Mặc dù chất lượng đào tạo của các trường đại học ngày một cải thiện nhưng tình trạng lệch pha với nhu cầu của doanh nghiệp vẫn khá phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.
Ông Đỗ Thanh Bình - Giám đốc hợp tác quốc tế của Vinasa cho biết: Mỗi năm, chúng ta đào tạo được khoảng 50 nghìn sinh viên công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có 30% sẵn sàng làm việc được luôn tại doanh nghiệp, số còn lại cần phải trải qua các khóa đào tạo thêm.
Thông tin tại hội thảo Mô hình dự báo nhu cầu đào tạo trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Việt Nam cho thấy, tại một số công ty Nhật Bản, 100% kỹ sư mới tốt nghiệp được tuyển dụng đều phải trải qua đào tạo 1 đến 2 năm mới đáp ứng yêu cầu.
Rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng nhân lực là mục tiêu nhiều trường đại học, cao đẳng đã và đang đặt ra. Thời gian qua, không ít trường đã nỗ lực cập nhật chương trình, giúp sinh viên có thể thích ứng ngay với thị trường lao động, thay vì phải đào tạo lại ở doanh nghiệp.
Xu hướng giảm các môn hàn lâm, tăng các kỹ năng cụ thể về quản trị dự án, Big data, công nghệ AI, an ninh mạng, khởi nghiệp… đã được triển khai. Có trường còn điều chỉnh chương trình, đưa sinh viên tiếp cận sớm với thực tế doanh nghiệp ngay từ năm nhất, đặc biệt là trong những kỳ nghỉ hè.
Song song với cập nhật chương trình, nhiều trường còn chủ động mời doanh nghiệp tham gia sâu vào đào tạo, kết hợp triển khai mô hình đào tạo linh hoạt, trong đó có nhiều nội dung được đào tạo ngay tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, với chủ trương giảng viên phải đi trước một bước, một số trường đã chú ý trui rèn yếu tố thực tiễn cho người thầy như: cử giảng viên đến doanh nghiệp làm việc ở các vị trí như chuyên gia, tư vấn viên; yêu cầu thầy cô hoạt động khoa học công nghệ trong chương trình hợp tác với doanh nghiệp qua việc chủ trì đề tài nghiên cứu đặt hàng, tham gia dự án...
Các trường tư thục với cơ chế cởi mở hơn còn chủ động tuyển dụng giảng viên có thời gian công tác, quản lý tại doanh nghiệp đa quốc gia, giảng viên khởi nghiệp kinh doanh. Nhờ đó, kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên tăng lên, tạo giá trị cho bài giảng, từ đó giúp người học có kiến thức thực tiễn để áp dụng khi đi làm.
Tuy vậy, đa số các trường làm tốt công tác rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng hiện vẫn chủ yếu là các trường tốp đầu, có tiềm lực tài chính, nhiều thuận lợi trong kết nối doanh nghiệp. Số đông trường đại học tốp dưới, đại học địa phương vẫn còn chậm chân trước sự thay đổi của thị trường việc làm, nhất là mảng công nghệ.
Nguyên nhân là do hạ tầng kỹ thuật các trường còn manh mún, sử dụng độc lập, thiếu liên kết với nhau. Hạ tầng dữ liệu và kết nối còn phân tán, cát cứ ở mỗi ứng dụng, không dùng chung, không có kết nối chia sẻ dữ liệu. Tài nguyên số dùng chung chưa hoàn thiện đầy đủ, chất lượng; nguồn lực đầu tư cho nhà xưởng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… chưa được đầu tư đúng mức.
Đặc biệt, cơ chế chính sách trong hợp tác nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khoảng trống, doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà kết nối, nên việc cập nhật nhu cầu từ thị trường lao động khá khó khăn.
Để sản phẩm đào tạo không bị tụt hậu trên thị trường việc làm, việc xây dựng kết nối mạnh giữa doanh nghiệp và nhà trường vẫn là yếu tố căn bản. Bên cạnh sự nỗ lực của các trường, Nhà nước cũng cần có sự đầu tư phù hợp, sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình đào tạo, góp phần rút ngắn khoảng cách cung - cầu.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-nhan-luc-nganh-cong-nghe-rut-ngan-khoang-cach-post739108.html
Bình luận (0)