Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chủ động phát triển nguồn điện mới

Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng, ngành điện đầu tư nhiều công trình lưới điện, đi trước một bước. Đặc biệt, sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, ngành điện đầu tư phát triển các dự án nguồn điện mới, nhất là thủy điện tích năng, điện khí..., nhằm chủ động cung ứng cấp điện an toàn, liên tục cho thành phố.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng05/07/2025

dt-pt___luoidien(1).jpg
Các lực lượng liên ngành đi kiểm tra, tuyên truyền phòng chống cháy rừng và an toàn hành lang lưới điện trong cao điểm mùa nắng nóng 2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ảnh: NAM TRÂN

Nguồn cấp điện từ điện lưới quốc gia cho thành phố Đà Nẵng hiện nay gồm 1 trạm biến áp 500kV (trạm Đà Nẵng có tổng dung lượng 900MVA) và 4 trạm biến áp 220kV với tổng dung lượng 1.750MVA (gồm các trạm Đà Nẵng, Hòa Khánh, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu).

Để đáp ứng nhu cầu cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn thành phố, từ năm 2016 đến nay, ngành điện hoàn thành 21 công trình lưới điện 110kV với tổng mức đầu tư hơn 1.768 tỷ đồng. Đồng thời, hoàn thành 272 công trình lưới điện trung, hạ áp trong giai đoạn 2016-2023 với tổng mức đầu tư 2.894 tỷ đồng; đã và đang thực hiện 50 danh mục công trình lưới điện trung, hạ áp trong giai đoạn 2024-2025 với tổng mức đầu tư 434 tỷ đồng.

Phụ tải của thành phố Đà Nẵng được cấp điện từ lưới điện quốc gia qua 16 trạm biến áp 110kV với tổng công suất lắp đặt 1.623MVA, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn trong những năm đến bởi công suất sử dụng điện cực đại trong một thời điểm của mùa nắng nóng năm 2025 được dự báo khoảng 760MW (tăng 10,9% so với công suất cực đại mùa khô năm 2024).

Cùng với đó, chỉ số SAIDI (thời gian mất điện trung bình của khách hàng) ở mức rất thấp so với cả nước, thể hiện việc bảo đảm cấp điện rất an toàn, liên tục cho thành phố, nhất là hệ thống nguồn, lưới điện được ngành điện đánh giá là đã đi trước một bước.

Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng Nguyễn Đình Tuân, trong các giải pháp bảo đảm cấp điện an toàn cho thành phố mùa nắng nóng năm nay, công ty lập danh sách hơn 200 khách hàng có trang bị máy phát điện bằng nhiên liệu diesel dự phòng với tổng công suất khoảng 250MVA, công suất khả dụng huy động ước đạt 180MVA.

Khi xảy ra thiếu điện cục bộ hoặc sự cố trên hệ thống điện quốc gia, các nguồn điện dự phòng này sẽ được huy động cấp điện tại chỗ. Công ty đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện, phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ toàn thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đình Phúc nhìn nhận, thực tế, nguồn điện quốc gia vẫn đang thiếu. Trong khi đó, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không có nguồn phát điện lớn nào, chỉ có nhà máy điện (diesel) Cầu Đỏ dùng để dự phòng.

Tiềm năng lớn nhất của thành phố là nguồn năng lượng mặt trời, nhưng việc phát triển điện mặt trời mái nhà của doanh nghiệp và người dân chỉ mới đạt công suất nhỏ. Các nguồn năng lượng khác như điện rác, điện sinh khối... còn gặp nhiều khó khăn. Nhìn chung, việc phát triển các nguồn phát điện trên địa bàn thành phố còn hạn chế, đòi hỏi người sử dụng điện phải tiết kiệm, sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Để chủ động cung ứng, cấp điện an toàn, liên tục cho thành phố Đà Nẵng trong tương lai, ngày 7/3/2025, UBND thành phố ban hành Công văn số 1316/ UBND-SCT đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch dự án thủy điện tích năng Đà Nẵng để triển khai trong giai đoạn 2031-2035 với công suất đến 595MW.

Bên cạnh đó, từ đề xuất của thành phố, tại Quyết định số 768/ QĐ-TTg ngày 15-4-2025 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng được đưa vào danh mục vị trí tiềm năng phát triển các dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG (sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng làm nhiên liệu để sản xuất điện)…

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam (cũ), hiện trên địa bàn có 34 công trình thủy điện và nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (30MW) đã được vận hành phát điện với tổng công suất thiết kế 1.626MW. Bên cạnh đó, có hơn 1.400 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt hơn 131MW.

Tỉnh được cấp điện từ 19 trạm biến áp 110kV với tổng công suất 1.062MVA (cấp điện từ 4 trạm biến áp 220kV với tổng công suất 1.250MVA). Công suất phụ tải ngày cực đại trong năm 2024 gần 482MW...

Tại Kế hoạch số 4802/KH-UBND ngày 3-6-2025 của UBND tỉnh Quảng Nam về thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh triển khai các nội dung nhằm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ công suất tăng thêm trên địa bàn đến năm 2035 đối với thủy điện nhỏ là 756,3MW; thủy điện lớn 105MW (Thủy điện A Vương mở rộng); thủy điện tích năng 300MW (Thủy điện tích năng A Vương); điện mặt trời mái nhà 163MW, điện mặt trời tập trung 50MW; điện gió trên bờ và gần bờ 100MW (dự án Điện gió TDX Quảng Nam 1); điện rác 50MW, điện sinh khối 400MW; điện khí 1.500MW (2 nhà máy)...

Đặc biệt, địa phương thúc đẩy phát triển dự án Trung tâm điện khí miền Trung theo quy hoạch gắn với các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và sản phẩm sau khí, tạo động lực phát triển mới trên địa bàn và vùng.

Nguồn: https://baodanang.vn/chu-dong-phat-trien-nguon-dien-moi-3265022.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm