Ông Lúy (phải) trao đổi tình hình phát triển của cây lúa

Đó là chia sẻ đầy trân trọng của ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất giỏi” xã Phú Vang dành cho lão nông hàng chục năm qua gắn bó trên từng tấc ruộng, vượt qua bao gian khó cùng cây lúa để có những mùa vàng bội thu. “Là nông dân "ròng", ông Nguyễn Lúy được hầu hết cư dân trong thôn quý mến, kính phục bởi tinh thần vượt khó và chung thủy với ruộng đồng. Từ hai bàn tay trắng, ông làm nên tất cả, là tấm gương để người dân trên địa bàn có động lực vươn lên” - ông Nguyễn Văn Toàn khẳng định.

Dưới cái nắng gay gắt là hình dáng rắn rỏi của lão nông đang miệt mài trên cánh đồng. “Ban đầu, tôi theo nghề mộc, đi nhiều tỉnh khác làm nghề, nhưng cảnh xa nhà khổ lắm. Vậy là tôi quyết định trở về quê bắt đầu bươn chải với ruộng” - ông Lúy nở nụ cười mộc mạc, chia sẻ câu chuyện bám đất, bám ruộng suốt mấy chục năm qua.

Ông Lúy về quê làm ruộng từ năm 1995. Lúc đó, nhà có 3 khẩu, ông Lúy được chia 6 sào ruộng. Thời đó là xã Vinh Thái, địa bàn nhiều khó khăn với địa hình nhiều nơi thấp trũng, rất khó cho người làm nông. Những vùng khác trong xã, nông dân vẫn xoay xở sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa, nhưng tại vùng bàu B, bà con chỉ làm được một vụ, gọi là vụ lỡ, thời gian gieo sạ và thu hoạch muộn hơn lịch thời vụ. Thời gian còn lại nước trắng đồng, đất bỏ không.

Tiếc đất, chờ người ta thu hoạch xong vụ lỡ, ông Lúy đến xin làm. Sau khi nhận được sự đồng ý, ông Lũy cùng hai người họ hàng thuê máy múc, khoanh bờ một diện tích trong khả năng sản xuất của mình, miệt mài, bền bỉ gấp bội phần, khắc phục, vượt qua những khó khăn mà người khác phải “đầu hàng”. Những nỗ lực của ông Lúy và hai “đồng nghiệp” đã được đền đáp bằng những vụ lúa chín vàng, khẳng định về sự đột phá: Trên cánh đồng bàu B bao đời qua một vụ là đất hoang nước trắng, nay cả 2 vụ lúa trĩu niềm vui.

Thành công từ 3 năm thử nghiệm, ông Lúy bắt đầu mở rộng diện tích trên cánh đồng bàu B. Nông dân trên địa bàn cũng “theo chân” ông Lúy cùng nhau mở rộng sản xuất, không để đất bàu B lãng phí. Từ khai phá ban đầu của ông Lúy, bây giờ cánh đồng bàu B mênh mông, hai mùa lúa chín, tăng thêm thu nhập bền vững cho nông dân.

Khi phong trào đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp phát triển, ông Lúy bán hết trâu, tập trung đầu tư máy móc: Máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy xới đất, máy bơm…, tổng trị giá hơn 800 triệu đồng, vừa sử dụng trên đồng ruộng gia đình, vừa phục vụ bà con. “Có năm được mùa, tôi thu được lãi ròng từ lúa 500 triệu đồng/2 vụ” - ông Lúy phấn khởi. Đồng thời cho biết thêm, thời gian ông đưa máy gặt đập liên hợp ra tỉnh khác gặt thuê, thu nhập mỗi vụ gặt trừ chi phí còn gần 200 triệu đồng. Kinh tế gia đình nhờ đó ngày càng khá giả.

Bây giờ, tuổi đã gần sáu mươi, nhưng ông Lúy vẫn là lão nông thuộc “top” đầu tại địa phương, là thành viên tích cực của Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất giỏi” một nắng hai sương, canh tác trên 8 ha ruộng. “Tại nhà ông Lúy, giấy khen của các cấp được xếp ngay ngắn, cả chồng cao. Quan trọng hơn, tấm gương và thành quả lao động sản xuất của ông Lúy là động lực để bà con trên địa bàn cố gắng vươn lên” - ông Nguyễn Văn Toàn chia sẻ.       

(*) Sáp nhập từ thị trấn Phú Đa và 2 xã Phú Gia, Vinh Hà

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/dong-luc-tu-guong-nong-dan-san-xuat-kinh-doanh-gioi-155459.html