Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đình và miếu Bà La Bông: Nơi lưu giữ truyền thống dân La Bông

ĐNO - Cụm di tích Đình và miếu Bà La Bông nằm giữa địa phận xã Hòa Tiến, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 16 km về phía Tây - Nam. Cụm di tích này không chỉ nổi bật với bề dày lịch sử, nét đẹp kiến trúc, mà đặc biệt, đây còn là cụm di tích đầu tiên của Đà Nẵng được đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp thành phố, sau khi hoàn thành công tác sắp xếp đơn vị hành chính.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng17/07/2025

dji_0069.mp4.00_00_13_20.still001.png
Di tích Đình La Bông từ trên cao.

Chứng tích lịch sử, giao thoa văn hóa

Làng La Bông hình thành từ thời phong kiến, khoảng thế kỷ 16, do ảnh hưởng của các cuộc di dân từ phía Bắc vào Nam mở rộng bờ cõi. Giống như nhiều nơi khác, sau khi khai canh, lập ấp, ổn định đời sống, người dân lúc bấy giờ xây dựng đình làng để làm nơi sinh hoạt chung, tổ chức các hoạt động, lễ nghi.

Theo các cụ cao niên của làng, đình La Bông được xây dựng vào thời gian với các đình làng như: Túy Loan (Hòa Vang), Thanh Quýt (Quảng Nam cũ), tính đến nay trên 200 năm. Đình La Bông thờ Thần Hoàng Làng (trước đây từng được sắc phong là Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần), Quan Thánh, Bà Ngũ Hành cùng các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, lập làng.

lxd_9785.jpg
Cụm di tích Đình và Miếu Bà La Bông thuộc tổ 3, thôn La Bông, xã Hòa Tiến, thành phố Đà Nẵng, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 16 km về phía Tây - Nam.

Theo ông Nguyễn Tài, cao niên làng La Bông, trước đây, Đình làng La Bông được xây dựng trên khu đất rộng lớn trên 1 ha thuộc xứ đất Bà Dương (cách vị trí đình hiện nay khoảng 200m về hướng Nam), với lối kiến trúc truyền thống, vật liệu xây dựng tường bằng gạch nung, vữa bằng vôi, bộ khung đỡ gồm kèo - cột - xuyên làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương…

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình La Bông không chỉ là một địa điểm sinh hoạt cộng đồng của người dân La Bông, mà còn là chứng tích và địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của địa phương, đồng thời đây cũng là địa điểm chịu nhiều ảnh hưởng do bom đạn tàn phá.

Sau ngày giải phóng năm 1975, địa điểm đình làng được cải tạo đồng ruộng để sản xuất nông nghiệp trồng lúa, nên dấu tích đình làng cũ mất đi. Đến năm 2018, đình La Bông mới được xây dựng lại tại khu đất có địa danh trước đây là Cồn Cát, thuộc xứ đất Hà Xứ của thôn La Bông, xã Hòa Tiến.

Di tích miếu Bà La Bông.
Di tích miếu Bà La Bông.

Cũng giống đình làng, miếu Bà là một địa điểm tâm linh tín ngưỡng, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tin thần của người dân La Bông. Tuy nhiên, theo các cao niên làng La Bông, miếu Bà có thể được xây dựng trước cả đình làng La Bông, bởi từ xưa, các nghi lễ cúng tại đình luôn mời bà về dự.

Theo hồi ức của các cụ cao niên, trước đây miếu Bà có quy mô lớn hơn hiện tại với kiến trúc 3 gian, có hậu tẩm, tường gạch vữa vôi, cổng dạng vòm, kèo cột gỗ, mái ngói âm dương, cách thức chạm trổ trang trí các họa tiết hoa văn rất tinh xảo…

Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá mà một thời gian dài, ngôi miếu trong tình trạng sụp đổ. Mãi đến năm 2002, miếu Bà được trùng tu lại ở vị trí hiện tại với quy mô kiến trúc nhỏ bé và đơn giản hơn so với trước kia.

[VIDEO] - Đôi nét về lịch sử làng La Bông qua lời kể của bô lão cao niên trong làng.

Một điểm đặc biệt của miếu Bà La Bông là thờ Dương Phi phu nhân. Qua tham khảo nhiều tài liệu các nhà nghiên cứu trên địa bàn thành phố như: Hồ Tấn Tuấn, Lê Xuân Thông, Đinh Thị Toan… Dương Phi phu nhân là một người phụ nữ Việt gốc Chăm, có công “hộ nước, giúp dân” và được thờ tự nhiều ở xứ “Đàng Trong”.

Theo ông Nguyễn Trường, trưởng thôn La Bông, miếu Bà La Bông là một trong những ví dụ điển hình minh chứng cho sự tiếp biến giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt.

Điểm tựa tinh thần của nhân dân La Bông

Ngày nay, dân làng La Bông vẫn lưu giữ các nghi lễ truyền thống tại đình và miếu Bà. Trong đó, lễ cúng tại đình La Bông gồm lễ cầu an (lễ Thanh Minh) vào ngày 16/3 âm lịch hằng năm và Lễ tế Thu vào ngày 20/8 âm lịch, mang ý nghĩa, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, con cháu bình an, làm ăn phát đạt. Còn lễ cúng tại miếu Bà diễn ra vào 12 tháng Giêng với đầy đủ các nghi thức truyền thống như đọc văn tế, dâng hương…

Qua bao thế hệ, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương La Bông vẫn không ngừng được gìn giữ, xây dựng và phát huy, như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt cùng chiều dài lịch sử. Chính những giá trị cốt lõi này là nền tảng vững chắc để vùng đất La Bông nói riêng và xã Hòa Tiến nói chung đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt, vươn mình trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

lxd_9789.jpg
Đình làng La Bông là một địa điểm sinh hoạt cộng đồng và tâm linh tín ngưỡng quan trọng của làng La Bông, thờ Thần Hoàng Làng, Quan Thánh, Bà Ngũ Hành cùng các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, lập làng.

Với những giá trị tiêu biểu đó, ngày 30/6/2025, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định số 2386/QĐ-UBND xếp hạng Cụm di tích đình và miếu Bà La Bông là di tích lịch sử cấp thành phố. Đây không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, mà còn là sự ghi nhận của UBND thành phố đối với những đóng góp của chính quyền, nhân dân xã Hòa Tiến trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

[VIDEO] - Cụm di tích Đình và Miếu Bà La Bông - Niềm tự hào của nhân dân làng La Bông.

Ngày 14/7, UBND xã Hòa Tiến (thành phố Đà Nẵng) tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận bằng di tích lịch sử cấp thành phố Cụm di tích Đình và Miếu Bà La Bông. Đây là di tích đầu tiên của thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ đón bằng công nhận sau khi hoàn thành công tác sắp xếp đơn vị hành chính.

Nguồn: https://baodanang.vn/dinh-va-mieu-ba-la-bong-noi-luu-giu-truyen-thong-dan-la-bong-3297126.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm