Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Đất thiêng” của Phong Nguyên: Hành trình giải mã hồn đất và tiếng vọng chủ quyền

Tuyển tập bút ký - tùy bút “Đất thiêng” không đơn thuần là một tập hợp các bài viết mà là kết tinh của gần ba mươi năm lao động nghệ thuật (1998-2024) của nhà báo Phong Nguyên - Trưởng đại diện Báo Nhân Dân tại tỉnh Khánh Hòa, thấm đẫm tâm huyết của một người làm báo gắn bó sâu sắc với mảnh đất Khánh Hòa. Tác phẩm giống như một biên niên sử bằng ngôn ngữ văn chương, nơi mỗi địa danh, mỗi con người, mỗi câu chuyện hiện lên không chỉ như một phần của bản đồ địa lý mà còn là không gian ký ức, lịch sử, văn hóa và những trăn trở thời đại. Vượt khỏi khuôn khổ của thể loại bút ký - tùy bút, “Đất thiêng” mở ra một cách nhìn khác về khái niệm “đất” - không chỉ là vật thể hữu hình mà là kết cấu linh thiêng được dệt nên từ ba sợi chỉ chính: sự hy sinh bảo vệ chủ quyền, hồn cốt văn hóa của những con người bám trụ, và khát vọng phát triển luôn giằng co với bài toán phát triển bền vững. Phong Nguyên viết bằng trải nghiệm của một người đã “đi và nghĩ”, của một nhà báo sống từng ngày với nhịp thở của quê hương Khánh Hòa.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa08/07/2025

Nhà báo, nhà văn Phong Nguyên giới thiệu về tập sách "Đất thiêng".

Chính căn tính kép - vừa là nhà báo chuyên nghiệp, vừa là người con xứ Trầm Hương - đã tạo nên giọng điệu riêng biệt, đầy sức thuyết phục cho tác phẩm. Nếu một phóng viên có thể mang đến sự chuẩn xác về dữ kiện, và một người địa phương có thể truyền tải cảm xúc chân thành, thì Phong Nguyên kết hợp cả hai: anh dùng kỹ năng nghề báo để dựng nên một cấu trúc vững vàng cho bài viết, nhưng để dòng cảm xúc chảy từ tình yêu sâu đậm với mảnh đất quê nhà. Khi viết về những người lính Gạc Ma, anh khiến độc giả tin tưởng vào sự thật, nhưng đồng thời xúc động vì nhận ra phía sau con chữ là một trái tim đang cùng chia sẻ mất mát ấy. Chính sự hòa quyện ấy đã nâng “Đất thiêng” từ một tập bút ký - tùy bút lên thành một chứng từ văn hóa - lịch sử giàu chiều sâu và sức nặng tinh thần.

Bút pháp Phong Nguyên: Sự giao thoa giữa chính luận báo chí và trữ tình văn chương

Nhà thơ Hữu Việt, trong "Lời mở sách", đã đưa ra một nhận định xác đáng về bút pháp của Phong Nguyên, rằng anh "chủ ý dùng năng lực truyền tải của văn chương để vượt lên khuôn khổ văn phong báo chí" (tr. 2). Đây chính là chìa khóa để giải mã sức hấp dẫn của “Đất thiêng”. Tác phẩm là một minh chứng tiêu biểu cho sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa chất "hiện thực" của báo chí chính luận và chất "thơ", chất “văn chương” trữ tình.

