Khi hiến máu cứu người được duy trì, lan tỏa và trở thành một nét văn hóa trong gia đình thì điều này không chỉ góp phần cứu sống một ai đó mà còn bồi đắp giá trị sống cho mỗi cá nhân. Gia đình anh Nguyễn Văn Linh là một minh chứng sinh động - nơi mà hiến máu đã trở thành một phần của nhịp sống, một “truyền thống đỏ”.
Anh Nguyễn Văn Linh tham gia hiến máu.
Từ nét đẹp gia đình
Gia đình anh Nguyễn Văn Linh (xã Hoằng Hóa) là một trong những “hạt nhân” tích cực của hoạt động hiến máu tình nguyện. Anh Linh sinh năm 1968, bắt đầu tham gia hiến máu lần đầu vào năm 2007. Khi đó, phong trào hiến máu tình nguyện còn chưa phổ biến, nhiều người còn do dự vì chưa hiểu hết lợi ích của việc hiến máu. Nhưng với anh Linh, đó là một quyết định rất đỗi tự nhiên bởi những tháng ngày rèn luyện trong quân đội và hoạt động trong Hội Chữ thập đỏ, anh đã hiểu môt điều: Máu có thể chờ người bệnh nhưng người bệnh không thể chờ máu. Vậy nên khi còn khỏe thì hãy cho máu để lan tỏa những điều ý nghĩa.
Hiến máu là cho đi mà không mất, nhưng nhận lại rất nhiều: niềm vui, lòng tự hào, sự khỏe mạnh và cả những mối liên kết giữa người với người.
Anh Linh chia sẻ: “Hiến máu là cho đi mà không mất, nhưng nhận lại rất nhiều: niềm vui, lòng tự hào, sự khỏe mạnh và cả những mối liên kết giữa người với người”. Với tâm niệm đó, anh Linh luôn duy trì hiến máu mỗi năm một lần. Các đợt hiến máu trở thành những mốc thời gian đặc biệt trong năm, lúc mà anh dành thời gian trao đi hành động từ tâm để giúp người.
Cùng với tích cực tham gia hiến máu, anh Linh thường chia sẻ với vợ con về hoạt động hiến máu tình nguyện, những cảm xúc của bản thân khi tham gia hiến máu cũng như ý nghĩa của việc hiến máu trong những bữa cơm gia đình.
Trong những câu chuyện của mình, anh không quên kể về những người bệnh rơi vào tình huống nguy hiểm cần máu cấp cứu và điều trị bệnh, hay câu chuyện về sự sống được nối dài nhờ những giọt máu tình nguyện.
Tình yêu với nghĩa cử nhân ái cùng với những câu chuyện của anh đã “gieo hạt” vào lòng người thân yêu của anh để “nảy mầm” nên bao lần tình nguyện hiến máu. Vợ anh - chị Lê Thị Thảo (sinh năm 1972, công tác tại Trường tiểu học Hoằng Ngọc) chia sẻ: “Ban đầu, tôi cũng chỉ nghe anh kể rồi ủng hộ trong lòng. Nhưng dần dần, những câu chuyện hiến máu của chồng đã trở thành những điều gắn liền với gia đình tôi. Thấy chồng làm đều đặn, lại vui vẻ, khỏe mạnh và được mọi người quý trọng, tôi cũng thấy mình cần phải góp phần.”
Chị Lê Thị Thảo hiến máu tình nguyện.
Năm 2013, chị Thảo đã chính thức tham gia hiến máu tình nguyện. Kể từ đó, năm nào chị cũng tích cực tham gia hiến máu tại địa phương và đơn vị công tác. Chị Thảo chia sẻ: “Lần đầu tiên hiến máu, cảm giác của tôi lạ lắm, vừa hồi hộp, vừa vui. Sau này, mỗi lần hiến máu, được làm điều ý nghĩa, tôi cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn. Từ đó, hai vợ chồng tôi luôn cùng nhau giữ thói quen đặc biệt ấy, xem đó là một cách để sống tốt, sống ý nghĩa hơn”.
Không chỉ vợ mà hai con của anh chị cũng đã dần quen với câu chuyện hiến máu tình nguyện. Từ những câu hỏi: Sao năm nào bố cũng hiến máu? Hiến máu có đau không ạ? Hai người con của anh Linh chị Thảo đã ước muốn khi lớn lên, đủ điều kiện sức khỏe sẽ tham gia hiến máu tình nguyện giống bố mẹ.
Bạn Nguyễn Trường Sơn (1994), con trai anh Linh - chị Thảo chia sẻ: “Hiểu được tầm quan trọng của hiến máu nên khi còn là sinh viên tôi đã tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Đến khi công tác trong ngành y tế, việc hiến máu đã trở thành việc làm thường xuyên của tôi với mong muốn những giọt máu của mình có thể duy trì sự sống cho người bệnh cần máu. Có năm tôi đã tham gia hiến máu 3-4 lần. Đến nay tôi đã tham gia hiến máu gần 20 lần. Đối với tôi, hiến máu không chỉ là nghĩa vụ cứu người, mà còn là sự tiếp bước tự hào từ bố mẹ”.
Đến lan tỏa, kết nối cộng đồng
Đối với các thành viên trong gia đình anh Linh, hiến máu đã trở thành một ngôn ngữ đặc biệt để kết nối các thành viên. Mỗi lần gặp gỡ, đặc biệt là dịp tháng 7 - tháng của Hành trình Đỏ, câu chuyện về hiến máu tình nguyện trong ngôi nhà anh Linh lại trở nên sôi động hơn. Mọi người lại kể nhau nghe về những lần hiến máu, những người đã vượt qua lo lắng trong lần đầu hiến máu, những câu chuyện cứu người bằng giọt máu nhận được. Và cứ thế, cái cách mà họ trân trọng sự sống, trân trọng con người, đã được gieo trong chính những giọt máu hồng ấy.
Anh Nguyễn Văn Linh động viên người dân đăng ký hiến máu tình nguyện.
Không chỉ là nét đẹp của gia đình, mỗi thành viên trong gia đình anh Linh còn tích cực tuyên truyền, vận động bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm tham gia hiến máu. Anh Linh chia sẻ: “Nhiều người hỏi tôi hiến máu có mệt không, thấy có người hiến máu bị ngất. Tôi cười, bảo không sao. Năm nào tôi cũng hiến máu mà vẫn chạy như thoi đây. Còn hiến máu được là sức khỏe còn tốt. Cứ thử hiến đi”.
Năm nào tôi cũng hiến máu mà vẫn chạy như thoi đây. Còn hiến máu được là sức khỏe còn tốt. Cứ thử hiến đi.
Với lời chia sẻ giản dị từ tâm và hành động lặng lẽ những bền lâu của các thành viên gia đình anh Linh, không ít hàng xóm, đồng nghiệp từng băn khoăn, lo lắng về việc hiến máu, đã thay đổi nhận thức, tin tưởng lời khuyên của anh chị, quyết định hiến máu và tiếp tục lan tỏa hành động nhân văn ấy.
Câu chuyện của gia đình anh Linh là minh chứng rõ ràng cho một giá trị sống nhân văn: Mỗi hành động sẻ chia, dù nhỏ, nếu được lặp lại bằng tình yêu thương và trách nhiệm, sẽ tạo nên sức mạnh lớn lao, đủ sức lay động, kết nối và thay đổi các thành viên trong gia đình cũng như cộng đồng.
Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, đôi khi người ta quên mất rằng, điều ý nghĩa nhất không nằm ở vật chất mà ở sự cho đi. Và gia đình anh Nguyễn Văn Linh đã âm thầm nhắc nhớ điều đó bằng chính những hành động giản dị nhưng đầy cảm hứng: Hiến giọt máu đào - trao đời sự sống.
Thanh Hóa là 1 trong 5 địa phương trên cả nước tổ chức đầy đủ 13 kỳ Hành trình Đỏ liên tiếp, khẳng định vị thế đầu tàu trong phong trào hiến máu tình nguyện, đồng thời cho thấy tinh thần nhân đạo đã trở thành mạch nguồn bền vững trong đời sống văn hóa - xã hội của tỉnh. Với 13 năm bền bỉ đồng hành cùng Hành trình Đỏ - từ những ngày đầu còn nhiều khó khăn, đến nay đã trở thành điểm sáng trong phong trào Chữ thập đỏ toàn quốc - Thanh Hóa không chỉ giữ vững cam kết, mà còn lan tỏa mạnh mẽ thông điệp sống đẹp, sống có ích đến mọi tầng lớp Nhân dân. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, Thanh Hóa đã vận động và tiếp nhận hơn 25.000 đơn vị máu từ người dân trên toàn tỉnh, tiếp tục khẳng định là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào hiến máu tình nguyện. |
Thùy Linh
—
Bài cuối: Những điều đọng lại!
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/cau-chuyen-nho-trong-hanh-trinh-do-bai-6-ca-nha-cung-hien-mau-253994.htm
Bình luận (0)