![]() |
Ông Lê Hoàng Phong (đứng giữa), Giám đốc học thuật Tổ chức giáo dục YOUREORG |
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc học thuật Tổ chức giáo dục YOUREORG cho rằng, khi đặt đề thi này vào bối cảnh thực tế của giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay là chưa phù hợp.
Cú sốc với những học sinh không có điều kiện học?
Theo ông Lê Hoàng Phong, nếu nhìn từ góc độ đánh giá năng lực ngôn ngữ (language assessment) tức là đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ một cách khoa học, hệ thống và có cơ sở lý luận thì đề thi năm nay có một số điểm tích cực rất đáng ghi nhận.
Ông Phong cho rằng, nếu được triển khai đúng cách, đề thi này có thể tạo ra tác động tích cực đến việc dạy và học. Khi những năng lực thiết thực được đưa vào bài kiểm tra, thì cả giáo viên và học sinh sẽ có xu hướng điều chỉnh phương pháp để phát triển đúng những kỹ năng đó.
Tuy nhiên, khi đặt đề thi này vào bối cảnh thực tế của giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay, không khỏi băn khoăn. “Thực tế, với những học sinh có nền tảng tốt, chẳng hạn đã từng luyện thi IELTS, CAE… hoặc có trải nghiệm đọc hiểu đa dạng tiếng anh học thuật, thì đề này hoàn toàn khả thi. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: nó không phản ánh được sự đa dạng trong trình độ, hoàn cảnh và điều kiện học tập của học sinh trên toàn quốc”- ông Phong nói.
Ông Phong phân tích, với học sinh ở thành thị, đặc biệt là các em theo học tại trường chuyên, lớp chọn, có cha mẹ thuộc nhóm có trình độ học vấn cao hoặc có điều kiện kinh tế ổn định, việc tiếp cận với tiếng Anh chất lượng từ sớm, đề thi năm nay là cơ hội để phát huy năng lực thật sự.
Ngược lại, với học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, mồ côi, yếu thế, hoặc các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, việc học tiếng Anh nhiều khi chỉ giới hạn trong 3 tiết/tuần theo chương trình chuẩn, với giáo trình nặng ngữ pháp và thiếu thực hành.
Chưa kể, theo ông Phong, chất lượng đội ngũ giáo viên cũng có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền. Với nhóm học sinh này, đặc biệt là những em không có điều kiện học thêm hoặc tiếp cận tài liệu ngoại ngữ hàng ngày, thì đề thi mang tính học thuật như năm nay có thể trở thành một “cú sốc” thực sự.
Nghịch lý ở đâu?
Điều đáng lo ngại hơn, theo ông Phong, đề thi hiện tại đang đồng thời phục vụ hai mục tiêu rất khác nhau: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.
Mà theo ông Phong, hai mục tiêu này có bản chất đánh giá hoàn toàn khác nhau, một bên hướng đến sự bao trùm tối thiểu, bên còn lại yêu cầu phân hóa sâu.
“Khi gộp cả hai vào cùng một đề thi, hệ thống sẽ đối mặt với một nghịch lý. Nếu đề thi quá dễ, sẽ không đủ khả năng phân loại hiệu quả để phục vụ mục tiêu tuyển sinh. Nếu đề thi quá khó, những học sinh yếu thế, vốn đã chịu nhiều bất lợi về kinh tế, điều kiện học tập, chất lượng giáo viên, lại càng dễ rơi vào nguy cơ không đạt chuẩn tốt nghiệp.
Cùng một đề thi mà phải vừa "dễ đủ để đỗ tốt nghiệp", vừa "khó đủ để lọc đại học", là một bài toán bất khả thi. Và kết quả là gì? Những nhóm học sinh ở các thành phố lớn, học trường chuyên, lớp chọn, có điều kiện học thêm, được đầu tư bài bản… sẽ thấy đề “hay”, “vừa sức”, “có tính phân loại”. Trong khi đó, nhóm học sinh ở trường làng, mồ côi, yếu thế, tỉnh lẻ, không có điều kiện thi thử, không bao giờ đi học trung tâm, thì sẽ thấy đề là một thử thách bất công.
Cùng một bài kiểm tra, nhưng điều kiện chuẩn bị lại hoàn toàn khác nhau. Và đó là điều mà bất kỳ hệ thống đánh giá công bằng nào cũng cần đặt câu hỏi nghiêm túc.
“Nhìn từ lăng kính của công bằng giáo dục, đặc biệt là theo cách tiếp cận "equity" thì đề thi tiếng Anh năm nay đặt ra một vấn đề đáng suy ngẫm”- ông Phong nhấn mạnh.
Mặt khác, khi gộp hai chức năng này vào một kỳ thi duy nhất, ta vô tình đẩy những học sinh yếu thế, như các em không có điều kiện học thêm, không tiếp cận được tiếng Anh học thuật, không có giáo viên chất lượng hỗ trợ sát sao… vào một “cuộc đua” mà các em chưa bao giờ được chuẩn bị đầy đủ.
“Đề thi có thể được xem là “hay” từ góc độ học thuật, nhưng lại không công bằng với những em chỉ cần một tấm bằng tốt nghiệp để đi học nghề, đi làm, và giờ có nguy cơ bị đánh trượt bởi một bài thi vượt quá năng lực được đào tạo”- ông Phong nhấn mạnh.
Thế giới “giải bài toán" này thế nào?
Hầu hết các quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến đều tách biệt rõ ràng hai kỳ thi:
Trung Quốc có kỳ thi tốt nghiệp THPT riêng (Huikao) và kỳ thi tuyển sinh đại học (Gaokao) nổi tiếng là khắt khe và có tính phân loại cao. Huikao đảm bảo quyền tốt nghiệp; Gaokao là "cửa ải" vào đại học.
Hàn Quốc không có kỳ thi tốt nghiệp quốc gia. Học sinh hoàn tất phổ thông thông qua đánh giá nội bộ. Kỳ thi đại học (CSAT – Suneung) là một kỳ thi độc lập, có tính phân hoá cao và được thiết kế riêng cho mục tiêu tuyển sinh.
Hoa Kỳ cũng không có kỳ thi tốt nghiệp cấp quốc gia. Học sinh tốt nghiệp dựa vào học bạ và đánh giá liên tục. Việc xét tuyển đại học dựa vào kỳ thi chuẩn hóa như SAT, ACT… hoàn toàn không bắt buộc.
Anh Quốc minh bạch hơn cả: học sinh 16 tuổi thi GCSE để hoàn thành bậc phổ thông cơ sở. Sau đó, nếu muốn vào đại học, các em sẽ học và thi A Levels, bài thi có tính phân loại cao và là căn cứ chính để đại học xét tuyển.
Những mô hình này đều có một điểm chung: tốt nghiệp là quyền cơ bản của người học; còn tuyển sinh là quyền tự chủ của đại học. Hai mục tiêu này cần được tách biệt để đảm bảo công bằng và hiệu quả trong đánh giá.
Theo tôi, một bài thi không chỉ là công cụ để đo lường, mà còn là tín hiệu dẫn đường cho toàn bộ hệ thống dạy và học. Nếu đề thi đặt trọng tâm vào những năng lực thiết thực, như tư duy diễn đạt, đọc hiểu văn bản thực, hay sử dụng ngôn ngữ trong ngữ cảnh… thì thầy cô sẽ dạy và học sinh sẽ có xu hướng học theo hướng đó. Đó là tác động ngược tích cực (positive washback) mà ngành giáo dục đang hướng tới.
Nhưng nếu cùng một bài thi lại vừa phải đủ khó để phân loại học sinh giỏi, vừa phải đủ dễ để đảm bảo tốt nghiệp cho tất cả thì nguy cơ tạo ra tác động ngược tiêu cực (negative washback) là hoàn toàn có thật. Khi đó, thay vì thúc đẩy cải tiến phương pháp, bài thi sẽ trở thành một gánh nặng, đặc biệt với những học sinh mồ côi, yếu thế vốn chưa bao giờ được chuẩn bị đầy đủ để bước vào cuộc đua.”- ông Lê Hoàng Phong
Tôi đánh giá rằng việc đổi mới đề thi là cần thiết. Nhưng đổi mới ấy chỉ thực sự có ý nghĩa khi đi kèm với một hệ thống đánh giá công bằng, có lộ trình chuyển tiếp rõ ràng, và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.
Bởi suy cho cùng, giáo dục không chỉ là cuộc thi của những người giỏi mà là hành trình kiến tạo cơ hội cho tất cả."- ông Lê Hoàng Phong.
Nguồn: https://tienphong.vn/de-thi-tieng-anh-tot-nghiep-thpt-nam-2025-qua-kho-mot-cu-soc-that-su-post1756118.tpo
Bình luận (0)