Chất “hiện thực” của báo chí trong “Đất thiêng” được thể hiện rõ qua việc tác giả vận dụng một hệ thống dữ kiện, số liệu và dẫn chứng xác thực nhằm kiến tạo nên một bộ khung thông tin vững chắc, gia tăng sức nặng cho lập luận và độ tin cậy cho từng bài viết. Những sự kiện lịch sử trọng đại như trận hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988 (tr. 72), Hội nghị APEC 2006 tổ chức tại Nha Trang (tr. 131), hay việc Hải quân Việt Nam tiếp nhận cặp tàu ngầm Kilo đầu tiên (tr. 27) đều được ghi lại với đầy đủ mốc thời gian và ngữ cảnh cụ thể. Bên cạnh đó là những con số mang sức gợi mạnh mẽ: 2.200 tỷ đồng thu ngân sách từ hoạt động trung chuyển dầu ở Vân Phong, quy hoạch 150.000 ha đất cho khu kinh tế này (tr. 47–48), hay con số 64 chiến sĩ ngã xuống trong trận Gạc Ma (tr. 81). Không dừng lại ở đó, tính xác thực của tác phẩm còn được nâng cao qua các trích dẫn lời nói trực tiếp – từ phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chiến lược quốc phòng mang tính tự vệ (tr. 23–24), đến tiếng lòng nghẹn ngào của cựu binh Gạc Ma hay nỗi đau đáu của nghệ nhân người Raglai Mấu Xuân Điệp (tr. 43). Tuy nhiên, nếu chỉ có bộ khung đó, tác phẩm sẽ chỉ là một tập hồ sơ khô khan. Chất "thơ", chất “văn chương” đã thổi hồn vào những dữ kiện ấy, lay động cảm xúc và khắc sâu vào tâm trí người đọc những hình ảnh ám ảnh. Phong Nguyên xứng đáng là một bậc thầy trong việc sử dụng các hình ảnh ẩn dụ và biểu tượng. Vịnh Vân Phong không chỉ là một địa danh kinh tế mà là "nàng công chúa ngủ yên" chờ được đánh thức. Trường Sa không chỉ là một quần đảo mà là "giọt máu thiêng" của Tổ quốc. Các chiến sĩ Gạc Ma không chỉ hy sinh mà đã tạo nên một "vòng tròn bất tử". Ngôn ngữ của anh giàu hình ảnh và nhạc điệu, có khả năng kiến tạo không gian và cảm xúc: "Mỗi chiều, hòn Mao Dự ngạo nghễ che lấp mặt trời, rồi phủ xuống cả Bình Ba một khối đêm đen đặc quánh" hay âm thanh của tiếng còi tàu tưởng niệm các liệt sĩ "nghe thiêng như một lời thề. Trầm đục. Và kiêu hãnh" (tr. 80). Quan trọng hơn, tác giả thường xuyên để dòng suy tưởng cá nhân tuôn chảy, vượt qua vai trò của một người đưa tin đơn thuần để trở thành một người chiêm nghiệm, trăn trở về số phận của vùng đất, về sự mai một của văn hóa hay những bài toán phát triển bền vững.

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp báo chí và văn chương trong “Đất thiêng” đã tạo nên một hiệu quả nghệ thuật độc đáo, góp phần nâng tầm giá trị cho từng bài viết. Trong bài “Hòa bình không thể chỉ khát khao, mong muốn mà có”, những yếu tố báo chí như thông số kỹ thuật của tàu ngầm Kilo 636, thời điểm bàn giao, cùng phát biểu của lãnh đạo được sử dụng như những dữ kiện xác thực, làm nền cho lập luận. Trên nền đó, tác giả lồng ghép các hình ảnh giàu tính biểu tượng như “lỗ đen trong đại dương”, “cây tre Thánh Gióng”, cùng niềm xúc động của người dân, qua đó chuyển hóa một sự kiện quân sự thành biểu tượng của sức mạnh dân tộc, đánh thức niềm tin và khơi dậy lòng tự hào. Tương tự, bài “Thông điệp Vòng tròn bất tử” kết hợp nhuần nhuyễn những con số lịch sử như 64 liệt sĩ hy sinh, tên các con tàu trong trận Gạc Ma ngày 14/3/1988 với những hình tượng văn học như “vòng tròn bất tử”, lá cờ thấm máu, cùng những câu chuyện riêng đầy xúc động của thân nhân liệt sĩ. Nhờ đó, sự hy sinh được thiêng liêng hóa, biến mất mát thành di sản tinh thần bất tử. Trong bài “Dự cảm Vân Phong”, các số liệu về ngân sách, quy hoạch và vốn đầu tư – tưởng chừng khô khan – lại trở nên sống động qua hình ảnh ví von “nàng công chúa ngủ yên” và những dự cảm rộn ràng về tương lai, khơi gợi một viễn cảnh phát triển đầy kỳ vọng và cảm xúc. Còn ở bài “Ôi, chapi…”, những con số về thực trạng bảo tồn văn hóa, sự thờ ơ của giới trẻ và hoàn cảnh của nghệ nhân Mấu Xuân Điệp được nâng tầm bởi giọng điệu trữ tình, đặc biệt qua hình ảnh “tiếng của nứa tre; tiếng của ông bà linh hiển” - một ẩn dụ thấm đẫm nỗi buồn, thể hiện sự cô đơn và trăn trở của nghệ nhân giữa dòng chảy mai một của văn hóa truyền thống. Chính sự hòa quyện giữa chất liệu hiện thực và cảm xúc nghệ thuật đã khiến “Đất thiêng” vượt xa khuôn khổ của một tập bút ký thời sự thông thường, để trở thành một tác phẩm mang đậm chiều sâu xã hội và nhân văn.

"Giọt máu thiêng": Trường Sa và tiếng vọng bất tử của chủ quyền

Nếu “Đất thiêng” là một cơ thể sống, thì chùm bài viết về Trường Sa chính là cột sống, là nơi hội tụ và thể hiện một cách mãnh liệt, bi tráng nhất tinh thần của toàn bộ tác phẩm. Các bài viết như "Giọt máu thiêng", "Thông điệp Vòng tròn bất tử", và bài áp cuối "Tâm nguyện Trường Sa" tạo thành một khối tư tưởng vững chắc, là tâm điểm nơi khái niệm “Đất thiêng” được định nghĩa bằng máu, nước mắt và ý chí sắt đá.

Trường Sa trong ngòi bút Phong Nguyên trước hết là biểu tượng của sự hy sinh. Hình ảnh "Vòng tròn bất tử" tại Gạc Ma được tác giả nâng lên một tầm vóc triết học. Đó không chỉ là một hành động chiến đấu quả cảm, mà là một hành vi mang tính biểu tượng sâu sắc về sự đoàn kết, về việc lấy thân mình làm thành lũy, biến cái chết hữu hạn của cá nhân thành sự sống vĩnh cửu của Tổ quốc. Chi tiết Anh hùng Trần Văn Phương, dù tim đã ngừng đập, tay vẫn ôm chặt lá cờ Tổ quốc thấm đẫm máu mình, cùng lời nói bất hủ: "Đây là đất của Việt Nam, chúng bay không được động đến!" (tr. 72), đã cô đọng một cách hoàn hảo tinh thần quyết tử cho chủ quyền thiêng liêng.

Bên cạnh sự hy sinh, Trường Sa còn là biểu tượng của sự hiện diện và trường tồn. Tác giả không chỉ tập trung vào khía cạnh quân sự, mà còn xây dựng một hệ thống các biểu tượng văn hóa và lịch sử. Hình ảnh "mái chùa cong cong" giữa biển trời lồng lộng không đơn thuần là một cơ sở tôn giáo, mà là một cột mốc văn hóa, một hình ảnh của làng quê Việt Nam, một sự khẳng định về sự hiện diện tinh thần và văn hóa lâu đời của người Việt trên quần đảo này (tr. 141; 268). Những cây phong ba, bão táp, mù u hàng trăm năm tuổi được công nhận là cây di sản, kiên cường chống chọi với giông bão, trở thành biểu tượng cho ý chí bất khuất của người lính đảo. Cùng với đó, những tấm bia chủ quyền đã nhuốm màu rêu phong từ năm 1956 là những bằng chứng pháp lý và lịch sử không thể chối cãi, là tiếng nói trầm mặc nhưng đanh thép của tiền nhân (tr. 143).

Dòng chảy thiêng liêng ấy không dừng lại ở quá khứ mà được tiếp nối mãnh liệt ở hiện tại. Câu chuyện về Đại úy Trần Thị Thủy, con gái của liệt sĩ Trần Văn Phương, người đã hy sinh khi cô còn là một thai nhi, nay lại tiếp bước cha mình công tác tại Lữ đoàn 146, là một minh chứng sống động và cảm động cho sự tiếp nối lý tưởng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghi thức hô vang đối đáp "Trường Sa vì Tổ quốc! - Tổ quốc vì Trường Sa!" mỗi khi tàu rời bến không chỉ là một khẩu hiệu, mà đã trở thành một lời thề, một sợi dây vô hình kết nối đất liền và đảo xa, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai trong một ý chí thống nhất (tr. 146).

Từ những cảm xúc thiêng liêng đó, tác giả chuyển sang một luận điểm chính luận sắc bén trong bài "Hòa bình không thể chỉ khát khao, mong muốn mà có...". Anh không cổ xúy chiến tranh, mà khẳng định một cách biện chứng rằng hòa bình phải được bảo vệ bằng sức mạnh tự vệ. Việc Việt Nam sở hữu những "lỗ đen trong đại dương" - tàu ngầm lớp Kilo 636 - không chỉ là một bước tiến về khí tài quân sự. Đó là một tuyên bố về sự tự chủ, tự cường, một hành động răn đe chiến lược nhằm "bảo vệ hòa bình, toàn vẹn chủ quyền quốc gia". Điều này cho thấy một tư duy quốc phòng trưởng thành: sức mạnh không phải để gây hấn, mà để gìn giữ hòa bình một cách chủ động.

Khi đọc gộp các bài viết về Trường Sa, một bức tranh toàn cảnh về chủ quyền hiện ra. Tác giả đã ngầm kiến tạo một khái niệm chủ quyền đa chiều. Chủ quyền ấy được xác lập bằng chứng cứ pháp lý (bia chủ quyền), được bảo vệ bằng sức mạnh vật lý và quân sự (người lính, tàu ngầm), và được nuôi dưỡng bằng chiều sâu tâm linh và văn hóa (mái chùa, cây di sản, những câu chuyện hy sinh). Ba chiều kích này cộng hưởng và bện chặt vào nhau. Chủ quyền sẽ không bền vững nếu chỉ dựa vào bằng chứng pháp lý mà thiếu sức mạnh để bảo vệ. Nó cũng sẽ trở nên vô hồn nếu thiếu đi hồn cốt văn hóa và sự hy sinh thiêng liêng để làm nên "hồn đất". Đây chính là thông điệp sâu sắc và toàn diện nhất mà chùm bài viết về Trường Sa mang lại. Xin trích dẫn ở đây giọng văn chân thành và xúc động, khi tác giả đã khắc họa sâu sắc cảm nhận thiêng liêng về hai chữ chủ quyền lúc viết về Trường Sa – vùng đất đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc: “Tôi đã ra Trường Sa rất nhiều lần. Và chợt thấy rằng, Trường Sa là một vùng đất thật kỳ lạ. Mỗi một người đến; mỗi một lần đến đều mang trong mình một dấu ấn, một cảm xúc rất khác nhau. Song, có lẽ, tất cả đều xuất phát từ chung một mạch nguồn: được đến với nơi tuyến đầu biển Mẹ Việt Nam, vùng đất thiêng của Tổ quốc. Thiêng, bởi một tấc đất, một sải biển ở đây kết tinh bao nhiêu giá trị văn hóa, lịch sử; thấm đẫm bao nhiêu mồ hôi xương máu của dân tộc chúng ta. Và, có vậy, nhiều người ra với Trường Sa bảo rằng, có đứng giữa trời biển Trường Sa mới thật sự thấm thía hai chữ chủ quyền.” (tr. 268).

Hồn đất, Tình người: Chân dung văn hóa và con người xứ trầm hương

Nếu Trường Sa là nơi “Đất thiêng” được định nghĩa bằng những lý tưởng cao cả và sự hy sinh bi tráng, thì đất liền Khánh Hòa là nơi sự thiêng liêng ấy thấm đẫm trong từng nếp sống đời thường, trong văn hóa và trong phẩm chất của những con người lao động bình dị.

Nha Trang - Từ "Lai rai" bình dị đến những trăn trở thời cuộc

Phong Nguyên đã khắc họa một nét văn hóa đặc trưng của Nha Trang qua bài "Nha Trang... lai rai". Văn hóa "lai rai" không chỉ là ăn uống, mà là một "sân chơi" của sự gắn kết cộng đồng, một không gian thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng. Tác giả không chỉ mô tả các món ăn dân dã như hàu nướng mọi giữ nguyên "mùi đại dương ngai ngái mặn" hay đĩa cá rô thóc nướng "đậm mùi rạ rơm, đồng nội", mà còn giới thiệu một loạt các món ăn đặc trưng của các nhà hàng ẩm thực của Nha Trang - Khánh Hòa, và quan trọng hơn, anh nắm bắt được cái "hồn" của không gian văn hóa này: sự thư thái, hoài niệm, sự giao hòa với thiên nhiên trong những quán nhỏ ven sông lộng gió (tr. 60-62).

Thế nhưng, sự bình dị, yên ả đó đã bị phá vỡ bởi biến cố thời cuộc. Đại dịch Covid-19 được tác giả sử dụng như một "phép thử" nghiệt ngã, phơi bày sự mong manh của một cơ cấu kinh tế quá phụ thuộc vào du lịch. Anh ghi lại những hình ảnh đầy ám ảnh: du lịch "ngủ đông", phố xá vắng lặng, những khách sạn cao cấp "lặng lẽ sang tay, đổi chủ" (tr. 12). Cú sốc này đã buộc Khánh Hòa phải "trăn trở nhiều hơn về cơ cấu kinh tế dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp" (tr. 13). Ở đây, ngòi bút của Phong Nguyên đã có sự chuyển biến rõ rệt từ một cây bút trữ tình, tản văn sang một nhà phân tích kinh tế - xã hội sắc sảo, cho thấy sự nhạy bén của một nhà báo trước những vấn đề lớn của quê hương.

Những âm vang lặng lẽ: Bản sắc văn hóa Raglai và nỗi niềm Chapi

Một trong những bài viết day dứt và ám ảnh nhất trong “Đất thiêng” là "Ôi, chapi...". Tác giả đã vẽ nên một bức chân dung đầy đủ về người Raglai: kiên trung, dữ dội trong chiến đấu, biến thung lũng thành "thung lũng tử thần" với quân thù, nhưng cũng đầy mặc cảm, tự ti trong quá khứ nghèo khó. Linh hồn của văn hóa Raglai được gửi gắm vào cây đàn Chapi. Nó không chỉ là một nhạc cụ làm từ ống tre, mà là "tiếng của nứa tre; tiếng của ông bà linh hiển, của rừng thiêng màu nhiệm", là tiếng lòng của cả một dân tộc (tr. 38). Trung tâm của nỗi niềm ấy là hình ảnh nghệ nhân Mấu Xuân Điệp, "người giữ lửa cuối cùng", người duy nhất còn làm và chơi được đầy đủ các làn điệu chapi. Nỗi buồn của ông khi thế hệ trẻ Raglai thờ ơ với di sản của cha ông, chỉ mê "nhạc xập xình", chính là bi kịch của sự đứt gãy văn hóa trong quá trình hiện đại hóa. Tác giả không chỉ trích hay đổ lỗi, mà chỉ ra một quy luật nghiệt ngã: khi đời sống kinh tế thay đổi và những giá trị tinh thần không được quan tâm nuôi dưỡng đúng mức, chúng sẽ dần phai nhạt và biến mất. Nỗi buồn của cây đàn chapi, vì thế, không chỉ là câu chuyện của người Raglai ở Khánh Sơn, mà là một ẩn dụ mang tầm vóc phổ quát cho nguy cơ mai một di sản của nhiều dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam.

Sức sống từ đất

Bên cạnh những nỗi niềm, “Đất thiêng” còn là một bản hùng ca ca ngợi sức sống mãnh liệt của những người lao động. Đó là tộc người Đàng Hạ ở Xuân Đừng, từ cuộc sống biệt lập, đói nghèo đã vươn lên thay đổi số phận nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng và chính quyền (tr. 28). Đó là những người nông dân ở Ninh Vân, Khánh Sơn, với phẩm chất cần cù, chăm chỉ, đã biến sỏi đá thành những vườn tỏi thơm nồng, hay kiên trì theo đuổi cây sầu riêng để làm giàu trên mảnh đất quê hương (tr. 28-37).

Dù là ngư dân bám biển, người Đàng Hạ bí ẩn, hay nông dân Raglai, họ đều có chung những phẩm chất đáng quý: sự cần cù, kiên cường, ý chí vươn lên và một tình yêu, sự gắn bó máu thịt với mảnh đất đã cưu mang mình. Họ không nói những lời cao xa, nhưng chính mồ hôi, sức lực và sự kiên trì của họ đã làm cho "đất" thực sự trở nên "thiêng", bồi đắp nên sự trù phú và sức sống cho quê hương.

"Nàng công chúa ngủ yên": Khát vọng phát triển và bài toán bền vững

Khát vọng phát triển là một dòng chảy mạnh mẽ xuyên suốt tác phẩm, được thể hiện tập trung qua hình ảnh Vịnh Vân Phong và những trăn trở quanh cây trầm hương. Trong "Dự cảm Vân Phong", tác giả vẽ ra một viễn cảnh đầy hứa hẹn về một "nàng công chúa ngủ yên" sắp được đánh thức (tr. 49). Với những tiềm năng trở thành cảng trung chuyển container quốc tế, một trung tâm kinh tế biển tầm cỡ, Vân Phong là biểu tượng cho giấc mơ vươn ra biển lớn của Khánh Hòa. Tác giả đưa ra những con số ấn tượng về nguồn thu, về quy hoạch để chứng minh cho tiềm năng đó. Tuy nhiên, hai chữ "Dự cảm" trong tựa đề đã cho thấy đây vẫn là một tương lai chưa chắc chắn, một khát vọng lớn luôn đi kèm những thách thức không hề nhỏ.

