Ảnh bìa cuốn sách“ Tướng Cao Văn Khánh, hồi ức lịch sử”-Ảnh: N.B
Cho đến nay có 2 cuốn sách viết về tướng Cao Văn Khánh tương đối đầy đủ, cụ thể. Đó là: “Tướng Cao Văn Khánh, hồi ức lịch sử”, tác giả Cao Bảo Vân, NXB Tri Thức; “Chuyện tình của tướng Cao Văn Khánh”, tác giả Bích Thuận, NXB Thanh niên. Cuốn sách “Tướng Cao Văn Khánh, hồi ức lịch sử” dày 800 trang, gồm 34 chương, do con gái của ông là Cao Bảo Vân viết sau 10 năm thu thập tài liệu, gặp nhiều sĩ quan, tướng lĩnh từng chiến đấu, công tác với ba mình. Tuy lần đầu viết sách nhưng cuốn sách của Cao Bảo Vân được đánh giá cao bởi tư liệu ngồn ngộn, phong phú, đắt giá.
Tướng Cao Văn Khánh sinh năm 1917 ở Huế, trong một gia đình trí thức, khá giả, được tạo điều kiện ăn học đến nơi đến chốn. Trước năm 1945, ông dạy Toán ở các Trường tư thục Phú Xuân, Lyceum Việt Anh, Thuận Hóa Huế. Tuy dạy học chưa lâu nhưng ông được học sinh quý mến và nổi tiếng là một thầy giáo dạy giỏi môn Toán.
Khi Cách mạng Tháng 8 nổ ra ở nhiều nơi, ông không đứng ngoài cuộc mà tham gia cùng Phan Hàm thành lập lực lượng giải phóng quân tỉnh Thừa Thiên, được bầu làm Phó Chỉ huy quân giải phóng của tỉnh. Ông đưa đội quân mới thành lập đi chiếm kho súng đạn, quân trang, quân dụng do quân đội Nhật giữ ở đồn Măng Cá về trang bị cho quân ta.
Lực lượng quân giải phóng của tỉnh không ngừng lớn mạnh, khi thành lập chỉ có 15 phân đội, sau phát triển thành 25 đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Từ thời điểm đó, cuộc đời ông rẽ sang trang mới, không chỉ làm thầy giáo mà là nhà chỉ huy quân sự gắn bó suốt đời với quân đội cách mạng. Khi giặc Pháp gây hấn ở Nam Bộ, ông tham gia Nam tiến, chiến đấu lập nhiều chiến công và trở thành Đại đoàn trưởng Đại đoàn 27 Cực Nam Trung Bộ, chiến đấu dưới quyền chỉ huy của tướng Nguyễn Sơn.
Bằng tài năng và những kiến thức đã học cùng kinh nghiệm tích lũy được, ông từng bước vươn lên trở thành một chỉ huy quân sự tài ba, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin tưởng.
Năm 1949, ông được điều ra Bắc, giữ chức Đại đoàn phó Đại đoàn 308. Khi mở chiến dịch Sông Thao 1949, ông được cử làm tư lệnh phó cùng với Tư lệnh Lê Trọng Tấn chỉ huy chiến dịch. Tiếp đó, ông tham gia các chiến dịch: Biên giới năm 1950; Điện Biên Phủ năm 1954. Ngoài ra, ông còn tham gia đánh giặc ở Thượng Lào...
Sau 1954, ông về làm việc ở Hà Nội, có thời gian 4 năm là Hiệu trưởng Trường Lục quân. Khi giặc Mỹ leo thang chiến tranh, năm 1966, ông được điều vào chiến trường miền Nam...
Do có lý lịch “phức tạp” (ông được đào tạo ở trường Tây, có ông ngoại là quan triều đình, cha vợ cũng là mệnh quan triều đình...) nên mặc dù tài giỏi, luôn được cấp trên tin tưởng giao cho nhiều trọng trách nhưng ông mang quân hàm đại tá suốt 26 năm, mãi tới năm 1974 mới được phong thiếu tướng, năm 1980 phong trung tướng.
Quê ngoại của tướng Cao Văn Khánh ở Quảng Trị. Trên mảnh đất Quảng Trị, tướng Cao Văn Khánh tham gia nhiều trận đánh ác liệt và chỉ huy các chiến dịch lớn, như: Tư lệnh chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968; Tư lệnh Binh đoàn B70 - chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1970-1971; chỉ huy trận đánh cuối cùng ở Cửa Việt, giữ vùng đất giải phóng trước khi ký Hiệp định Paris năm 1973.
Trong hơn 30 năm tham gia quân đội, ông luôn có mặt ở tuyến đầu, từ chiến trường Nam Trung Bộ đến các chiến dịch: Sông Thao, Biên giới, Điện Biên Phủ, Khe Sanh, Đường 9, Tây Nguyên.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 ông làm việc ở Tổng hành dinh, trực tiếp với Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ trưởng Quốc phòng. Cao Văn Khánh được đánh giá là một trong những vị tướng có tầm chiến lược; trợ thủ đắc lực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét về ông: “Đồng chí Cao Văn Khánh là một trí thức yêu nước, tham gia Cách mạng tháng Tám từ năm 1945. Anh là một cán bộ quân đội chỉ huy Đại đoàn 308, đánh những trận lớn trong kháng chiến chống Pháp, từng là Tư lệnh B70, trong kháng chiến chống Mỹ. Một người hăng hái, trung thực, có nhiều kinh nghiệm hợp đồng binh chủng, được bộ đội tin yêu”.
Là một vị tướng chỉ huy chiến trường, ông rất thương yêu và tôn trọng người lính, nhiều lần ông viết thư cho vợ tâm sự: “Càng thương con, càng thương anh em chiến sĩ, thật là vĩ đại vô cùng, gian khổ bao nhiêu cũng luôn vui vẻ, quyết tâm đánh giặc”.
Trước mỗi trận đánh, ông luôn đau đáu trong lòng suy nghĩ về trách nhiệm của mình “làm thế nào giành được thắng lợi mà đỡhy sinh nhiều cho anh em”. Đối với quân lính phía bên kia chiến tuyến ông cũng rộng lượng, khoan dung.
Ông luôn sống khiêm nhường, thầm lặng. Tuy lập được nhiều chiến công nhưng không mấy ai thấy ông đeo huân, huy chương. Bởi ông luôn nhận thức được rằng mỗi thắng lợi, mỗi chiến công có được phải đổ bao nhiêu xương, máu của anh em chiến sĩ, nên chiến công, niềm vinh dự ấy luôn thuộc về họ. Nhận xét về tướng Cao Văn Khánh, Đại tá Nguyễn Chấn, người đồng đội từ thời chiến dịch Điện Biên Phủ cho rằng: Cao Văn Khánh là một trong những vị tướng có tài của dân tộc, ông là danh tướng của QĐNDVN...
Do nhiều năm lăn lộn ở chiến trường, hứng chịu nhiều bom đạn và chất độc hóa học, năm 1980 khi đang là Phó Tổng Tham mưu trưởng, ông bị bệnh ung thư gan, không qua khỏi.
Với nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nên khi mất, ông được đề nghị chôn cất ở nghĩa trang Mai Dịch. Nhưng gia đình đã đưa ông về nghĩa trang Kỳ Yên, Bất Bạt, Ba Vì chôn cất. Ông nằm đó bên người thân, đồng đội giữa vùng đất rộng thông reo, mây ngàn, gió núi. Giản dị, khiêm nhường như chính cuộc đời ông - một vị tướng đặc biệt...
Hoàng Nam Bằng
Nguồn: https://baoquangtri.vn/cao-van-khanh-mot-vi-tuong-dac-biet-195717.htm
Bình luận (0)