Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giải pháp xử lý chất thải cà phê

Sơn La được biết đến là thủ phủ cà phê Arabica của Việt Nam, với hơn 21.400 ha, sản lượng khoảng 400.000 tấn quả/năm. Cùng với hiệu quả kinh tế mang lại, câu chuyện xử lý chất thải trong quá trình sơ chế quả cà phê là mối quan tâm của các cấp, ngành, địa phương.

Báo Sơn LaBáo Sơn La02/07/2025

Các HTX, nhân dân tham quan mô hình ủ phân bón hữu cơ từ vỏ cà phê tại HTX Thái Việt, xã Chiềng Ban.

Hướng tới phát triển cà phê bền vững, năm 2024, với sự hỗ trợ của Liên minh Học tập Nông sinh thái ở Đông Nam Á (ALiSEA), Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc đã phối hợp triển khai Dự án “Giải pháp xử lý chất thải cà phê - Tích hợp các mô hình bền vững để quản lý nước thải và phụ phẩm vào chính sách môi trường địa phương” tại xã Chiềng Ban. Dự án có 2 nội dung chính: Thiết lập mô hình xử lý nước thải sau chế biến cà phê và mô hình ủ vỏ cà phê thành phân hữu cơ vi sinh. Sau gần 2 năm triển khai, tạo chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình thực tế chế biến cà phê tại địa phương.

Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn gia đình ông Tòng Văn Liến, thành viên HTX Thái Việt, tham gia dự án, hỗ trợ gia đình hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải gồm 3 bể lót bạt HDPE, tổng diện tích 716 m². Trong đó, bể thứ nhất để tách vỏ cà phê, rửa hạt và chứa nước thải; bể thứ hai là bể kỵ khí, sử dụng men vi sinh, giảm nồng độ các chất ô nhiễm; bể thứ ba là bể hiếu khí, lưu giữ và tiếp tục xử lý nước trước khi xả thải hoặc tái sử dụng.

Qua triển khai thực tế tại gia đình ông Tòng Văn Liến, quy trình có khả năng xử lý 100 m³ nước thải, tương ứng với chế biến 100 tấn cà phê tươi, với chi phí đầu tư chưa đến 30 triệu đồng. Sau 60 ngày xử lý kị khí và 21 ngày hiếu khí, các chỉ số COD, BOD5, TSS đều giảm mạnh, đạt mức an toàn với môi trường; coliforms trong nước giảm xuống dưới 110 MPN/100ml, đáp ứng tốt tiêu chuẩn sử dụng cho cây trồng công nghiệp. Đặc biệt, dự án có tính khả thi cao đối với các hộ sản xuất quy mô nhỏ, sử dụng men thứ cấp tự ủ, giúp giảm đáng kể chi phí vận hành.

Nhóm thực hiện dự án hướng dẫn thành viên HTX Thái Việt, xã Chiềng Ban ủ phân bón hữu cơ từ vỏ cà phê.

Song song với xử lý nước thải, dự án còn triển khai mô hình ủ vỏ quả cà phê bằng nấm Trichoderma và chế phẩm vi sinh. Ông Tòng Văn Liến chia sẻ: Trước đây, gia đình sử dụng phân bón vô cơ cho vườn cà phê và cây ăn quả, cây hay bị vàng lá, phát triển không bền, chi phí cao. Từ khi được hỗ trợ, hướng dẫn ủ vỏ quả cà phê thành phân bón lại cho cây, cà phê phát triển xanh tốt, bền vững. Ngoài ra, loại phân này có thể bón cho tất cả các loại cây trồng khác, nhất là cây cam canh. Hiện nay, ngoài phụ phẩm sau chế biến cà phê của gia đình, tôi còn mua thêm của những gia đình khác trong xã, vừa giảm chi phí vừa bảo vệ môi trường.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình của gia đình ông Tòng Văn Liến, cùng với sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc, ông Lò Văn Nghĩa, bản Củ 2, xã Chiềng Ban, cũng đã áp dụng các bước xử lý phụ phẩm trong sơ chế cà phê bằng vi sinh. Ông Nghĩa cho biết: Mỗi năm, gia đình sơ chế từ 1.000 - 2.000 tấn quả cà phê, lượng vỏ quả rất lớn. Qua tập huấn và được tham quan trực tiếp mô hình ở gia đình ông Liến, tôi đã tận dụng vỏ quả cà phê ủ làm phân hữu cơ vi sinh, còn nước thải được xử lý bằng men vi sinh, tái sử dụng tưới cho cây trồng. Sau thời gian theo dõi, thấy cây phát triển xanh hơn, giảm được 50% chi phí mua phân bón cho 3 ha cây trồng so với trước đây.

Nước thải trong quá trình sơ chế cà phê sau khi xử lý được tái sử dụng tưới cho cây trồng.

Bà Bùi Thị Hà, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc, cho biết: Đối với mô hình xử lý nước thải theo quy mô nông hộ, sau khi xử lý nước thải không còn mùi hôi thối, người dân có thể tái sử dụng để tưới cho cây trồng. Sau khi mô hình thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng đến các vùng lân cận có diện tích cà phê lớn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sau mỗi vụ thu hoạch và chế biến cà phê.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng cao về phát triển nông nghiệp xanh, mô hình xử lý chất thải cà phê ở xã Chiềng Ban bước đầu cho thấy sự phù hợp, mở ra một hướng đi mới cho ngành cà phê Sơn La, xanh hơn, sạch hơn và bền vững hơn.

Nguồn: https://baosonla.vn/xa-hoi/giai-phap-xu-ly-chat-thai-ca-phe-R2SviSyNR.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm