Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế "Từ Mekong đến đại dương: Kết nối thế hệ trẻ của các trường trung học thuộc khối LabelFrancEducation tại Quy Nhơn", học sinh và giáo viên từ nhiều quốc gia đã có cơ hội đặc biệt được giao lưu trực tiếp với GS Duncan Haldane – nhà vật lý lừng danh người Anh.
GS Duncan Haldane – chủ nhân Giải Nobel Vật lý 2016, chia sẻ với học sinh và giáo viên từ nhiều quốc gia.
Buổi trò chuyện không chỉ là cuộc gặp gỡ tri thức mà còn là nơi những giá trị nền tảng của giáo dục, khoa học và đam mê khám phá được đánh thức một cách tự nhiên nhưng đầy sức gợi mở.
Ngay mở đầu, GS Haldane nhấn mạnh vai trò của giáo viên trong việc khơi dậy tình yêu khoa học. “Hầu hết những người thành công trong khoa học đều nhắc đến một người thầy đặc biệt đã truyền cảm hứng cho họ từ khi còn rất sớm, có thể là ở trường tiểu học”, ông chia sẻ.
Lời nhắn ấy như một sự khích lệ dành cho các thầy cô giáo, những người âm thầm gieo mầm cho tương lai bằng những bài học đôi khi rất giản dị, nhưng đủ để thắp lên trong học sinh tinh thần khám phá bền bỉ.
Khi được hỏi về ý nghĩa của giải Nobel, GS Haldane trả lời nhẹ nhàng, điều quan trọng nhất không nằm ở danh hiệu, mà ở khoảnh khắc con người phát hiện ra điều gì đó chưa từng ai biết đến. “Sự thỏa mãn đến từ cảm giác bạn vừa chạm vào điều mới mẻ và có thể truyền cảm hứng cho người khác tiếp tục tiến về phía trước”.
Bằng những ví dụ gần gũi, ông dẫn dắt người nghe bước vào thế giới lượng tử – lĩnh vực ông dành cả sự nghiệp để theo đuổi. Những khái niệm như “vướng víu lượng tử”, “thông tin lượng tử” hay “topologie” trở nên dễ hiểu hơn qua những cách lý giải sinh động: “Việc chúng ta không rơi xuyên qua sàn nhà là nhờ nguyên lý Pauli – một nguyên lý lượng tử ngăn các electron ở cùng một trạng thái. Đó là khoa học, không phải phép màu”.
Học sinh đặt câu hỏi giao lưu với GS Duncan Haldane.
Ông kể về những ngày đầu với ý tưởng từng bị xem là sai lầm và chính bản thân ông cũng từng hoài nghi nó. Nhưng thí nghiệm, như ông nói, là nơi khoa học lên tiếng: “Trong khoa học, cuối cùng ta phải quay lại với thực nghiệm. Thí nghiệm nói lên điều gì là đúng”.
Giáo sư Haldane gọi thời đại hiện nay là “cuộc cách mạng lượng tử thứ hai”, nơi những ý tưởng từng mang tính triết học đang dần trở thành nền tảng công nghệ: từ máy tính lượng tử, bảo mật thông tin, đến vật liệu bền vững.
Không chỉ dừng lại ở vật lý, ông thể hiện mối quan tâm đến trí tuệ nhân tạo (AI), biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và cả vai trò của giáo dục trong thích ứng với thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Ông thẳng thắn ủng hộ năng lượng hạt nhân như một giải pháp thực tế, đồng thời nhấn mạnh “khoa học và công nghệ không chỉ giúp chúng ta thích nghi, mà còn giúp thay đổi thế giới”.
Trò chuyện với học sinh, ông luôn lặp lại một lời khuyên đơn giản nhưng sâu sắc: “Hãy tìm điều bạn thực sự yêu thích. Khi bạn đam mê, bạn sẽ không ngừng học và bạn sẽ đi rất xa”.
Ông cũng nhấn mạnh vai trò của toán học như một nền tảng thiết yếu: “Vật lý không phải là toán học, nhưng toán là ngôn ngữ để nói về vật lý. Và toán học, theo nghĩa rộng, là công cụ để giải quyết vấn đề trong mọi lĩnh vực”.
Với tư cách một nhà nghiên cứu kiêm giảng viên đại học, ông chia sẻ thêm: “Việc cố gắng giảng giải những điều phức tạp một cách đơn giản đôi khi giúp tôi tự tháo gỡ được những vấn đề trong nghiên cứu”. Với ông, dạy học không chỉ là chia sẻ kiến thức, mà còn là cách để làm mới lại chính tư duy của người giảng dạy.
GS Duncan Haldane chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh và giáo viên.
Buổi trò chuyện khép lại bằng những chia sẻ không phô trương, nhưng đủ sức gợi mở một cách nhìn sâu sắc về khoa học, nơi không phải câu trả lời, mà chính những câu hỏi đúng mới là khởi đầu cho khám phá.
Giáo sư Haldane không truyền giảng công thức thành công, mà nhấn mạnh vào điều căn bản: hãy tò mò, dũng cảm hoài nghi và kiên nhẫn theo đuổi điều mình thực sự muốn hiểu. Đó không chỉ là tinh thần khoa học, mà cũng là điều mà giáo dục cần gìn giữ nếu muốn nuôi dưỡng những thế hệ biết nghĩ khác và dám đi xa. Bởi đổi mới sáng tạo, sau cùng, không bắt đầu từ một hệ thống mà từ một người học, với một câu hỏi chưa ai từng đặt.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/chu-nhan-giai-nobel-vat-ly-2016-khoa-hoc-khong-bat-dau-tu-giai-thuong-ma-tu-dam-me/20250630094724647
Bình luận (0)