Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện “Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải phục vụ Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta vùng ĐBSCL”

(CTO) - Chiều 23-7, Trung tâm khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức sơ kết, chia sẻ kinh nghiệm triển khai “Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải phục vụ Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta vùng ĐBSCL”.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ23/07/2025


Đại biểu trình bày báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện “Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải phục vụ Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta vùng ĐBSCL”.

 

Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; các đơn vị thuộc bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiêu biểu... dự sơ kết.

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải phục vụ Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta vùng ĐBSCL được triển khai thực hiện từ năm 2024, trên phạm vi các tỉnh, thành ĐBSCL trừ tỉnh Bến Tre cũ. Mô hình sản xuất ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, sản xuất lúa gạo thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải, giảm chi phí và nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nhãn hiệu gạo “giảm phát thải” và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; đồng thời tập trung xây dựng và phát triển bền vững vùng nguyên liệu liên kết sản xuất tiêu thụ lúa giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp xuất khẩu…

Tại buổi sơ kết, các đại biểu chia sẻ cơ hội và thách thức trong phát triển sản xuất lúa phát thải thấp tại Việt Nam; báo cáo tiến bộ kỹ thuật neorice và định hướng phát triển; quá trình triển khai xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải phục vụ Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta vùng ĐBSCL...

Nhu cầu, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện là thị trường lúa chất lượng cao, phát thải thấp và thị trường tín chỉ carbon; tăng thu nhập và giá trị sản phẩm lúa và phụ phẩm; sản xuất và tiêu thụ bền vững (xã hội, kinh tế, môi trường); tiêu chuẩn, MRV, bảo hộ sản xuất lúa gạo bền vững, giảm phát thải; kết nối mạng lưới giữa thị trường, sản xuất và chính sách...

Đặc biệt, từ 2024 đã thực hiện 7 mô hình thí điểm triển khai quy trình canh tác giảm phát thải với diện tích 50ha/mô hình trong 2 vụ hè thu, thu đông tại 5 tỉnh, thành.

Kết quả bước đầu cho thấy mô hình sản xuất giảm chi phí từ 8,2%-24,2%, giảm lượng giống 30-50%, giảm lượng phân bón hoá học 30-70kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm 30-40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7%, tăng thu nhập của nông dân thêm 12-50% (tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống); giảm phát thải khí nhà kính trung bình 2-12 tấn CO2/ha. Giá lúa được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg.

Vụ hè thu 2025, tiếp tục triển khai 6 mô hình và mở rộng thêm 5 mô hình mới để tiếp tục thực hiện quy trình canh tác giảm phát thải đồng thời phối hợp với IRRI và WB thí điểm quy trình MRV. Dự kiến cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ kết thúc thu hoạch ở các mô hình. Kết quả bước đầu cho thấy việc triển khai thực hiện quy trình MRV khá thuận lợi, được người dân và chính quyền địa phương hưởng ứng, đánh giá cao…

Bà Huỳnh Kim Định, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia, cho biết: Sơ kết là buổi chia sẻ những bài học thực tiễn và cách làm sáng tạo từ các địa phương; đồng thời là hoạt động kết nối hợp tác công - tư, huy động nguồn lực quốc tế để mở rộng quy mô tham gia đề án và tăng hiệu quả mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục làm đầu mối phối hợp kỹ thuật - tổ chức - nhân rộng mô hình; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý canh tác; thúc đẩy hợp tác công - tư, mở rộng mạng lưới đối tác trong và ngoài nước tham gia thực hiện mô hình.

Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động sáng tạo, huy động nguồn lực và nhân rộng mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn. Các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ tiếp tục đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nguồn lực cho ĐBSCL triển khai thực hiện mô hình và bước vào một chặng đường chuyển mình quan trọng, từ sản xuất đơn thuần sang nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh...

Tin, ảnh: HÀ VĂN

Nguồn: https://baocantho.com.vn/chia-se-kinh-nghiem-thuc-hien-mo-hinh-san-xuat-lua-chat-luong-cao-giam-phat-thai-phuc-vu-de-an-phat-a188790.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm