Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa hai cấp chính quyền địa phương

Ngày 24/7, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa hai cấp chính quyền địa phương".

Báo Nhân dânBáo Nhân dân24/07/2025

Các khách mời tham dự tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa hai cấp chính quyền địa phương". (Ảnh: NHẬT BẮC)
Các khách mời tham dự tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa hai cấp chính quyền địa phương". (Ảnh: NHẬT BẮC)

Tọa đàm có sự tham dự của các đồng chí: Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội; Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ; Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam; Trịnh Ngọc Trâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Cửa Nam, thành phố Hà Nội.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận sâu về kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào thực tế xây dựng và vận hành mô hình chính quyền mới.

Khoa học và công nghệ là nền tảng để phục vụ người dân

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chia sẻ: Ngay khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 vào cuối năm 2024, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cũng như các cấp chính quyền của thành phố đã xác định đây là chiếc chìa khóa vàng.

Nghị quyết không đơn thuần chỉ là nghị quyết về chuyển đổi số, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà quan trọng hơn là thiết kế lại mô hình quản trị đô thị.

Thành phố nhận thức rất sâu sắc và trong quá trình triển khai, đã ban hành các chương trình hành động thông suốt từ cấp thành phố đến cấp quận/huyện thời điểm trước và cấp xã/phường sau này (126 xã/phường).

Theo ông Dũng, kinh nghiệm của Hà Nội được gói gọn trong 3 yếu tố: Đồng bộ; Dữ liệu và Chủ động. Thứ nhất là đồng bộ trong tổ chức thực hiện, từ nhận thức của cấp ủy đến hành động của chính quyền cũng như đến từng cán bộ cơ sở khi xử lý các nội dung liên quan đến thực hiện Nghị quyết 57.

Thứ hai, dữ liệu chính là nền tảng. Thành phố nhận thức sâu sắc muốn quyết định vấn đề gì cũng phải có dữ liệu và dữ liệu sẽ quyết định chính xác nhất, theo thời gian thực nhất.

Thứ ba là chủ động. Thành phố quán triệt tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và trong quá trình ấy, Hà Nội thành lập rất nhiều tổ/nhóm. Trên cơ sở từ những cán bộ làm trực tiếp, rồi nhận từ phản ánh của người dân, Thành phố tiếp tục hoàn thiện các quy trình, nội dung… để thực hiện Nghị quyết này.

Sau 3 tuần chính thức vận hành, thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 66 nghìn hồ sơ để triển khai các thủ tục. Đến thời điểm này, cơ bản bộ máy chính quyền địa phương hai cấp vận hành thông suốt và đồng bộ.

Với quan điểm "không ai bị bỏ lại phía sau", trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ người dân, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các đối tượng nộp thuế, người già cũng như người khuyết tật, để phục vụ thủ tục hành chính.

Bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Cửa Nam, thành phố Hà Nội cho biết: “Tại địa phương, chúng tôi xác định việc triển khai nhiệm vụ về khoa học, công nghệ và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung là hết sức quan trọng, là nền tảng để nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ người dân”.

Ngay từ những cuộc họp đầu tiên triển khai chủ trương lớn của thành phố, chính quyền phường Cửa Nam đã chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn, chuyên gia và tư vấn công nghệ để từng bước xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung toàn phường, đặc biệt là sau quá trình sáp nhập địa bàn. Việc này không chỉ giúp chuẩn hóa, tổng hợp và quản lý dữ liệu dân cư, mà còn phục vụ hiệu quả trong theo dõi các lĩnh vực như đất đai, kinh doanh, kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, bà Trâm cũng cho rằng, đây là một quá trình không hề đơn giản. “Chúng tôi phải làm, phải làm ngay và phải làm từng bước một cách bài bản. Trong quá trình triển khai, rất cần sự hỗ trợ của các chuyên gia và định hướng chính sách rõ ràng từ thành phố, đặc biệt là về phân quyền khai thác dữ liệu dùng chung theo từng cấp quản lý”, bà Trâm cho hay.

Hơn 3.200 xã vận hành trơn tru hệ thống thông tin, chuyển đổi số

Ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc cho vận hành chính quyền địa phương hai cấp, Bộ nhận thức rất rõ, nền tảng số là một yếu tố vô cùng quan trọng để bảo đảm việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân cũng như điều hành của chính quyền khi chúng ta sáp nhập các tỉnh cũng như kết thúc một cấp chính quyền, chỉ còn hai cấp.

Do vậy, ngày 7/4, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có hướng dẫn tới 63 tỉnh thành phố về các quy trình thủ tục, các bước để nâng cấp các hệ thống thông tin, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân cũng như các hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành trên tinh thần chỉ đạo sắp xếp tinh gọn bộ máy của Chính phủ.

Tiếp theo, Bộ nhận thấy rằng, cần phải có thí điểm. Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp cùng với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và doanh nghiệp công nghệ số thí điểm việc nâng cấp 5 hệ thống thông tin để phục vụ vận hành chính quyền mới.

“Chúng tôi chọn Thành phố Hồ Chí Minh vì đây là địa phương sát nhập 3 tỉnh có quy mô lớn, có cấu trúc hệ thống thông tin phức tạp để thí điểm. Sau thời gian thí điểm, chúng tôi tiếp tục dựa trên kết quả thí điểm để có văn bản hướng dẫn lại nâng cấp hệ thống thông tin để bảo đảm vận hành”, Thứ trưởng cho biết.

Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn tất cả các bộ, ngành triển khai công khai các quy trình thủ tục hành chính theo 28 nghị định về phân cấp phân quyền của các bộ, ngành cho các địa phương.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành đã khẩn trương tập trung triển khai thủ tục hành chính và công khai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số phối hợp cùng các địa phương thực triển khai quy trình nội bộ và cấu hình các thủ tục hành chính trên các hệ thống thông tin của các ban, tỉnh, địa phương.

Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ số, những doanh nghiệp triển khai hệ thống thông tin, phải bố trí ít nhất 2 người tại tuyến xã để tập huấn cho cán bộ công chức thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và hỗ trợ cho cán bộ công chức để thực triển khai các hệ thống, vận hành hệ thống điều hành chính quyền các cấp. Mục tiêu là giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, không được đình trệ và bảo đảm liên thông, thông suốt; hệ thống điều hành của chính quyền cũng vậy.

Thứ trưởng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng yêu cầu 2 doanh nghiệp bưu chính là VNPost và Viettel Post, mỗi đơn vị cử một người túc trực tại các xã để hỗ trợ việc tiếp nhận hồ sơ khi người dân đến làm hồ sơ trực tuyến tại các xã mới này.

Hiện nay, chúng ta có hơn 12.000 cán bộ của các doanh nghiệp công nghệ số tham gia đồng hành với 3.219 xã để triển khai chuyển đổi trong quá trình sáp nhập. Bên cạnh đó, còn có lực lượng công an, quân đội và sinh viên tình nguyện cũng đã vào cuộc.

Như vậy, chỉ đạo của Phó Thủ tướng trong 4 ngày liên tiếp đến ngày 30/6 khi tổng kết lại thì cơ bản tất cả các hệ thống thông tin, chuyển đổi số của hơn 3.200 xã đã vận hành trơn tru, đáp ứng các yêu cầu.

"Ngày 1/7 khi chúng ta chuyển đổi mô hình chính quyền hai cấp, cơ bản việc cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân cũng như các hoạt động điều hành của chính quyền các cấp và các hội nghị truyền hình từ Trung ương đến địa phương vận hành trơn tru, đáp ứng được các yêu cầu cơ bản đặt ra cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long cho biết.

Theo ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), từ ngày 1/7/2025, 34 tỉnh, thành phố, trong đó có 23 tỉnh, thành phố sau sắp xếp và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã trong trong cả nước đã bước vào mô hình mới - mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Thực tiễn triển khai của các địa phương và qua nắm bắt tình hình của Bộ Nội vụ, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ trong tổ chức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, cho thấy, mặc dù thời gian đi vào vận hành mới hơn 3 tuần (tính đến nay là 23 ngày) nhưng bước đầu đã có những kết quả rất tích cực. Điều này cho thấy chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong tổ chức mô hình chính quyền địa phương mới, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước ta tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Đến nay nhờ sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, bước đầu bộ máy vận hành tương đối trơn tru, hiệu quả, liên thông, thông suốt, quan trọng nhất là không làm gián đoạn quá trình triển khai chuyển tiếp mô hình chính quyền địa phương 3 cấp sang chính quyền địa phương 2 cấp.

Cấp xã cũng đã quan tâm hoàn thiện đồng bộ, tổ chức hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương cấp xã theo mô hình mới. Ủy ban nhân dân của 3.321 đơn vị cấp xã trên cả nước đã hoàn thiện tổ chức bộ máy, thành lập các cơ quan chuyên môn, trong đó đặc biệt là Trung tâm Phục vụ hành chính công - nơi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp ngay từ cơ sở.

Ông Phan Trung Tuấn cũng cho biết, qua nắm bắt của Bộ Nội vụ, công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp ở địa bàn cơ sở trên cả nước tương đối đồng bộ, có hiệu quả, không gián đoạn công việc.

Đáng lưu ý, hầu hết các địa phương trên cả nước, đặc biệt ở cấp xã, đã đưa vào vận hành hệ thống giải quyết dịch vụ công có kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tạo thuận lợi cho việc kết nối, giải quyết các thủ tục hành chính, các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

“Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ tổng hợp, khối lượng giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính tăng dần theo từng ngày. Đến thời điểm này, số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến trên môi trường điện tử ở nhiều địa phương là khá lớn và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng như yêu cầu của người dân”, ông Phan Trung Tuấn cho hay.

Nguồn: https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-cau-noi-song-con-giua-hai-cap-chinh-quyen-dia-phuong-post896086.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm