Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dấu vết xẻ thịt hé lộ truyền thống văn hóa người cổ đại ở Israel

Phát hiện khảo cổ tại Israel cho thấy người Neanderthal ở hai hang động gần nhau có cách chế biến thịt khác biệt, hé lộ khả năng tồn tại truyền thống văn hóa cổ xưa được truyền qua nhiều thế hệ.

VietnamPlusVietnamPlus17/07/2025

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, một nghiên cứu mới về tập quán xẻ thịt động vật của người Neanderthal sống tại 2 hang động gần nhau ở miền Bắc Israel cách đây từ 50.000 đến 60.000 năm cho thấy họ có phương pháp chế biến thực phẩm khác biệt rõ rệt - gợi ý khả năng tồn tại của các truyền thống văn hóa sơ khai được truyền lại qua nhiều thế hệ.

Dù chỉ cách nhau 70km và cùng sử dụng công cụ cũng như săn bắt những loài mồi giống nhau, người Neanderthal tại hang Amud và hang Kebara dường như đã xử lý thực phẩm theo những cách khác nhau.

Đây là kết luận trong nghiên cứu do nhà nghiên cứu Anaëlle Jallon từ Viện Khảo cổ học thuộc Đại học Hebrew (Israel) chủ trì.

Công trình này, được công bố trên tạp chí Frontiers in Environmental Archaeology, là kết quả hợp tác với các nhà nghiên cứu Lucille Crete và Silvia Bello từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh), dưới sự hướng dẫn của các giáo sư Rivka Rabinovich và Erella Hovers của Đại học Hebrew.

Thông qua phân tích kỹ lưỡng các vết cắt trên xương động vật bị săn bắt, nhóm nghiên cứu phát hiện các mẫu hình không thể giải thích đơn thuần bằng sự khác biệt về kỹ năng, nguồn lực hay công cụ tại mỗi địa điểm.

Nhóm nghiên cứu cho biết những khác biệt tinh tế trong dấu vết xẻ thịt giữa hang Amud và hang Kebara có thể phản ánh các truyền thống địa phương trong cách xử lý xác động vật.

Dù sống trong điều kiện tương tự và đối mặt với những thách thức giống nhau, người Neanderthal ở 2 địa điểm này dường như đã phát triển các chiến lược xẻ thịt khác nhau - có thể được truyền dạy qua học tập xã hội và truyền thống văn hóa.

Nhà nghiên cứu Jallon nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu này: “Hai hang động này mang đến cho chúng ta cơ hội đặc biệt để tìm hiểu liệu kỹ thuật xẻ thịt của người Neanderthal có được chuẩn hóa hay không. Nếu chúng khác biệt theo địa điểm hay thời kỳ, điều đó có thể cho thấy các yếu tố như truyền thống văn hóa, khẩu vị nấu ăn hoặc tổ chức xã hội đã ảnh hưởng đến cả hoạt động sinh tồn như xẻ thịt.”

Cả 2 hang Amud và Kebara đều từng được người Neanderthal chiếm giữ vào mùa Đông, để lại dấu tích thực phẩm, chôn cất, công cụ đá và bếp lửa. Họ đều ăn thịt linh dương gazelle và nai hoang, sử dụng công cụ đá lửa giống hệt nhau.

Tuy nhiên, hồ sơ khảo cổ cho thấy những khác biệt đáng chú ý. Tại Kebara, người Neanderthal có xu hướng săn mồi lớn hơn và thường mang nguyên xác về hang để xử lý, thay vì mổ tại chỗ.

Trong khi đó, tại Amud, khoảng 40% số xương động vật bị đốt cháy và vỡ vụn, có thể do quá trình nấu ăn hoặc tác động sau khi chôn lấp. Tại Kebara, chỉ 9% số xương bị cháy, mức độ phân mảnh ít hơn và có dấu hiệu được nấu chín. Ngoài ra, xương ở Amud ít bị thú ăn xác gây tổn hại hơn so với Kebara.

Để làm rõ sự khác biệt này, nhóm nghiên cứu đã phân tích kỹ các xương có dấu vết xẻ thịt từ các lớp trầm tích cùng thời tại cả 2 hang, sử dụng phương pháp quan sát bằng mắt thường và kính hiển vi.

Họ ghi nhận các đặc điểm của vết cắt, giả định rằng nếu các mẫu vết cắt giống nhau, điều đó cho thấy phương pháp xẻ thịt được chuẩn hóa; còn nếu khác biệt, đó có thể là dấu vết của các truyền thống văn hóa riêng biệt.

Kết quả phân tích cho thấy dù vết cắt có hình dáng, góc cạnh và độ rộng bề mặt tương tự nhau (do dùng chung loại công cụ), nhưng tại Amud, vết cắt dày đặc hơn và ít mang tính tuyến tính hơn so với Kebara.

Nhiều giả thuyết đã được xem xét. Sự khác biệt không đến từ loài mồi hay loại xương, vì ngay cả khi chỉ so sánh các xương dài của động vật móng nhỏ, các mẫu hình vẫn khác nhau.

Các thí nghiệm khảo cổ học thực nghiệm cũng loại trừ khả năng do thợ xẻ thịt kém tay hoặc do xẻ thịt kỹ để tận thu dinh dưỡng.

Bằng chứng cho thấy rõ ràng đây là lựa chọn có chủ đích. Một giả thuyết hấp dẫn được đưa ra: người Neanderthal ở Amud có thể đã xử lý sơ bộ thịt trước khi xẻ, ví dụ như phơi khô hoặc để thịt phân hủy nhẹ - tương tự như cách các thợ mổ hiện đại “treo thịt” để tăng hương vị.

Thịt phân hủy thường khó xẻ hơn, điều này có thể lý giải tại sao các vết cắt ở Amud lại dày đặc và không đều.

Ngoài ra, cấu trúc tổ chức xã hội - chẳng hạn như số người tham gia vào việc xẻ thịt - cũng có thể ảnh hưởng đến cách xử lý xác mồi, dù yếu tố này vẫn cần nghiên cứu thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/dau-vet-xe-thit-he-lo-truyen-thong-van-hoa-nguoi-co-dai-o-israel-post1050140.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm