Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Cởi trói” cho dược liệu dưới tán rừng

Suốt nhiều năm, việc trồng sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu bản địa dưới tán rừng chủ yếu dựa vào nỗ lực tự phát của người dân, trong khi hành lang pháp lý vẫn còn nhiều khoảng trống. Các quy định chưa đầy đủ khiến việc mở rộng quy mô, thuê môi trường rừng hay hình thành vùng nguyên liệu tập trung gặp không ít rào cản.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng04/07/2025

1.jpg
Người trồng sâm phấn khởi khi Chính phủ ban hành Nghị định số 183/2025 tạo hành lang pháp lý rõ ràng để họ mạnh dạn đầu tư. Ảnh: PHAN VINH

Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 183/2025, quy định cụ thể hoạt động nuôi, trồng và thu hoạch cây dược liệu trong rừng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc tồn tại lâu nay, tạo động lực phát triển sinh kế xanh và từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm dược liệu của miền Trung.

Chưa quy định rõ ràng

Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch Hội Sâm Ngọc Linh Quảng Nam từng nhiều lần thẳng thắn đề cập những vướng mắc trong khung pháp lý đã vô hình trung trở thành rào cản cho sự phát triển của cây sâm Ngọc Linh.

Theo ông Lực, trong một thời gian dài, pháp luật chưa xác lập rõ khái niệm giữa sâm mọc tự nhiên và sâm được người dân trồng, khiến quá trình thu hoạch, quản lý hay kiểm định chất lượng đều lâm vào cảnh lúng túng, mập mờ.

Người dân ở vùng trồng sâm luôn trong tâm thế bất an mỗi khi bước vào vụ thu hoạch, bởi nếu không chứng minh được nguồn gốc cây trồng hợp pháp thì rất dễ bị quy chụp là khai thác trái phép tài nguyên rừng.

“Chính vì thiếu cơ chế rõ ràng trong việc cho thuê môi trường rừng để canh tác và chưa có hành lang pháp lý đầy đủ đã khiến nhiều nhà đầu tư dè chừng, còn các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và cộng đồng tại chỗ khó phát triển.

Muốn đưa sâm Ngọc Linh bước lên một đẳng cấp mới, mang tính công nghiệp và hội nhập quốc tế thì cần có nền tảng pháp lý minh bạch. Nếu điều đó chưa được tháo gỡ, sẽ không ai dám mạo hiểm đổ vốn vào một lĩnh vực nhạy cảm như thế này”, ông Lực từng trăn trở.

Sâm Ngọc Linh được người dân Xê Đăng ở Nam Trà My gây trồng từ khoảng năm 1980 đến nay. Ảnh: HỒ QUÂN
Người dân bản địa trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: HỒ QUÂN

Nhiều hộ dân trồng cây dược liệu khác cũng từng “đau đầu” vì những rào cản khi canh tác dưới tán rừng. Ông Ríah Cường, Giám đốc điều hành Hợp tác xã Nông dược Trường Sơn Xanh (xã A Tiêng cũ, nay thuộc xã Tây Giang), cho hay nhiều năm qua người dân ở đây trồng cây đẳng sâm trong rừng tự nhiên nhưng gặp khó trong việc phân định ranh giới. Rừng tự nhiên thì không ai được phép rào ngăn, mạnh ai nấy trồng dưới tán cây. Đến khi thu hoạch đẳng sâm, nhiều nhóm tranh chấp nhau vì không biết củ nào là của ai.

“Do việc trồng dược liệu dưới tán rừng trước đây hoàn toàn tự phát, không có cơ chế pháp lý rõ ràng nên người dân không thể lập hàng rào kiên cố như ở đất rừng sản xuất, dẫn đến mâu thuẫn khi khai thác. Tình trạng này khiến nhiều hộ e ngại đầu tư lớn, chỉ dám trồng cầm chừng đủ phục vụ gia đình”, ông Cường chia sẻ.

Một số vùng trồng dược liệu nằm trong khu vực rừng tự nhiên gặp rào cản về pháp lý. Ảnh: HỒ QUÂN
Trước đây, một số vùng trồng dược liệu nằm trong khu vực rừng tự nhiên từng gặp rào cản về pháp lý. Ảnh: HỒ QUÂN

Hành lang pháp lý mới

Ngày 1-7-2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 183, bổ sung Luật Lâm nghiệp hiện hành, lần đầu tiên quy định cụ thể việc trồng và thu hoạch cây dược liệu trong rừng. Đây được xem là bước ngoặt trong việc tháo gỡ các rào cản pháp lý vốn tồn tại lâu nay, đặc biệt tại các vùng núi cao, nơi người dân đã trồng sâm Ngọc Linh, ba kích, đảng sâm… nhưng chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.

Nghị định định danh khái niệm “cây dược liệu trong rừng” là những loài thực vật hoặc nấm có tác dụng chăm sóc sức khỏe, được nuôi trồng hợp pháp trong rừng, khác biệt với dược liệu mọc tự nhiên.

Việc thu hoạch được xác định là hành vi khai thác cây đã được trồng - một cách phân biệt rõ ràng với hành vi khai thác tài nguyên rừng. Nghị định cũng nêu rõ nguyên tắc xuyên suốt: Việc trồng dược liệu không được làm mất chức năng sinh thái, không xâm hại đến tài nguyên rừng.

Gian hàng của Quảng Nam tại Lễ hội Sâm và Dược liệu quốc tế TP.Hồ Chí Minh đầu năm 2024 thu hút nhiều khách hàng quan tâm. Ảnh: PHAN VINH
Một hội chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức tại vùng trồng sâm Nam Trà My. Ảnh: PHAN VINH

Lần đầu tiên, việc thuê môi trường rừng để trồng dược liệu cũng được luật hóa chi tiết. Các chủ rừng như ban quản lý rừng, doanh nghiệp nhà nước được phép cho tổ chức, cá nhân thuê rừng dưới hình thức công khai, minh bạch, với mức thuê tối thiểu bằng 5% doanh thu từ diện tích thuê. Thời hạn thuê tối đa 10 năm, có thể gia hạn. Khoản thu này là nguồn tài chính hợp pháp để tái đầu tư bảo vệ rừng và hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Đồng thời Nghị định số 183 siết chặt quản lý nhằm bảo vệ rừng: nghiêm cấm chế biến dược liệu trong rừng, cấm thu hái ồ ạt tài nguyên tự nhiên. Việc vận chuyển, sấy, bảo quản… phải thực hiện bên ngoài. Đối với các loài quý hiếm, cần tuân thủ quy định ngành và Công ước quốc tế về bảo tồn.

Với cơ chế mới, người dân, nhóm hộ và hợp tác xã tại các vùng núi cao Đà Nẵng giờ đây có cơ sở pháp lý rõ ràng để phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng một cách bền vững. Thẩm quyền phê duyệt phương án được phân cấp đến UBND cấp xã, tạo thuận lợi thực thi, góp phần hình thành sinh kế xanh, mở ra hướng đi mới cho ngành dược liệu trong chiến lược phát triển kinh tế sinh học.

Động lực của trung tâm dược liệu

Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Đà Nẵng khẳng định, Nghị định số 183 đã tháo gỡ nút thắt lâu nay trong quản lý rừng kết hợp trồng dược liệu.

Sâm Ngọc Linh được kỳ vọng trở thành trụ cột trong chiến lược hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia tại Đà Nẵng. Trong ảnh: Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết lúc còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nay là Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đến thăm Trạm Dược liệu Trà Linh (xã Trà Linh) vào năm 2024. Ảnh: HỒ QUÂN
Năm 2024, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết lúc còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (nay là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) đến thăm, khảo sát Trạm Dược liệu Trà Linh (xã Trà Linh). Ảnh: HỒ QUÂN

Cây dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng đều sinh trưởng tốt ở vùng núi cao dưới tán rừng nguyên sinh. Tuy nhiên trước đây, do chưa có hướng dẫn cụ thể, mô hình trồng sâm dưới tán rừng gần như “lơ lửng” về mặt pháp lý. Đặc biệt, việc cho thuê môi trường rừng để trồng sâm trước đây chưa được quy định rõ, khiến cả cơ quan quản lý lẫn người trồng đều lúng túng.

“Giờ đây, Nghị định số 183 có hiệu lực đã giải quyết được vấn đề này. Chính quyền có cơ sở để phê duyệt và quản lý các dự án trồng dược liệu dưới tán rừng, còn người dân và doanh nghiệp cũng yên tâm vì đã có khung pháp lý bảo hộ quyền lợi.

Với chính sách mới, mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại Đà Nẵng có điều kiện mở rộng quy mô, bảo đảm tính hợp pháp và minh bạch trong quản lý. Nhiều doanh nghiệp địa phương kỳ vọng sẽ sớm được tiếp cận quỹ đất rừng một cách hợp pháp để đầu tư các vườn sâm quy mô lớn”, ông Út nói.

Ở tầm nhìn xa hơn, Nghị định số 183 được xem là cú hích quan trọng để Đà Nẵng hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành kinh tế dược liệu.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, tinh thần cốt lõi của Nghị định 183 là gắn phát triển kinh tế dưới tán rừng với bảo vệ tài nguyên rừng một cách hài hòa và bền vững. Điều này mở đường cho Đà Nẵng phấn đấu trở thành trung tâm dược liệu của khu vực miền Trung trong những năm tới, góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế sinh học đến năm 2030.

“Khi tài nguyên rừng được quản lý hiệu quả và gắn với các mô hình sinh kế xanh, dược liệu Việt Nam, đặc biệt là những loài đặc hữu như sâm Ngọc Linh sẽ có cơ hội vươn tầm quốc gia và từng bước tiến ra thị trường quốc tế. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án phát triển trung tâm công nghiệp dược liệu tại khu vực này, lấy sâm Ngọc Linh làm sản phẩm chủ lực. Như vậy, với hành lang pháp lý thông thoáng cùng quyết tâm của chính quyền và người dân, sâm Ngọc Linh sẽ có thêm động lực mới và trở thành niềm tự hào của người dân Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung trên bản đồ dược liệu quý giá của thế giới”, ông Bửu khẳng định.

Những điểm mới của Nghị định số 183/2025/NĐ-CP

- Thuê môi trường rừng: Chủ rừng được cho thuê; bên thuê phải đấu chọn công khai. Giá thuê từ 5% doanh thu/năm, thời hạn tối đa 10 năm, có thể gia hạn.

- Phân quyền địa phương: Hộ dân, nhóm hộ được tự trồng; UBND xã được duyệt phương án, rút ngắn thủ tục.

- Bảo vệ rừng nghiêm ngặt: Không được chế biến tại chỗ; cấm khai thác cây rừng tự nhiên trá hình; giữ nguyên sinh thái và tuân thủ quy định bảo tồn.

- Trồng dược liệu trong rừng: Lần đầu cho phép hợp pháp trồng và thu hoạch dược liệu dưới tán rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất.

Nguồn: https://baodanang.vn/coi-troi-cho-duoc-lieu-duoi-tan-rung-3264908.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm