Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Đối thoại chính sách cao cấp Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) tại Hà Nội, ngày 22/6/2021. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đã vài năm nay, Chị không được khỏe. Chúng tôi, những cán bộ cũ của Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương đều đã chuẩn bị tinh thần đón nhận sự mất mát. Vậy mà vẫn không khỏi bàng hoàng, hụt hẫng và vô cùng đau buồn khi nghe tin Chị đã về cõi vĩnh hằng.
Đối với chúng tôi, Chị không chỉ là người Thủ trưởng mẫu mực, tài năng, là người Thầy lớn trong công tác đối ngoại, mà còn là người Chị tận tâm, luôn quan tâm dạy dỗ, rèn giũa, chỉ bảo chúng tôi trong cuộc sống, luôn mong ước các cán bộ nữ chúng tôi sẽ làm tốt hơn trong vai trò người mẹ, người vợ, và biết cân bằng “việc nước, việc nhà”.
Cả đời tâm huyết với công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách
Trong gần 10 năm được công tác cùng Chị, đối với tôi một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất là những ngày tháng được cùng Chị làm “chính sách”. Làm “chính sách” với Chị, trước hết phải xuất phát từ công tác nghiên cứu - nghiên cứu một cách nghiêm túc, thực chất, chứ không phải để “trả bài” theo đặt hàng hằng năm của Phòng Khoa học. Với suy nghĩ đó, một thời gian ngắn sau khi đảm nhận cương vị Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Chị đã quyết định thành lập Phòng Nghiên cứu Chính sách cho một đơn vị vốn thiên về “tác chiến” đa phương. Chính từ Phòng Nghiên cứu này, Chị đã hướng dẫn chúng tôi, những thế hệ cán bộ ngoại giao vốn không được đào tạo bài bản về quan hệ quốc tế, đi những bước đi đầu tiên trên con đường nghiên cứu, tham mưu và hoạch định chính sách hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương.
Năm 2010, dưới sự hướng dẫn của Chị, chúng tôi đã hoàn thành Đề tài cấp Bộ về cục diện quan hệ kinh tế quốc tế và các xu hướng phát triển đến năm 2020. Trên nền tảng của Đề tài này, cùng với hàng chục cuộc trao đổi, làm việc, xin ý kiến của các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng và Nhà nước và các chuyên gia hàng đầu của nước ta về công tác hội nhập kinh tế quốc tế và đàm phán kinh tế - thương mại quốc tế, chúng tôi đã góp phần dự thảo nên các nội dung về hội nhập kinh tế quốc tế trong Nghị quyết mang tính tổng thể đầu tiên về công tác hội nhập quốc tế của Bộ Chính trị - Nghị quyết số 22. Trong những năm sau đó, mỗi khi chuẩn bị xây dựng một văn bản chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, chúng tôi luôn bắt đầu bằng việc viết các Đề tài, chuyên đề chuyên sâu, lúc thì về Diễn đàn APEC, về cục diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2030, về các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Đến năm 2016, khi đã chuyển sang làm việc ở Ban Thư ký quốc gia APEC 2017, dù công việc chuẩn bị cho Năm APEC còn bộn bề, Chị vẫn say sưa chia sẻ các ý tưởng, định hướng và thúc đẩy chúng tôi hoàn thành Đề tài về định hướng đối ngoại đa phương của Việt Nam đến năm 2025. Đây là cơ sở để hình hài nên Chỉ thị số 25 năm 2018 của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương. Đến cuối năm ngoái, mặc dù sức khỏe không còn tốt, Chị vẫn vô cùng nhiệt huyết đóng góp ý tưởng cho việc xây dựng Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Làm công tác nghiên cứu với Chị là một trải nghiệm hết sức thú vị song cũng đầy thách thức. Thú vị bởi chúng tôi biết rằng, mỗi sản phẩm mà mình được tham gia làm sẽ “không bị cất vào ngăn tủ”, mà sẽ được chuyển hóa thành một văn bản chính sách mới về đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, thách thức còn lớn hơn, bởi trong quá trình triển khai Đề tài, Chị không ngừng trăn trở, tìm tòi những hướng đi mới, cách nhìn nhận, tiếp cận và phân tích vấn đề mới, và mỗi lần những vậy, cả nhóm chúng tôi sẽ viết lại Đề tài từ đầu, hay như chúng tôi vẫn đùa là sắp đến bảo vệ Đề tài rồi mà vẫn “trắng tay”.
