Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đột phá đào tạo với liên trường, liên ngành

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2025, nhiều trường đại học mở các chương trình đào tạo tích hợp đa lĩnh vực và công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường lao động trong kỷ nguyên 4.0.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại08/07/2025

Tận dụng thế mạnh

Từ đầu năm 2025 đến nay, Đại học Quốc gia TPHCM mở 3 ngành liên trường (Công nghệ nông nghiệp số, Kinh doanh nông nghiệp số, Kinh tế đất đai), do các trường thành viên phối hợp triển khai.

Ngành Kinh doanh nông nghiệp số do Trường Đại học An Giang chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật triển khai, kéo dài 4 năm, gồm 136 tín chỉ. Trường Đại học Kinh tế - Luật phụ trách 31 tín chỉ (chiếm 22,8%), tập trung đào tạo về quản trị, thương mại hóa và kinh doanh nông sản trên nền tảng công nghệ số. Sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận bằng Cử nhân Kinh doanh nông nghiệp số, có thể làm việc tại các cơ quan quản lý, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức tư vấn hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp số hóa.

Bên cạnh ngành Kinh doanh nông nghiệp số, Đại học Quốc gia TPHCM còn triển khai ngành Công nghệ nông nghiệp số theo mô hình liên trường giữa Trường Đại học An Giang và Trường Đại học Công nghệ Thông tin. Ngành này có thời gian đào tạo 4 năm, gồm 136 tín chỉ, được thiết kế phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các chuẩn mực đào tạo hiện hành.

Trong chương trình này, Trường Đại học Công nghệ Thông tin đảm nhận khoảng 20% tổng khối lượng học phần, tập trung vào các môn học về kỹ thuật số, lập trình, trí tuệ nhân tạo, cảm biến và dữ liệu nông nghiệp. Việc kết hợp giữa chuyên môn nông nghiệp và công nghệ thông tin nhằm giúp sinh viên có khả năng ứng dụng các công nghệ hiện đại như IoT, AI, dữ liệu lớn vào sản xuất nông nghiệp thông minh.

Sau khi hoàn thành chương trình, sinh viên được cấp bằng Cử nhân Công nghệ nông nghiệp số, có thể làm việc trong các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức nghiên cứu, cơ quan quản lý nông nghiệp hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp.

Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, Đại học Quốc gia TPHCM tiên phong mở ngành Kinh tế đất đai, một chương trình liên trường do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức đào tạo.

Chương trình bao gồm các học phần thuộc nhóm ngành Quản lý đất đai, Bất động sản, Kinh tế, cùng một số môn học chuyên biệt được thiết kế riêng cho lĩnh vực kinh tế đất đai. Mục tiêu chương trình là đào tạo ra đội ngũ cử nhân có thể làm việc hiệu quả trong các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng, công ty tư vấn quy hoạch, hoặc khởi nghiệp các mô hình đổi mới trong lĩnh vực đất đai và tài nguyên.

Tính đến nay, Đại học Quốc gia TPHCM đã triển khai 4 chương trình đào tạo liên ngành. Trước đó, chương trình Kinh doanh thương mại Hàn Quốc ra đời năm 2024, do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Kinh tế - Luật phối hợp giảng dạy, được triển khai khá thành công.

ThS Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM), nhận định việc phát triển các ngành đào tạo liên trường mang lại hai lợi ích rõ rệt.

Thứ nhất, đây là cách tận dụng hiệu quả thế mạnh chuyên môn từng đơn vị thành viên trong hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM. Chẳng hạn, Trường Đại học An Giang có lợi thế trong đào tạo nông nghiệp, trong khi Trường Đại học Kinh tế - Luật nổi bật về các lĩnh vực kinh doanh, quản trị và pháp lý. Khi kết hợp lại, các trường không chỉ phát huy được chuyên môn sâu, mà còn xây dựng nên những chương trình đào tạo tích hợp có chiều sâu, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Thứ hai, những ngành liên ngành như Kinh doanh nông nghiệp số, Kinh tế đất đai giúp sinh viên phát triển tư duy tích hợp và kỹ năng đa lĩnh vực, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số và xu thế hội nhập toàn cầu.

Trong bối cảnh thị trường lao động đang chuyển dịch nhanh chóng theo hướng công nghệ hóa và tích hợp đa ngành, các ngành học mới mang tính liên trường, liên ngành chính là lời giải cho yêu cầu phát triển nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng thích ứng với thời đại mới. “Đây là hướng đi tất yếu nếu chúng ta muốn đào tạo ra những công dân toàn cầu, có năng lực giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và toàn diện trong kỷ nguyên số”, ThS Cù Xuân Tiến nhấn mạnh.

dot-pha-voi-lien-truong-lien-nganh-2.jpg
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực năm 2025 tại TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Xóa ranh giới giữa các ngành học

Theo các chuyên gia giáo dục, trong bối cảnh kỷ nguyên số 4.0 và siêu thông minh 5.0, ranh giới giữa các ngành học dần xóa nhòa, đòi hỏi người học phải có kiến thức chuyên sâu kết hợp tri thức đa lĩnh vực để giải quyết vấn đề toàn diện. Nắm bắt xu thế này, hàng loạt trường đại học xây dựng các chương trình đào tạo liên ngành và xuyên ngành, đặc biệt chú trọng gắn kết chuyên môn với công nghệ.

Tại Đại học Kinh tế TPHCM, các chương trình đào tạo mới được thiết kế với sự hòa quyện giữa chuyên môn truyền thống và công nghệ hiện đại. Sinh viên không chỉ học kinh tế, quản trị hay truyền thông đơn thuần, mà còn được tiếp cận công nghệ trong từng lĩnh vực.

Các chương trình nổi bật như Fintech (Tài chính - Công nghệ), Martech (Marketing - Công nghệ), Logtech (Logistics - Công nghệ), Biztech (Kinh doanh - Công nghệ), Kiến trúc và Đô thị thông minh, Data Analytics, Robot và Trí tuệ nhân tạo… không chỉ phản ánh xu thế, mà còn mở ra cơ hội nghề nghiệp đa dạng trong thị trường lao động số.

Một hướng tiếp cận thú vị khác đến từ Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) với sự kết hợp ngành truyền thống, có thế mạnh của trường là Công nghệ thực phẩm với lĩnh vực quản trị, kinh tế. Chẳng hạn, Quản trị Kinh doanh Thực phẩm là ngành học giao thoa giữa khoa học thực phẩm, công nghệ chế biến và tư duy kinh doanh hiện đại.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy - giảng viên Khoa Công nghệ Thực phẩm (HUIT) cho biết về ngành này: “Chúng tôi đào tạo những nhà quản trị hiểu rõ quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng, đồng thời nắm bắt xu hướng như thực phẩm xanh, thực phẩm thông minh và tiêu dùng bền vững”.

Chương trình học được xây dựng theo chuẩn quốc tế (Hoa Kỳ, Canada, Anh, Singapore), tích hợp các học phần về luật thực phẩm, logistics, phát triển sản phẩm, cùng khả năng sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Trong hệ thống ngành đào tạo của HUIT, Công nghệ chế biến thủy sản cũng là ví dụ khác về liên ngành. Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (HUIT), ngành này nằm trong Khoa Công nghệ Thực phẩm cùng các ngành Công nghệ thực phẩm, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Quản trị kinh doanh thực phẩm.

Ngành Công nghệ chế biến thủy sản có thể xem là sự kết hợp giữa kiến thức công nghệ thực phẩm và chế biến thủy sản. Ngành này yêu cầu nhân lực có kỹ năng cao, tư duy đổi mới, sẵn sàng ứng dụng công nghệ vào quy trình chế biến, bảo quản và vận chuyển, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Theo các chuyên gia, với chương trình liên ngành tại các trường đại học, tỷ lệ giữa kiến thức nền tảng và chuyên sâu được cân đối khoa học (30% - 70%), đồng thời chú trọng kỹ năng ứng dụng công nghệ. Không chỉ đào tạo để có việc làm, các chương trình hướng đến hình thành tư duy giải quyết vấn đề toàn diện cho người học.

Trần Bảo Long - cựu sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh Thực phẩm, Trường Đại học Công Thương TPHCM, hiện làm việc tại chuỗi thực phẩm sạch, chia sẻ hiệu quả của mô hình đào tạo liên ngành: “Trước kia tôi nghĩ học ngành này để buôn bán thực phẩm. Nhưng càng học, tôi nhận ra mình đang tham gia vào hệ sinh thái kết nối sản phẩm, người tiêu dùng và giá trị sống xanh. Kiến thức về chuỗi cung ứng và luật thực phẩm giúp mình tự tin làm việc với các đối tác lớn”.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dot-pha-dao-tao-voi-lien-truong-lien-nganh-post738830.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm