Đồng Thuận có bờ biển dài và đẹp - Ảnh: H.Tr
Sự kết hợp hài hòa
Phường Đồng Thuận được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Bắc Lý, xã Lộc Ninh và xã Quang Phú (TP. Đồng Hới cũ). Sau khi sáp nhập, phường có diện tích 26,49km2, dân số 38.521 người, sinh sống tại 31 tổ dân phố. Trụ sở HĐND, UBND đặt tại trụ sở phường Bắc Lý cũ; Đảng ủy, Mặt trận và các đoàn thể đặt tại trụ sở xã Quang Phú cũ.
Theo phương án sắp xếp bộ máy cấp xã của TP. Đồng Hới cũ, tên gọi “phường Đồng Thuận” được ghép bởi chữ “Đồng” trong “Đồng Hới” tên của TP. Đồng Hới cũ và chữ “Thuận” trong “Thuận Lý” tên gọi của một làng thuộc xã Hưng Ninh trước đây. Xã Hưng Ninh sau đó được tách thành 2 xã Lộc Ninh (Lộc Ninh, Quang Phú) và Lý Ninh (Nam Lý, Bắc Lý).
Mặt khác “Đồng Thuận” cũng chỉ sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quyết tâm xây dựng, phát triển quê hương giàu đẹp của Đảng bộ và Nhân dân phường sau khi được sáp nhập.
Phường Bắc Lý, xã Lộc Ninh và xã Quang Phú (cũ) có vị trí liền kề, giáp ranh nhau; có yếu tố đặc thù và cùng có chung đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa; phong tục tập quán sinh hoạt của người dân tương đồng; có hệ thống giao thông thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội và giao dịch của người dân; bảo đảm sự cân đối về quy mô giữa các đơn vị hành chính sau sắp xếp, phù hợp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
“Từ lợi thế riêng có của mỗi địa phương, sau khi sáp nhập, Đồng Thuận trở thành địa phương hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, trở thành động lực, điều kiện để phát triển kinh tế đa dạng, từ nông, lâm, ngư nghiệp đến du lịch dịch vụ, khai thác thủy hải sản và hậu cần nghề cá...”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nguyễn Văn Cội cho hay.
“Thời gian tới, cùng với phát triển kinh tế, Đồng Thuận tiếp tục thực hiện công tác tổ chức bộ máy, chính quyền địa phương; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và việc ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số theo quy định; duy trì phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; tiếp tục xây dựng và phát triển phường đạt chuẩn quốc gia về y tế... Đặc biệt, phường tiếp tục nghiên cứu, mở rộng, hoàn thiện cơ sở vật chất đối với Trung tâm Phục vụ hành chính công phường phù hợp với quy mô về diện tích, dân số sau khi sáp nhập như hiện nay”, Chủ tịch UBND phường Đồng Thuận Nguyễn Hữu Đắc nhấn mạnh. |
Động lực phát triển
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND phường Đồng Thuận Nguyễn Hữu Đắc cho biết, sau hơn nửa tháng đi vào hoạt động, đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã làm quen và bắt tay thực hiện các công việc mới. Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường đã tiếp nhận để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Nghề biển và hậu cần nghề biển mang lại nguồn thu và cơ bản bảo đảm cuộc sống của người dân - Ảnh: H.Tr
Hiện nay, cùng với việc tiếp tục thực hiện công tác tổ chức, ổn định bộ máy chính quyền địa phương, phường cũng nỗ lực tuyên truyền, vận động, định hướng và tạo điều kiện để người dân mở rộng quy mô sản xuất phù hợp với tiềm năng, lợi thế; có sự kết hợp, giao thoa để phát triển kinh tế, xây dựng phường mới ngày càng ổn định, giàu mạnh, nâng cao hơn đời sống Nhân dân.
Trong đó, Lộc Ninh cũ ngoài sản xuất nông nghiệp, nơi đây còn có nguồn đất đai khá dồi dào, người dân phát triển kinh tế với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Tận dụng có cảng hàng không, các dịch vụ buôn bán cũng được mở rộng. Người dân có điều kiện đầu tư các nhà hàng, quán ăn, kinh doanh nhà nghỉ. Nhờ đó, kinh tế thương mại, dịch vụ chiếm hơn 77% tỷ trọng nền kinh tế, trở thành thế mạnh địa phương.
Nhắc đến Quang Phú cũ, điều ấn tượng của ngôi làng bên chân sóng là địa phương đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của thành phố và của tỉnh Quảng Bình cũ, trở thành một làng quê đáng sống với bờ biển dài và đẹp. Người dân phát triển kinh tế với nghề biển và hậu cần nghề biển, kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Mức thu nhập của người dân đạt trên 75 triệu đồng/người/năm.
Bắc Lý cũ có thế mạnh về dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhiều cơ sở sản xuất tuy nhỏ lẻ nhưng là nguồn thu chính của địa phương. Đây cũng là 1 trong những phường đạt chuẩn văn minh đô thị đầu tiên của thành phố cũ; đời sống người dân so mặt bằng chung đạt khá.
Các địa phương hội tụ của phường Đồng Thuận cũng nổi bật với các sản phẩm OCOP có giá trị độc đáo, đặc sản của mỗi địa bàn. Hiện, Đồng Thuận có 10 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, như: Thịt chim trĩ, trứng chim trĩ, khoai deo, tôm khô... Đặc biệt, các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp số Quảng Bình, gồm: Chả gà nấm hương, ram bò Luyến Huệ và các loại bánh gai, bánh mật được xem là các “mỹ vị” được người tiêu dùng ưa chuộng, đón nhận.
“Với mong muốn quảng bá và bảo tồn các món ăn truyền thống với bạn bè trong và ngoài nước, HTX đã cho ra đời các sản phẩm, như: Ram, chả, bánh gai và mở rộng quy mô sản xuất thêm sản phẩm mới là bánh mật. Bánh mật sản xuất từ gạo nếp, mật mía và đậu xanh; các nguyên liệu dễ tìm kiếm nhưng chế biến khá công phu, tạo nên thứ quà với hương vị khó quên khi thưởng thức.
Đơn vị cũng đầu tư trang thiết bị hiện đại, sản xuất quy mô lớn, chuyên nghiệp, hướng đến chất lượng và tính tiện lợi cho mọi đối tượng khách hàng. “Ram bò Luyến Huệ”, “Chả gà nấm hương Luyến Huệ”, bánh gai, bánh mật... đều là các sản phẩm được sản xuất bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, không sử dụng các chất phụ gia công nghiệp, bảo đảm sức khỏe và làm hài lòng thực khách. Qua đó, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định”, Giám đốc HTX nông nghiệp số Quảng Bình Ngô Thị Huệ chia sẻ.
“Trên cơ sở nền tảng sẵn có và tiềm lực khá dồi dào, cấp ủy, chính quyền và người dân Đồng Thuận sẽ đồng lòng đoàn kết, phát huy nội lực, chung sức xây dựng quê hương ngày thêm tươi đẹp”, Chủ tịch UBND phường Đồng Thuận Nguyễn Hữu Đắc khẳng định.
Hương Trà
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dong-thuan-tiem-nang-va-ky-vong-195839.htm
Bình luận (0)