Sau này, khi nhìn lại, chúng tôi càng thấm thía rằng, đằng sau mỗi sản phẩm nghiên cứu mà Chị ấp ủ, thúc đẩy chúng tôi triển khai trong những năm tháng đó, là mong cầu, khát vọng mang đến những tư duy mới về hội nhập quốc tế và ngoại giao đa phương cho đất nước, kéo các bộ, ngành, địa phương “cùng đồng hành”, “vào cuộc” trong tiến trình hội nhập quốc tế, và sâu xa hơn là ước vọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
“Đam mê” với công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách
Không chỉ là một nhà ngoại giao có niềm đam mê nghiên cứu và hoạch định chính sách, Chị còn là một “bậc thầy” trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, thúc đẩy đưa các chính sách hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương đi vào cuộc sống.
Tôi vẫn nhớ như in sau mỗi lần có những văn bản chính sách mới của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương, chúng tôi lại có dịp được cùng Chị xây dựng các bài giảng, bài viết, bài trả lời phỏng vấn về công tác hội nhập kinh tế quốc tế, đối ngoại đa phương.
Cũng như làm công tác nghiên cứu, mỗi lần nhận lời đi giảng bài Chị đều chuẩn bị vô cùng tâm huyết, công phu và kỹ lưỡng. Dù phần lớn các bài giảng đều xoay quanh vấn đề hội nhập quốc tế hoặc ngoại giao đa phương, song không bài giảng nào giống bài giảng nào. Mỗi lần Chị đều nghiên cứu rất kỹ thành phần tham gia học; đọc rất nhiều tài liệu về lĩnh vực chuyên ngành, quan tâm của những bộ, ngành, địa phương tổ chức lớp học; cập nhật, làm mới các tư liệu giảng dạy theo tình hình thời sự và thực tiễn triển khai công tác đối ngoại; các slides trình chiếu ngày càng chi tiết, toàn diện hơn về nội dung và trau chuốt hơn về hình thức.
Một trong những lớp Chị nhận lời giảng dạy mà tôi vẫn ấn tượng là Lớp Bồi dưỡng kiến thức về hội nhập quốc tế dành cho Hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam. Khi giấy mời được gửi tới, tôi đã nghĩ, với một ngành đặc thù như vậy, có lẽ Chị sẽ không nhận lời. Vậy mà ngay ngày hôm sau, Chị đã bắt tay vào tìm tài liệu về ngành kiến trúc và xây dựng, về các cam kết của Việt Nam trong APEC, ASEAN…, về các diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc tế trong chuyên ngành xây dựng - kiến trúc… Và rồi trong sự ngỡ ngàng của chúng tôi, vài hôm sau một loạt bảng biểu đã được Chị dựng lên, so sánh các cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng - kiến trúc trong các cơ chế hợp tác khác nhau, phân tích các cơ hội và thách thức đặt ra đối với ngành xây dựng và kiến trúc của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, đề xuất các biện pháp để giúp các thành viên của Hiệp hội tận dụng tốt các cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại.
Chị còn là người khởi xướng nhiều ý tưởng về nội dung và công tác tổ chức trong khuôn khổ các Hội nghị Ngoại giao để thúc đẩy các đơn vị trong Bộ và các bộ, ngành đồng hành trong công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương. Có thể kể tới Phiên họp toàn thể về Công tác ngoại giao kinh tế tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 27 (2011), Phiên họp chung với Hội nghị Tham tán Thương mại về chủ đề hội nhập quốc tế tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 (2013), Phiên họp hẹp về công tác đối ngoại đa phương tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (2016), rồi Phiên họp toàn thể về đối ngoại đa phương tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (2018)…
Giờ đây, những ý tưởng mang tính “cấp tiến” của Chị về chuyển đổi tư duy trong hội nhập quốc tế và ngoại giao đa phương, từ “tham gia, ký kết, gia nhập” sang “triển khai, thực hiện”, tiếp đó là chủ động, tích cực “đóng góp, xây dựng, định hình” các quy tắc, luật chơi, rồi “nâng tầm đối ngoại đa phương” đã trở nên quen thuộc và được các thế hệ cán bộ làm công tác đối ngoại coi là kim chỉ nam trong triển khai công tác đối ngoại đa phương và hội nhập quốc tế.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga với cán bộ của Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương trong một sự kiện tổ chức tại “ngôi nhà chung” số 8 Khúc Hạo. |
Một người Chị lớn đầy bao dung và yêu thương
Không chỉ là nhà ngoại giao xuất sắc, có tầm nhìn và tận tâm với nghề, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga còn là người Chị lớn trong cuộc sống. Chị luôn làm gương và nhắc nhở chúng tôi phải sống có tình có nghĩa, phải “uống nước nhớ nguồn”, biết quan tâm, yêu thương và bao dung với đồng chí, đồng nghiệp.
Những ngày đầu khi tôi mới Tập sự Cấp Vụ, nhận thấy tôi còn bỡ ngỡ và nhiều lúng túng trong công tác quản lý, điều hành, Chị đã giao cho tôi làm Chủ tịch Công đoàn. Làm công tác công đoàn cùng Chị thực sự là “chịu sức ép lớn”, bởi Chị yêu cầu phải lập kế hoạch hoạt động Công đoàn cho cả năm, cho từng tháng, từng quý và phải bám sát các kế hoạch để triển khai. Mỗi tháng, mỗi quý, Công đoàn đều phải có hoạt động trọng tâm gắn với nhiệm vụ chính trị - đối ngoại của đơn vị hoặc những ngày lễ kỷ niệm lớn của ngành, của đất nước. Chị còn đặt ra yêu cầu phải có các hoạt động công đoàn liên đơn vị.
Và cứ như vậy, trong suốt hơn hai năm, tập thể Hợp tác kinh tế đa phương của chúng tôi đã có rất nhiều hoạt động tập thể trong “ngôi nhà chung” số 8 Khúc Hạo cùng với Vụ Châu Âu, Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO, Trung tâm Thông tin tin học và Phòng Lưu trữ trong các dịp Tết Trung thu, 8/3, 20/11, kỷ niệm thành lập Ngành... Cũng trong hai năm đó, cứ mỗi dịp Xuân về, chúng tôi đều có dịp đi Du xuân cùng Vụ Tổ chức quốc tế, Vụ Chính sách đối ngoại…; tổ chức Gala Tất niên cùng Vụ Tổng hợp Kinh tế. Tôi, và chắc hẳn nhiều anh em trong đơn vị, sẽ không bao giờ quên những ngày tháng đầy ắp kỷ niệm đó, buổi trưa ăn vội vàng để lên tập múa, tâp hát cùng nhau, những buổi chiều ngoài giờ làm việc cùng nhau ê a “chế lời” bài hát cho buổi lễ kỷ niệm Ngày thành lập Vụ…
Chị còn rất quan tâm, chăm lo cho đời sống của từng cán bộ trong đơn vị. Gia cảnh ai như thế nào, cuộc sống đang có niềm vui hay khó khăn, tâm tư gì… Chị luôn là người đầu tiên trong đơn vị biết và tìm cách chia sẻ, giúp tháo gỡ bằng những câu chuyện rất nhẹ nhàng.
Đến giờ nhìn lại, tôi mới hiểu và càng trân trọng quãng thời gian được Chị giao làm công tác công đoàn. Đó chính là những bài học quý báu mà Chị dành cho tôi về việc lập kế hoạch, tổ chức và đôn đốc triển khai các nhiệm vụ đã đề ra; là những bài học về xây dựng sự gắn kết và đoàn kết trong đơn vị, về cách thức phối hợp, hợp tác với các đơn vị trong Bộ.
Vẫn biết cuộc đời là vô thường, song sự ra đi của Chị Nguyệt Nga là một mất mát to lớn đối với những ai gắn bó và yêu mến công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương.
Chị Nguyệt Nga kính yêu, mong Chị biết rằng, được làm việc cùng Chị trong gần 10 năm là một vinh dự vô cùng to lớn. Chúng em sẽ mãi tự hào khi được nhắc tới là “cán bộ Vụ Kinh tế đa phương”, “cán bộ Ban Thư ký APEC 2017”, “cán bộ do chị Nguyệt Nga đào tạo”. Mong Chị vững tin rằng, dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, chúng em sẽ luôn mãi khắc ghi và làm theo những bài học mà Chị đã truyền lại về lòng yêu nghề, “giá trị” nghề, “đạo đức” nghề, về sự tận tâm và tinh thần công hiến, dấn thân cho công việc và sức mạnh của đoàn kết tập thể.
Chị đã sống một cuộc đời thật rực rỡ, thật ý nghĩa và trọn vẹn! Chị đã “cháy hết mình” vì sự nghiệp hội nhập quốc tế của đất nước! Chị yên tâm nghỉ ngơi Chị nhé! Chúng em sẽ mãi nhớ tới Chị!
Nguồn: https://baoquocte.vn/dai-su-nguyen-nguyet-nga-nha-ngoai-giao-tron-mot-doi-tam-huyet-voi-su-nghiep-hoi-nhap-quoc-te-cua-dat-nuoc-321536.html
Bình luận (0)