở ngành, sự chủ động của doanh nghiệp, kim ngạch XK hành địa phương sẽ có bước tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, để việc XK các mặt hàng chủ lực của tỉnh được bền vững, ổn định, thiết nghĩ các sở ngành liên quan cần nghiên cứu đánh giá đầy đủ về cơ hội, thách thức, tiềm năng và điều kiện phát triển sản xuất, XK nông, lâm sản của tỉnh trong bối cảnh mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các chuỗi cung ứng, xúc tiến và đa dạng hoá các phương thức, thị trường XK.


Nguồn: https://baolangson.vn/de-hang-dia-phuong-vung-vang-xuat-ngoai-5052072.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm