Tuy nhiên, để những lễ hội truyền thống thực sự trở thành “sợi dây” cố kết cộng đồng và có ý nghĩa giáo dục đạo lý, truyền thống lịch sử; bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa, đòi hỏi cần phải có sự thay đổi về nhận thức của chính quyền và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ di tích; đặc biệt, là đối với công tác tổ chức lễ hội.
Nhận diện lễ hội
Lễ hội truyền thống là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, độc đáo và phong phú. Có thể coi lễ hội là hình ảnh thu nhỏ của nền văn hóa dân gian, với các hình thức văn học như: truyền thuyết, thần thoại, thần tích, thần phả, văn tế, văn bia…; nghệ thuật biểu diễn (diễn xướng, dân ca, dân vũ…); tôn giáo, phong tục và tín ngưỡng (nghi lễ, nghi thức, trò chơi, trò diễn dân gian, tục lệ, thờ cúng…)
Lễ hội thường gắn bó với làng xã, địa danh, nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh và củng cố ý thức cộng đồng. Nhiều yếu tố văn hóa tinh thần được lễ hội bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác, trở thành di sản văn hóa vô giá của dân tộc. Lễ hội được coi là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp cho thế hệ hôm nay hiểu được công lao của cha ông và thêm tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước.
Chứa đựng và phản ánh nhiều mặt của cuộc sống kinh tế, văn hóa, xã hội, lễ hội là chỗ dựa tinh thần để mỗi người hướng về tổ tông, dòng tộc, về thế giới tâm linh và gắn bó với thiên nhiên, từ đó thêm thăng hoa trong một không khí vui vẻ, trang nghiêm, vừa trần tục, vừa linh thiêng. Rõ ràng, lễ hội là sinh hoạt cộng đồng để mỗi người cùng nhau chuẩn bị lễ vật và trò diễn, vui chơi, giao cảm, hưởng thụ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
Nói như ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình: Có thể được xem như sự phản chiếu sinh động của truyền thống, bản sắc văn hóa cộng đồng cũng như là biểu tượng của tinh thần cố kết cộng đồng làng xã được hun đúc từ đời này, qua đời khác. Bất kể một lễ hội nào, dù là lễ hội nông nghiệp, lễ hội lịch sử, suy tôn các vị thần linh hay anh hùng dân tộc, bao giờ cũng biểu dương các giá trị văn hóa và sức mạnh của cộng đồng trên mọi bình diện, là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng.
Nếu xét về ý nghĩa giáo dục, lễ hội là quá trình sân khấu hóa đời sống xã hội, mô phỏng, tái hiện sinh động các nhân vật, sự kiện lịch sử đã diễn ra trong quá khứ dưới hình thức lễ tế, diễn xướng, trò diễn dân gian. Giá trị giáo dục của lễ hội được thể hiện trong tính hướng về cội nguồn. Điều đó nhắc nhở mọi người trong cộng đồng những bài học về đạo lý, truyền thống cha ông, về lịch sử làng, lịch sử dân tộc.
Lễ hội là hoạt động văn hóa tinh thần thể hiện tình cảm con người với tổ tiên, thần thánh để cầu mong mọi lực lượng siêu nhiên che chở, phù hộ. Con người đến với lễ hội là đến với lòng thành kính tổ tiên và các bậc tiền nhân, nhắc nhở mọi người nhớ đến bổn phận và trách nhiệm của mình với ông bà, tổ tiên, dòng tộc và cầu mong cuộc sống được bình an, sức khỏe và thành đạt. Lễ hội cũng là dịp thỏa mãn đời sống tâm linh của người dân, đó là những giây phút thiêng liêng, giao cảm và đầy tinh thần cộng đồng.
Nhạc sỹ Sỹ Thắng, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình chia sẻ: Đến với lễ hội, cảm giác như được tắm mình trong dòng nước mát đầu nguồn của văn hóa dân tộc, tận hưởng những giây phút thiêng liêng, chính là lúc ta được sống những giờ phút giao cảm với thiên nhiên, vũ trụ. Khi tham gia vào lễ hội, con người được sáng tạo, hóa thân thành văn hóa, văn hóa làm biến đổi con người. Đây chính là quá trình trao truyền văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong các lễ hội truyền thống, nhân dân là người đứng ra tổ chức, sáng tạo, tái hiện các sinh hoạt văn hóa cộng đồng và hưởng thụ các giá trị văn hóa tâm linh. Khi tất cả mọi người chìm vào không khí thiêng liêng, hứng khởi của lễ hội thì khoảng cách giữa con người dường như không còn, mọi người cùng nhau sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.
Tuy nhiên, qua thực tế các lễ hội lớn được phục dựng đầu xuân ở Ninh Bình nói riêng, cả nước nói chung cho thấy, giá trị của lễ hội không chỉ ở phương diện văn hóa mà còn ở giá trị kinh tế. Bởi, lễ hội còn là sản phẩm độc đáo của du lịch, tạo nên môi trường du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, nhân tố tạo nên sự thư giãn, những ứng xử văn hóa. Không khí vui tươi, linh thiêng của ngày lễ hội làm cho mỗi người trút bỏ được những lo âu, phiền muộn của cuộc sống đời thường, thúc đẩy quá trình lao động sáng tạo, sống nhân ái và yêu thương nhau hơn.
Lễ hội là một sản phẩm đặc biệt, mang lại giá trị kinh tế cao, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và giới thiệu, truyền bá những đặc sắc văn hóa của dân tộc, vùng miền cho du khách trong và ngoài nước. Như vậy, lễ hội tự mang trong mình giá trị kinh tế đặc biệt, kinh tế du lịch văn hóa tâm linh.
Loại bỏ những yếu tố tiêu cực, thương mại hoá ra khỏi lễ hội truyền thống
Chùa Tam Chúc thuộc phường Tam Chúc nơi diễn ra sự kiện cung rước và tôn trí xá lợi của Đức Phật và nhiều hoạt động chào mừng Đại lễ Vesak năm 2025. Ảnh: Minh Thu
Việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống ở nhiều lễ hội lớn ở Ninh Bình trong những năm qua không chỉ thể hiện sự trân trọng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, khuyến khích phát triển kinh tế, du lịch; tưởng nhớ những cống hiến, hy sinh của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền và xây dựng đất nước mà còn là mốc son quan trọng đánh dấu di sản văn hóa mãi trường tồn với lịch sử, với non sông gấm vóc Việt Nam, khẳng định những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, những nét riêng của kho tàng văn hóa đã được các thế hệ người dân Ninh Bình sáng tạo nên qua các thời kỳ lịch sử.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các lễ hội truyền thống, chúng ta cần nhận diện đúng bản chất của các lễ hội, loại bỏ những yếu tố “trần tục”, phô trương ra khỏi lễ hội truyền thống.
Theo nhận định của ông Trần Đức Duy, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình: nếu việc khôi phục các lễ hội một cách tràn lan, thậm chí sân khấu hóa một cách sai lệch, áp đặt một số mô hình định sẵn một cách máy móc… sẽ khiến lễ hội trở nên nghèo nàn, đơn điệu, trần tục và mang nặng tính hình thức, phô trương. Việc tu bổ một số di tích sơ sài, thiếu kiểm soát sẽ làm biến dạng di tích, cảnh quan xung quanh di tích bị xâm hại. Thực tế, đã có một số di tích sau một thời gian dài không được quan tâm tu bổ, bị sử dụng sai mục đích, dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng. Công việc phục dựng di tích không được nhận thức một cách đúng mức, sẽ dẫn đến phá vỡ cảnh quan di tích, thậm chí biến dạng di tích gốc…
Bản chất của lễ hội là đa dạng, mang cốt cách, sắc thái riêng của từng vùng, từng địa phương. Tuy nhiên, hiện nay một số lễ hội đang bị nhất thể hóa, đơn điệu hóa, hội làng nào, vùng nào cũng na ná như nhau, làm mất đi tính đa dạng khiến người dân và du khách cảm thấy nhàm chán và không còn hứng thú đi chơi hội nữa.
Thậm chí, trong một số lễ hội hiện nay xuất hiện không ít hoạt động mang tính thương mại hóa. Đặc biệt, có hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng để buôn thần, bán thánh, đặt lễ, khấn vái thuê, bói toán, tạo dựng các di tích mới để thu tiền…, làm xấu đi nét đẹp của lễ hội. Một số lễ hội có xu hướng” trần tục hóa”, không còn giữ được tính thiêng, tính thăng hoa và ngôn ngữ biểu tượng. Việc dâng hương, đốt nhiều vàng mã gây tốn kém và ô nhiễm môi trường cũng là những hiện tượng phổ biến trong các lễ hội.
Vì vậy, để loại bỏ những yếu tố tiêu cực ra khỏi các điểm di tích, văn hóa, tâm linh, các lễ hội truyền thống, theo ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, trước hết cần chú trọng công tác tuyên truyền và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về những giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội, trân trọng, gìn giữ và chủ động phát huy các giá trị đó trong đời sống cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp cụ thể đối với các hoạt động mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội đang sống ký sinh trong lễ hội; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể (người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh…) trong việc tổ chức lễ hội; nêu gương người tốt, việc tốt trong việc tham gia tổ chức và quản lý lễ hội, góp phần làm cho người dân ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ của họ đối với bảo tồn lễ hội. Cần có sự phân định rõ ràng trách nhiệm của các cấp trong quản lý, bảo tồn lễ hội và di tích. Khuyến khích các nghệ nhân, những người cao tuổi hiểu biết về các nghi lễ, các trò chơi dân gian truyền lại cho hậu thế; khẩn trương quy hoạch và tiến hành bảo tồn các lễ hội, những mỹ tục cổ truyền đang có nguy cơ bị mai một...
Việc đầu tư tài chính cho các lễ hội cần được coi là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm tôn vinh các giá trị di sản, truyền thống dân tộc và các anh hùng lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh việc khai thác, cần phát huy tinh thần tự nguyện của cộng đồng trong công tác duy trì và bảo tồn các lễ hội truyền thống. Việc quan tâm hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước ở các cấp, được coi là “cú hích” quan trọng để lễ hội tạo ra nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, có khả năng thu hút khách du lịch, mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/de-le-hoi-truyen-thong-tro-ve-dung-gia-tri-thuc-399969.htm
Bình luận (0)