Tuy nhiên, uống cà phê hằng ngày không phải là không có rủi ro. Theo chuyên gia dinh dưỡng Jamie Johnson, thành viên Hội đồng chuyên gia y khoa của Mỹ, giải thích: Tách cà phê buổi sáng của bạn có nhiều tác động đến cơ thể, đáng chú ý nhất là liên quan đến huyết áp. Cà phê có thể gây tăng huyết áp tạm thời ở cả người bị và không bị huyết áp cao, theo trang tin sức khỏe Verywell Health.
Cà phê có thể gây tăng huyết áp tạm thời ở cả người bị và không bị huyết áp cao
Ành: AI
Tại sao cà phê làm tăng huyết áp?
Huyết áp cao khá phổ biến nhưng có thể nghiêm trọng nếu không được điều trị. Có một số yếu tố có thể làm tăng huyết áp, như chế độ ăn uống, uống rượu và hút thuốc. Đặc biệt, cà phê cũng có thể gây ra tác động này, vì các lý do sau:
Uống cà phê làm tăng hoạt động của não và hệ thần kinh. Trong vòng 30 phút đến 2 giờ sau khi uống, cà phê có thể tác động đến mạch máu và tim.
Cà phê cũng làm hẹp động mạch và tĩnh mạch, từ đó làm tăng huyết áp.
Cà phê còn có thể kích hoạt phản ứng của hệ thần kinh giao cảm, làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp sau khi uống.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tác động của cà phê lên huyết áp
Tác động của cà phê lên huyết áp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:
Nicotine trong cà phê làm tăng tốc độ trao đổi chất và làm tăng tác động của caffeine lên huyết áp, theo Verywell Health.
Tuổi tác. Caffeine tác động đến người trẻ tuổi nhiều hơn người lớn tuổi. Nghiên cứu cho thấy cà phê làm tăng huyết áp ở thanh thiếu niên nhiều hơn so với ở người lớn.
Giới tính. Một số nghiên cứu cho thấy nam giới chuyển hóa caffeine nhanh hơn phụ nữ.
Các loại và cách pha cà phê. Độ mạnh của các loại hạt cà phê và cách pha chế khác nhau (ví dụ: cà phê pha phin so với cà phê espresso) có thể khác nhau.
Khả năng dung nạp. Sau khoảng 15 ngày sử dụng hằng ngày, tác động của caffeine sẽ giảm dần.
Bệnh tim. Đối với người mắc bệnh tim mạch, sự gia tăng huyết áp tạm thời do caffeine có thể rõ rệt hơn.
Người huyết áp cao vẫn có thể uống cà phê
Ảnh: AI
Người huyết áp cao uống cà phê có an toàn?
Mặc dù cà phê gây tăng huyết áp tạm thời, nhưng không làm tăng nguy cơ huyết áp cao mạn tính. Vì vậy, người huyết áp cao vẫn có thể uống cà phê.
Chuyên gia lưu ý người có huyết áp rất cao hãy chú ý đến lượng caffeine tiêu thụ. Nghiên cứu cho thấy người huyết áp cao giai đoạn 2 và nặng hơn (chỉ số huyết áp từ 140/90 trở lên), uống thêm 1 - 2 tách cà phê mỗi ngày làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, những người huyết áp cao giai đoạn 1 (chỉ số huyết áp dưới 140/90) không gặp tác động này.
Đáng chú ý, đối với những người khỏe mạnh uống cà phê thường xuyên, 1 - 3 tách mỗi ngày có thể có lợi cho tim mạch. Một nghiên cứu của Brazil bao gồm 8.780 người từ 35 đến 74 tuổi cho thấy uống cà phê ở mức độ vừa phải, giúp giảm nguy cơ bị huyết áp cao, theo Verywell Health.
Các cơ quan y tế cho biết uống tối đa 3 tách cà phê mỗi ngày là an toàn với hầu hết mọi người khỏe mạnh.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dieu-gi-xay-ra-voi-huyet-ap-khi-ban-uong-ca-phe-185250717081240674.htm
Bình luận (0)