Tham dự Diễn đàn có các đại biểu và chuyên gia hàng đầu: ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (DTS); Hoàng Nguyên Vân, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số VIDTI; Nguyễn Hữu Thái Hòa, Phó Viện trưởng Viện Trí Việt IVM-VUSTA, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Cùng sự hiện diện của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã giúp sự kiện thành một không gian đối thoại chuyên sâu và giá trị.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho biết: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là động lực tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới quản trị xã hội và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đại hội XIII của Đảng cũng đề ra các giải pháp nền tảng, tập trung vào phát triển dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cụ thể hóa trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết này nêu rõ, chuyển đổi số quốc gia là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Tuy nhiên, chuyển đổi số khu vực công vẫn đối mặt với nhiều thách thức như hạ tầng số thiếu đồng bộ, dữ liệu phân tán, thiếu liên kết, nguồn nhân lực chất lượng cao hạn chế và tâm lý e dè đổi mới. Hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về chuyển đổi số còn chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và an ninh mạng.
Ông Hùng kỳ vọng diễn đàn sẽ tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn này, đưa chuyển đổi số trong khu vực công tiến gần hơn tới việc phục vụ người dân tốt hơn và góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

Phát biểu tham luận tại diễn đàn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long nhấn mạnh, chuyển đổi số trong khu vực công là trụ cột chiến lược trong cải cách thể chế quốc gia, chuyển từ quản lý hành chính sang điều hành phát triển.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã xác lập chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học-công nghệ là động lực chính của tăng trưởng.
Ông Long nhận định chuyển đổi số cần được tích hợp vào cải cách kinh tế-thể chế và hiệu quả phải được đo lường bằng phân bổ nguồn lực, năng suất khu vực công và tác động thị trường. Ông đề xuất nâng cao hiệu quả đầu tư số, ban hành Luật Chuyển đổi số riêng hoặc sửa đổi Luật Công nghệ thông tin và thiết lập cơ chế giám sát độc lập.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng chuyển đổi số khu vực công tại Việt Nam đối mặt với thách thức về hạ tầng và nhân lực nhưng cũng mở ra cơ hội lớn.
Việt Nam cần học hỏi các mô hình thành công như Estonia, Singapore, Hàn Quốc để xây dựng chính phủ số hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, minh bạch và an toàn. Ông đề xuất đầu tư hạ tầng, đào tạo nhân lực, hợp tác công-tư, nâng cao nhận thức và bảo đảm an ninh mạng.

Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Chính sách & Chuyển đổi tại Viện Tony Blair vì Thay đổi toàn cầu (TBI), chia sẻ quan điểm về xây dựng hạ tầng số toàn diện, kết nối kỹ thuật và chiến lược.
Về nhân lực số, ông nhấn mạnh năng lực hệ sinh thái quan trọng hơn số lượng. Ông gợi ý Việt Nam nên xây dựng mô hình "Sandbox Chính sách số", tích hợp "Trí tuệ công" vào hành chính số và thành lập "Liên minh năng lực số khu vực công".
Ông Khôi khẳng định Việt Nam cần đầu tư vào năng lực sử dụng công nghệ để giải quyết các bài toán của khu vực công, không nên chạy theo công nghệ.
Việc thử nghiệm chính sách, xây dựng liên minh năng lực công nghệ và đào tạo tư duy hệ sinh thái sẽ là nền tảng để chuyển đổi số thực sự mang lại hiệu quả xã hội.

Diễn đàn đã tổ chức Tọa đàm "Tăng cường hợp tác chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội", nơi các cơ quan và doanh nghiệp đã đóng góp nhiều tham luận quan trọng.
Các ý kiến tại tọa đàm thống nhất, chỉ khi hệ sinh thái chuyển đổi số khu vực công hiện thực hóa bằng hành động cụ thể và chính sách đồng bộ, chuyển đổi số mới thực sự trở thành đòn bẩy chiến lược, xây dựng nền hành chính hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững trong kỷ nguyên số.
Nguồn: https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-khu-vuc-cong-cai-cach-the-che-va-nang-cao-nang-luc-quoc-gia-post894419.html
Bình luận (0)