9 Luật bao gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Đường sắt.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giới thiệu về Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. (Ảnh: Phi Khanh) |
Cán bộ, công chức được tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
Giới thiệu Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc số 92/2025/QH15, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Luật gồm 5 chương với 27 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Luật quy định lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc gồm: lực lượng vũ trang; lực lượng dân sự (là cán bộ, công chức, viên chức). Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được tuyển chọn từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và bộ, ban, ngành, địa phương theo quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn đối với lực lượng thuộc phạm vi quản lý của mình, đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc.
Chính sách của Nhà nước về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đáp ứng yêu cầu hiện đại, chuyên nghiệp và phù hợp với tiêu chuẩn của Liên hợp quốc. Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong thời gian làm nhiệm vụ ở nước ngoài được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên hợp quốc.
Ngày 27/5 hằng năm là ngày truyền thống của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu. (Ảnh: Phi Khanh) |
Tạo nền tảng pháp lý cho các ngành công nghệ số mũi nhọn
Giới thiệu Luật Công nghiệp Công nghệ số, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, một số nội dung có hiệu lực ngay từ ngày 1/7/2025.
Luật đã điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản số, tạo nền tảng pháp lý đồng bộ để phát triển các ngành công nghệ số mũi nhọn.
Theo đó, luật quy định rõ các nội dung cốt lõi liên quan đến tài sản số, bao gồm: Tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác lập quyền sở hữu, giao dịch, bảo mật, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ tài sản mã hóa...
Sản phẩm công nghệ số AI phải có dấu hiệu nhận dạng, tăng cường trách nhiệm của các chủ thể phát triển, cung cấp và sử dụng AI, thúc đẩy ứng dụng AI trong kinh tế, xã hội. Phát triển dữ liệu số trong hoạt động công nghiệp công nghệ số được Luật quy định trở thành tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng và đưa trí tuệ nhân tạo trở thành phương thức sản xuất mới.
Nhà nước có chính sách ưu đãi cao nhất để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, triển khai, sử dụng trí tuệ nhân tạo. Luật Công nghiệp Công nghệ số đã định hình địa vị pháp lý cho tài sản số và quản lý tài sản số, bao gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa, đảm bảo quyền sở hữu, giao dịch và bảo mật.
Luật cũng ưu tiên đầu tư hạ tầng số thiết yếu như trung tâm dữ liệu AI, khu công nghệ số tập trung, và phòng thí nghiệm quốc gia… Những quy định mới vừa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và thông lệ quốc tế, đồng thời thiết lập cơ chế quản lý, giám sát, phòng ngừa rủi ro.
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Giới thiệu Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, Luật tạo hành lang pháp lý để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại.
Trong đó, Luật đã đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình, đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro. Đồng thời, xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ công nghệ chiến lược. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2025.
Cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định chủ thể dữ liệu cá nhân có 6 quyền đối với dữ liệu cá nhân của mình. Trong đó, có các quyền quan trọng trong xác lập căn cứ hợp pháp cho hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của các tổ chức, cá nhân có liên quan như: quyền được biết, quyền đồng ý hoặc không đồng ý, quyền rút lại sự đồng ý… Cùng với đó là quyền xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa, yêu cầu cung cấp, xóa, hạn chế xử lý, hay phản đối xử lý dữ liệu cá nhân. Khi quyền lợi bị xâm phạm chủ thể dữ liệu cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Luật Đường sắt có những quy định mới, mang tính “đột phá” cho đầu tư phát triển đường sắt, trong đó đẩy mạnh phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng và từ Chính phủ, Bộ cho chính quyền địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong đầu tư phát triển hệ thống đường sắt, đặc biệt là đường sắt địa phương. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định về điều chỉnh thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, để bảo đảm phân cấp, phân quyền triệt để cho Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ thanh khoản kịp thời cho các tổ chức tín dụng thông qua cho vay đặc biệt; quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; quy định về kê biên tài sản bảo đảm; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2025. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã đổi mới toàn diện phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo các định hướng lớn, như chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng theo rủi ro; quy định rõ nguyên tắc quản lý chất lượng phù hợp với từng mức độ rủi ro; quy định giảm nhẹ thủ tục hành chính đối với hàng nhập khẩu; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong quản lý chuỗi cung ứng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Luật Năng lượng nguyên tử bổ sung quy định về xã hội hóa, đa dạng hóa hình thức huy động nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân tham gia sâu rộng góp phần phát triển mạnh mẽ ứng dụng năng lượng nguyên tử. Luật cũng quy định về ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã bổ sung quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, tạo nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đẩy mạnh hậu kiểm thay cho tiền kiểm, cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/cong-bo-them-9-luat-moi-tao-nen-tang-phap-ly-de-phat-trien-cac-nganh-cong-nghe-so-mui-nhon-va-doi-moi-sang-tao-320676.html
Bình luận (0)