Những thách thức đó được soi chiếu một cách sâu sắc qua nghiên cứu điển hình về cây trầm hương trong bài "Hương trầm xa ngái" (tr. 83). Bài viết này có thể xem là một ẩn dụ mạnh mẽ cho hướng phát triển của không chỉ Khánh Hòa mà cả Việt Nam. Mâu thuẫn cốt lõi nằm ở chỗ: trầm hương là một sản phẩm có giá trị kinh tế khổng lồ, một "vàng đen" của núi rừng, nhưng để có được nó, cần một sự kiên nhẫn và tầm nhìn tính bằng hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Cây dó bầu phải chịu tổn thương, phải tích tụ tinh túy qua thời gian dài mới kết tinh thành trầm. Thực tế phũ phàng mà Phong Nguyên chỉ ra là sự đối nghịch giữa yêu cầu đó và tâm lý "ăn xổi", ngắn hạn. Nhiều người dân, vì áp lực kinh tế trước mắt, đã nôn nóng chặt hạ cây dó bầu khi trầm còn non, chưa có giá trị, dẫn đến sự thất bại và làm sụt giảm diện tích trồng (tr. 88). Khi đặt câu chuyện về cây dó bầu bên cạnh giấc mơ lớn về Khu kinh tế Vân Phong, một dự án đòi hỏi tầm nhìn chiến lược hàng thập kỷ, tác giả đang ngầm đặt ra một câu hỏi đầy trăn trở: Nếu chúng ta còn thất bại với một cái cây vì thiếu kiên nhẫn, làm sao chúng ta có thể thành công với cả một khu kinh tế vốn đòi hỏi sự kiên trì và tầm nhìn lớn hơn gấp bội? Hàm ý sâu xa hơn là một lời cảnh báo. "Hương trầm" không chỉ là mùi hương vật chất, mà còn là "hương" của thời gian, của sự tích lũy, của những giá trị bền vững. Việc người dân "bỏ cuộc" với cây dó bầu là một triệu chứng của một "căn bệnh" lớn hơn trong tư duy phát triển. Tác giả lo sợ rằng "nàng công chúa" Vân Phong có thể sẽ không bao giờ thức giấc trọn vẹn nếu bài toán về sự kiên nhẫn và tầm nhìn chiến lược dài hạn không được giải quyết một cách thấu đáo.

Thay lời kết - “Đất thiêng” không chỉ là một miền đất

“Đất thiêng” của Phong Nguyên không chỉ là tập hợp những bài bút ký thời sự về Khánh Hòa, mà còn là một tác phẩm giàu tầng nghĩa, đánh dấu thành công trong việc hòa quyện giữa chất liệu báo chí chính luận và giọng điệu văn chương trữ tình. Với lối viết sắc sảo nhưng vẫn đầy cảm xúc, tác phẩm vẽ nên chân dung sống động của một địa phương đang vươn mình giữa những chuyển động lớn của đất nước - nơi từng tấc đất, sải biển đều thấm đẫm dấu ấn lịch sử, văn hóa và khát vọng phát triển. Sức mạnh của “Đất thiêng” nằm ở khả năng đánh thức cảm xúc và nhận thức nơi người đọc. Không mải miết ngợi ca hay chạy theo những mỹ từ sáo rỗng, tác phẩm chạm đến trái tim bằng sự thật, bằng những chi tiết đời thường mà sâu sắc, những con số biết nói, và cả những nỗi niềm day dứt của người viết. Phong Nguyên không chỉ kể chuyện - anh gợi mở, chất vấn và đánh động, khiến người đọc không chỉ hiểu mà còn trăn trở, không chỉ đồng cảm mà còn nhận lấy phần trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước.

Đọc “Đất thiêng” là cùng tác giả bước vào một hành trình nhận diện Tổ quốc từ những điều bình dị nhất: vị mặn của biển cả trong con hàu nướng mộc, âm thanh chập chùng của tiếng đàn Chapi giữa núi rừng của dân tộc Raglai ở Khánh Sơn, hay dáng đứng kiêu hãnh của cây phong ba giữa phong ba bão tố… Chính từ những hình ảnh ấy, tình yêu nước không còn là một khẩu hiệu hô hào, mà trở thành một xúc cảm sống động, chân thực và bền vững - được tôi luyện qua bao hy sinh, giữ gìn và máu xương. “Đất thiêng”, vì thế, không chỉ là tên gọi của một vùng đất, mà còn là lời nhắc nhở về những giá trị bất biến cần được nâng niu: chủ quyền, di sản, bản sắc và tương lai. Tác phẩm kết lại không phải bằng dấu chấm hết, mà bằng một dấu lặng sâu lắng - để mỗi người đọc tự vấn, tự nhận và tự hành động…

NGUYỄN CẢNH CHƯƠNG

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202507/dat-thieng-cua-phong-nguyen-hanh-trinh-giai-ma-hon-datva-tieng-vong-chu-quyen-3477da6/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm